Hà Nội

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao: Việt Nam đang thúc đẩy nghiên cứu và phát triển vắc-xin trong nước

25-03-2021 19:51 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ngoài nhập khẩu vắc xin ngừa COVID-19, Việt Nam đã thúc đẩy việc nghiên cứu và phát triển vắc xin trong nước, sử dụng sớm nhất vào năm 2022.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã cung cấp một số thông tin về nguồn cung vắc xin COVID-19 ở Việt Nam tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 25/3.

Theo đó, sau khi dịch COVID-19 bùng phát và các nước tiến hành nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm vắc xin phòng bệnh, Việt Nam đã nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận và đàm phán với các đối tác cung cấp vắc xin phòng chống COVID-19 trên thế giới để sớm nhập khẩu vắc xin sử dụng ở trong nước.

Cho đến nay, Việt Nam đã tiếp cận được với một số nguồn cung ứng vắc xin và đã có cam kết cung ứng từ chương trình COVAX Facility về nhà sản xuất và cung ứng vắc xin AstraZeneca, cũng như Sputnik V của Nga. Hiện nay có 35.000 người Việt Nam được tiêm vắc xin.

Vắc xin của Việt Nam đang trong quá trình nghiên cứu thử nghiệm

Ngoài ra, Việt Nam vẫn tiếp tục tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn cung cấp vắc xin, tập trung vào một số nhà sản xuất khác trên thế giới của các quốc gia như Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc với những mục tiêu như tăng độ bao phủ tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho người dân Việt Nam để có thể góp phần sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, ngoài nguồn vắc xin nhập khẩu, Việt Nam đã thúc đẩy việc nghiên cứu và phát triển vắc xin trong nước. Vắc xin do Việt Nam sản xuất dự kiến có thể được sử dụng trong thời gian sớm nhất là năm 2022 để bảo đảm nguồn cung, an ninh y tế và chủ động ứng phó với đại dịch.

Hiện đã có 2 loại vắc xin đã được Việt Nam đưa vào nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm giai đoạn 1 và giai đoạn 2. Quá trình thử nghiệm đang được diễn ra theo đúng quy trình và đảm bảo các quy định của Bộ Y tế.

Trước câu hỏi về kế hoạch tiêm chủng vắc xin COVID-19, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết 21 ngày 26/2/2021 về việc mua và sử dụng vaccine ngừa COVID-19, trong đó cũng đã xác định rõ 9 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin do Bộ Y tế chỉ đạo.

Theo nghị quyết này thì các đối tượng được ưu tiên tiêm trước hết là các đối tượng tuyến đầu phòng chống dịch bệnh: nhân viên cán bộ ngoại giao của Việt Nam được cử đi nước ngoài; nhân viên cán bộ hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; giáo viên, người làm việc trong các cơ sở giáo dục – đào tạo; người làm việc tại các cơ quan đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người; người mắc bệnh mãn tính, người cao tuổi trên 65 tuổi; người sinh sống tại các vùng có dịch; người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội; người được các cơ quan có thẩm quyền cử đi công tác, lao động, làm việc, học tập ở nước ngoài, và cuối cùng là các đối tượng do Bộ Y tế kiến nghị và quy định căn cứ vào nhu cầu và quyết định.


Hải Yến
Ý kiến của bạn