Các bác sĩ khoa Chấn Thương Chỉnh Hình - Bệnh viện đa khoa Mộc Châu vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật chuyển vạt da có cuống mạch liền bàn tay bị lóc toàn bộ da cho một bệnh nhân bị tai nạn lao động, do máy cắt cỏ cắt vào tay.
Đó là trường hợp của bệnh nhân nữ, 31 tuổi, địa chỉ Chiềng Tương, Yên Châu. Trong lúc lao động không may bàn tay bị máy cắt cỏ cắt vào tay. Bệnh nhân bị cụt đốt bàn ngón tay phải nham nhở, chảy máu nhiều và được gia đinh đưa vào Bệnh viện Mộc Châu cấp cứu. Hình ảnh chụp Xquang cho thấy, bệnh nhân bị cụt đốt II ngón 1 và 4, cụt xương bàn ngón 2, 3 bàn tay bên phải.
BSCK I - Lê Anh Tuấn - Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình cho biết: "Bệnh nhân vào viện trong tình trạng bàn tay phải bị lột hết da, bao gồm cả mạch máu, dây thần kinh, chỉ còn gân và xương của ngón tay. Đây là trường hợp có vết thương khá nghiêm trọng, bệnh nhân có nguy cơ phải cắt cụt bàn tay rất cao để tránh nhiễm trùng, hoại tử gân, xương.
Tuy nhiên, việc cắt cụt bàn ngón tay sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống sau này của bệnh nhân vì ngón tay bị thương của bệnh nhân là bàn tay phải, bàn ngón tay quan trọng trong các chức năng vận động cầm, nắm.
Bàn tay sau phẫu thuật chuyển vạt da.
Chính vì vậy, sau khi hội chẩn toàn viện, hội chẩn trực tuyến với các chuyên gia bệnh viện tuyến trung ương. Các bác sĩ đã thống nhất lựa chọn phương pháp phẫu thuật chuyển vạt da ở vùng bẹn trên cơ thể bệnh nhân sang phần bàn ngón tay bị mất da."
Nhờ áp dụng kỹ thuật chuyển vạt da giúp giữ lại tối đa chức năng và chiều dài chi thể, thay vì phải cắt cụt đến tận cổ tay để che phủ lại tổn thương như như trước đây. Chuyển vạt bẹn là vạt tự do đầu tiên được sử dụng thành công tại Bệnh viện đa khoa Mộc Châu, đánh dấu bước nhảy vượt bậc trong lĩnh vực che phủ khuyết hổng phần mềm trong tổn thương cấp tính.
Kỹ thuật chuyển vạt da yêu cầu bác sĩ có chuyên môn cao và kĩ năng tốt. Vùng da được chọn để chuyển vạt cho bệnh nhân là vùng bẹn - nơi có nguồn cấp máu từ động mạch mũ chậu nông và động mạch thượng vị nông. Ưu điểm của vùng vạt này là nơi cung cấp nguồn chất liệu dồi dào, phù hợp với nhiều nơi nhận trên cơ thể và gây tổn thương rất ít tại nơi lấy vạt. Các bác sĩ đã tiến hành lấy vạt da vùng bẹn có cuống động mạch nuôi là động mạch mũ chậu nông chuyển sang che phủ và khâu vạt vào vùng da khuyết của bàn tay phải. Sau hơn 4 giờ, ca phẫu thuật được thực hiện thành công, bệnh nhân tỉnh táo, hồi lưu máu vạt tốt.
Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt, vùng da khuyết được bồi đắp hồng hào, vết mổ khô. Bệnh nhân được xuất viện sau 20 ngày điều trị.
Sau phẫu thuật chuyển vạt da, bệnh nhân tái khám theo hẹn để cắt cuống mạch. Bệnh nhân sẽ được tách ngón để phục hồi vận động cầm, nắm cho bàn tay phải.
Với việc áp dụng thành công kỹ thuật này sẽ là cơ hội cho người bệnh có các tổn thương về phần mềm, giảm bớt những biến chứng và di chứng, che phủ được những gân, xương, thần kinh, mạch máu bị lộ, phục hồi gần như hoàn toàn chức năng ban đầu và thẩm mỹ cho vùng tổn thương.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân, khi sử dụng các thiết bị lao động, nên có đồ bảo hộ và đảm bảo an toàn kỹ thuật.