Người phác họa đời sống văn hóa An Nam 100 năm trước

15-09-2009 07:16 | Văn hóa – Giải trí

Suốt 100 năm qua, chẳng mấy ai biết đến nhà nghiên cứu nghiệp dư ấy. Cho đến khi công trình duy nhất anh để lại mang tên Kỹ thuật của người An Nam

Suốt 100 năm qua, chẳng mấy ai biết đến nhà nghiên cứu nghiệp dư ấy. Cho đến khi công trình duy nhất anh để lại mang tên Kỹ thuật của người An Nam được biên soạn lại và cho tái bản thì cái tên Henri Oger bỗng trở thành tâm điểm chú ý của giới nghiên cứu lịch sử, văn hóa xã hội cũng như đông đảo công chúng. Nhiều cuộc triển lãm, hội thảo về công trình này liên tiếp được tổ chức trong thời gian qua. Bấy giờ, người ta mới biết rằng, có một anh lính Pháp đã gắn bó và thấu hiểu đời sống của người dân Việt Nam đầu thế kỷ 20 một cách sâu sắc đến như thế.

 Một hình vẽ về lễ cưới hỏi cách đây 100 năm.

Anh lính nghĩa vụ Pháp mê văn hóa An Nam

Chàng thanh niên Pháp Henri Oger sinh năm 1885. Năm 1907, khi vừa tròn 22 tuổi, anh tình nguyện sang Việt Nam để thực hiện nghĩa vụ quân sự. Trong 3 năm làm việc tại Hà Nội (1907 -1909), cuộc sống với những nét văn hóa đặc trưng của thị dân Hà thành đã có sức hút đặc biệt với Henri. Công việc của một quản lý viên trong cơ quan hành chính dân sự của chính quyền Đông Dương đòi hỏi anh phải tìm hiểu, nghiên cứu về những nghề thủ công của người Việt Nam để xây dựng, thống kê các thuật ngữ kỹ thuật. Thế nhưng, thay vì chỉ cần thống kê các thuật ngữ kỹ thuật theo yêu cầu công việc, chàng thanh niên Oger đầy tham vọng tri thức đã quyết tâm thực hiện một công trình khổng lồ: miêu tả lại toàn bộ đời sống xã hội của thị dân An Nam thời bấy giờ. Lý do mà anh đưa ra trong lời tự bạch mở đầu tác phẩm là: "Ngay khi đặt chân tới Hà Nội, tôi đã có một tình cảm đặc biệt với vùng đất này".

Suốt 2 năm, anh cùng một họa sĩ người Việt lang thang khắp các hang cùng ngõ hẻm của 36 phố phường và vùng ngoại thành Hà Nội để phác họa trên giấy những hình ảnh phản ánh đời sống của người dân Hà thành, từ sản xuất, buôn bán đến vui chơi, tập tục... Có lẽ do quá hứng thú và tò mò về một nền văn hóa còn nhiều điểm xa lạ, Henri Oger đã cho vẽ lại hết sức tỉ mỉ nhiều phong tục văn hóa, tập quán ứng xử và hành vi đời thường của người dân, từ việc mang con bỏ chợ, thả bè trôi sông, đẻ rơi ngoài đường đến việc đánh vợ, dựng nêu đón Tết, thiến trâu, chọi gà...

Với thái độ làm việc nghiêm túc, cẩn thận, đảm bảo tính trung thực, chính xác, sau khi phác họa tranh xong, Henri mời người dân kiểm tra lại rồi mới chuyển đến cho những người thợ khắc gỗ để chế tác mộc bản. Bằng tất cả niềm yêu thích, hứng thú với công việc, chàng trai người Pháp đã vượt qua mọi trở ngại để cho ra đời cuốn sách Kỹ thuật của người An Nam. Tác phẩm được in trên giấy dó khổ lớn bằng phương pháp in mộc bản, gồm 700 trang bài viết và hơn 4.200 hình ảnh minh họa về cuộc sống, sinh hoạt, thao tác nghề thủ công, phong tục văn hóa, tập quán lối sống của người Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20.

Điều đáng nói nhất chính là tinh thần của Oger. Trong 2 năm điền dã nghiên cứu, anh hoàn toàn đơn độc, không nhận được bất kỳ sự hậu thuẫn nào của chính quyền. Anh còn phải chịu đựng biết bao sự dè bỉu, khinh thường khi tự đi quyên góp để có thể xuất bản cuốn sách. Toàn bộ những gì Oger có được là 200 đồng bạc từ 20 người hảo tâm. Nhưng như lời tự bạch đầy cay đắng của anh ở đầu cuốn sách, "Khó khăn vật chất không là gì cả. Tác giả còn rất trẻ, vừa mới qua tuổi 20 và có ai để ý đến anh ta đâu. Tuy nhiên, anh ta có lòng tin: Công trình ấy đáng khen vì chưa từng có ai tiến hành ở Đông Dương". Với số tiền ít ỏi, tác phẩm của Henri chỉ in được có 60 bản.

Sự hẩm hiu của số phận tiếp tục khiến nhà nghiên cứu trẻ tuổi không có được chút vinh quang nào. Chẳng mấy người chú ý đến tác phẩm cũng như tên tuổi của anh. Đã thế, do quá chú tâm vào các công trình nghiên cứu, đôi khi lơ là việc quản lý hành chính, Henri được cho hồi hương với lý do sức khỏe kém. Sau đó một thời gian, anh đột nhiên mất tích, không ai biết anh ở đâu, còn sống hay đã chết.

 Đời sống thị dân Bắc Bộ qua tranh khắc của Henri.

Công bằng được trả lại

Tác phẩm tâm huyết duy nhất được hoàn thành của anh lính trẻ Henri Oger tưởng chừng đã bị lãng quên mãi mãi khi suốt một thời gian dài sau đó không ai nhắc đến nó. Mãi đến năm 2004, trong một dự án khôi phục kho tàng di sản văn hóa thời thuộc địa tại các nước Đông Dương do Chính phủ Pháp tài trợ, bản gốc hoàn chỉnh duy nhất của cuốn sách tại Việt Nam do Thư viện Khoa học tổng hợp TP. Hồ Chí Minh lưu giữ đã được chọn để biên soạn lại và cho tái bản. Nhân dịp tái bản cuốn sách, nhiều cuộc hội thảo, triển lãm về cuốn sách này đã được tổ chức. Qua đó, giá trị quý báu của nó cũng như công lao to lớn của Henri Oger đã được nhìn nhận lại và đánh giá công bằng hơn. Bởi cùng với thời gian, Oger đã làm được một việc ý nghĩa là lưu giữ lại những dấu ấn đời sống, kỹ thuật của người Việt Nam mà sự phát triển của xã hội đã đẩy chúng vào quá khứ và bị mai một dần.

Giáo sư sử học Đinh Xuân Lâm cho biết, ông rất coi trọng cách tiếp cận văn hóa đời sống bản địa rất khác biệt của chàng thanh niên Pháp này. Nhiều hình ảnh tư liệu trong cuốn sách này không thể tìm thấy ở bất kỳ tài liệu nào khác. Còn theo đánh giá của GS. Olivier Tessier và Philippe La Failler - chủ biên cuốn sách: Chính sự toàn diện và tỉ mẩn trong việc thu thập dữ liệu đã làm nên nét độc đáo cho công trình của Henri Oger so với những nguồn tranh, ảnh, tư liệu cùng thời khác.

Những điều người ta biết về cuộc đời Henri Oger đến nay không nhiều, nhưng chỉ với một tác phẩm còn lại, đủ để bảo đảm cho tên tuổi của ông không bao giờ bị lãng quên, ít nhất là đối với những ai quan tâm đến lịch sử văn hóa xã hội Việt Nam.

Thục Yên


Ý kiến của bạn