Người phát hiện ra “những chiếc van của sự sống”

03-03-2012 3:20 PM | Thông tin dược học

Chúng ta ai cũng biết rằng, trái tim là khởi nguồn của sự sống. Máu từ tim tỏa đi khắp cơ thể, nuôi sống từng tế bào, rồi lại trở về tim. Thế nhưng, điều gì khiến dòng máu ấy chỉ chảy một chiều mà không theo chiều ngược lại và tại sao nó lại được phân phối một cách rất đồng đều, hợp lý cho việc nuôi dưỡng từng phần thân thể khác nhau?

Chúng ta ai cũng biết rằng, trái tim là khởi nguồn của sự sống. Máu từ tim tỏa đi khắp cơ thể, nuôi sống từng tế bào, rồi lại trở về tim. Thế nhưng, điều gì khiến dòng máu ấy chỉ chảy một chiều mà không theo chiều ngược lại và tại sao nó lại được phân phối một cách rất đồng đều, hợp lý cho việc nuôi dưỡng từng phần thân thể khác nhau? Cuối thế kỷ 16 đã có một nhà khoa học bỏ nhiều công sức để giải đáp những câu hỏi ấy. Nhà khoa học đó là Girolamo Fabrizi (1533-1619).

Vị giáo sư say mê với dòng chảy của máu…

Girolamo Fabrizi sinh ra tại làng quê hẻo lánh Aquapendente, thuộc vùng Toscana miền Tây Italia. Mặc dù gia đình nghèo túng nhưng với ý chí thoát nghèo, chàng thanh niên Fabrizi đã quyết tâm tay trắng rời quê đi lập nghiệp. Anh vượt hơn 150 cây số đến Padova - nơi có một trường đại học nổi tiếng để vừa tìm việc kiếm tiền nuôi thân vừa theo học chuyên ngành y khoa mà anh yêu thích. May mắn thay, tại đây, Fabrizi đã gặp thầy Fallopio (1523 - 1562) - một giáo sư giải phẫu học nổi tiếng. Được sự hướng dẫn tận tình của thầy, chẳng bao lâu tài năng của trò Fabrizi đã sánh ngang với thầy. Khi Fallopio qua đời, Fabrizi đã được bổ nhiệm làm giáo sư kế nghiệp thầy trong việc giảng dạy môn giải phẫu học tại trường. Lúc này, anh tròn 28 tuổi.

 Nhà khoa học Girolamo Fabrizi.
Trong cương vị mới, Fabrizi có điều kiện thuận lợi nhất để nghiên cứu tỉ mỉ cấu trúc cơ thể người - môn học khiến anh say mê ngay từ khi bước chân vào đại học. Đặc biệt, Fabrizi rất thích tìm hiểu dòng máu chảy trong các tĩnh mạch. Sau nhiều lần mổ xẻ, cắt ngang, cắt dọc các tĩnh mạch trên cơ thể động vật và chú ý quan sát, Fabrizi nhận thấy mỗi khi thắt buộc các tĩnh mạch, chúng đều phồng to ở phía dưới nơi thắt chặt chứ không hề giãn rộng ở phía trên. Vì sao thế nhỉ? Ông suy nghĩ mãi rồi chợt hiểu ra rằng, máu chỉ chảy theo một chiều hướng từ tim tới các chi rồi trở về tim chứ không theo chiều ngược lại. Đúng vậy, nhưng tại sao lại thế?

Fabrizi lại tiếp tục nghiên cứu phẫu tích các tĩnh mạch của đủ mọi loại động vật. Cuối cùng, ông phát hiện thấy có những chiếc van cực nhỏ, hình tổ chim, hiện diện trong lòng mạch, mặt lõm hướng về phía tim. Chính các van này đã giữ máu lại, buộc máu phải chảy theo một hướng duy nhất trở về tim. Ông cũng nhận thấy những van đó không có trong các tĩnh mạch lớn của thân là những tĩnh mạch đưa máu lên thẳng tới các cơ quan sự sống. Khi phát hiện ra những chiếc van tim mạch (1570), Fabrizi đã không dám công bố ngay, bởi phát hiện này hoàn toàn trái ngược với quan điểm trước đây của thầy thuốc người Hy Lạp Galen (thế kỷ 2 sau CN) vốn vẫn thống trị trong đầu mọi người rằng, máu được chuyển động ly tâm từ tim ra ngoài để nuôi dưỡng các bộ phận cơ thể. Phải thêm hơn 30 năm nữa lặng lẽ nghiên cứu cấu trúc tĩnh mạch và các van tổ chim (thuật ngữ do chính ông đặt ra), mãi đến năm 1603, Fabrizi mới dám công bố phát hiện của mình trong tập công trình “Về các van tĩnh mạch” xuất bản ở Padova.

Thực ra trước đó, nhiều người cũng đã nói đến sự tồn tại của một bộ phận đặc biệt trong mạch máu giúp điều tiết dòng chảy (như Galen, Vesalius, Sylvius…) nhưng chính Fabrizi là người đầu tiên mô tả tỉ mỉ vị trí, hình thái, cấu trúc và chức năng các van tĩnh mạch, kèm theo những hình minh họa chính xác. Theo đó, các van tim mạch mà Fabrizi đề nghị được gọi tên là “ostioli” - được mô tả là “những màng nhỏ hiện diện trên vách trong của các tĩnh mạch, giống như những lỗ miệng hoặc đoạn thoát nhỏ. Lỗ mở “ostioli” hướng về phía nguyên thủy của tĩnh mạch (về tim) và khép kín ở hướng trái ngược. Nhìn từ phía ngoài, các lỗ mở này giống như nốt sần trên cành cây hoặc như nhánh trên thân cây”. Fabrizi cho rằng, “thiên nhiên đã tạo ra những chiếc van kỳ diệu này để làm chậm phần nào lưu lượng của máu đồng thời để bảo đảm có sự phân phối đồng đều máu cho việc nuôi dưỡng các phần thân thể khác nhau. Như thế tránh được hai hậu quả xấu là sự thiếu dinh dưỡng ở các phần trên và sự sưng phù ở các phần dưới của chi do ứ đọng thường xuyên quá nhiều máu”.

Với việc khẳng định sự hiện diện của các van tĩnh mạch, Fabrizi một lần nữa đã chứng minh được luận điểm dòng máu luôn di chuyển trở về tim và điều này chắc chắn đã đóng góp không nhỏ vào sự hình thành thuyết tuần hoàn máu của người học trò lỗi lạc của ông là William Harvey sau này.

 … Cũng là người mở đường cho ngành phôi thai học

Ngoài việc phát hiện van tĩnh mạch, Fabrizi còn là người góp phần xây dựng nền móng cho ngành phôi thai học.

Để nghiên cứu sự hình thành phôi thai, ông cho gà mái ấp nhiều trứng rồi mỗi ngày lấy ra một quả để mổ xẻ quan sát. Nhiều nhà nghiên cứu trước đó, kể cả Aristotle cũng đã làm như vậy, nhưng với đôi mắt tinh tường, Fabrizi đã phát hiện nhiều điều mới: ông nhận thấy xương là bộ phận được hình thành đầu tiên, rồi đến các cơ quan nội tạng, hệ mạch máu và quả tim. Nhưng điều làm ông băn khoăn suy nghĩ là những gì đã quan sát thấy lại hoàn toàn trái ngược với những ghi nhận của Aristotle. Tuy nhiên, ông vẫn lý luận rằng bộ xương phải được hình thành đầu tiên, rõ ràng phải là như vậy, giống như khi xây nhà hoặc đóng tàu, tất cả đều phải bắt đầu bằng bộ khung trước tiên.

 Hình ảnh van tĩnh mạch
Cuốn sách mang nhan đề “Về sự hình thành phôi thai” của ông được xuất bản năm 1600 đã giải thích quá trình phát triển của các động vật từ lúc khởi đầu đồng thời bác bỏ những quan điểm thần bí, phản khoa học đã tồn tại trước đây. Đây là cuốn sách về phôi thai học đầu tiên có kèm hình vẽ minh họa. Sau đó, ông công bố thêm tài liệu “Về sự hình thành của trứng và gà con” (1621, xuất bản 3 năm sau khi ông qua đời). Hai cuốn sách này (về sau được dịch sang tiếng Anh, 1942, 1967) đã đặt Fabrizi vào hàng ngũ những người sáng lập ra ngành phôi thai học.

Với những đóng góp to lớn của mình cho khoa học, Fabrizi đã được phong tước Hiệp sĩ Hoàng gia, nhận Huân chương Thánh Marcos với chuỗi dây vàng được phong tặng là công dân danh dự của nước Cộng hòa Italia. Ông qua đời ngày 21/5/1619 sau một cơn bệnh nôn mửa (có người đương thời nói rằng những kẻ ghen ghét đã đầu độc hãm hại ông). Hơn nửa thế kỷ sau khi ông qua đời, các tác phẩm của ông đã được dịch và in ở Đức (Leipzig, 1687) và hơn một thế kỷ sau, toàn tập các công trình nghiên cứu của ông được Albinus xuất bản (Leiden, 1783).

Không chỉ nổi danh vì đã phát hiện ra các van tĩnh mạch và mở đường cho ngành phôi thai học, Fabrizi còn được giới khoa học tôn sùng vì đạo đức cao đẹp: không bao giờ ông nhận quà biếu của người bệnh. Mọi tặng vật quý giá mà bệnh nhân đem tặng, Fabrizi đều cho đặt tại phòng bảo tàng của nhà trường, nơi đây trên cửa ra vào có ghi dòng chữ vàng “Vì tinh thần vô tư đối với người bệnh” và bên dưới là “bút danh” khoa học của ông: Hieronymus Fabricius ab Aquapendente.    

Thái An

(Theo The Faces of Medicine)


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH