Trong dịp công tác tại Công an thành phố Hòa Bình, chúng tôi được nghe câu chuyện về Thiếu tá Đinh Hữu Long và hành trình tìm lại người thân cho một gia đình ở tỉnh Thanh Hóa diễn ra hết sức lạ kỳ. Đúng như Thượng tá Nguyễn Cao Tiến – Phó trưởng Công an thành phố Hòa Bình nhận xét: “Đồng chí Long đã giúp họ sau hơn 50 năm xa cách, bặt tin, cuối cùng đã được đoàn tụ trong nước mắt”.
Cuộc gặp gỡ tình cờ
Trước mặt chúng tôi là Thiếu tá Đinh Hữu Long - Phó Đội trưởng Đội CSQLHC về TTXH - Công an thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình), nhân vật chính trong câu chuyện. Với vẻ mặt khá nghiêm nghị, song khi trò chuyện anh rất cởi mở và khiêm tốn. Khi chúng tôi đặt vấn đề muốn ghi lại hành trình giúp gia đình nọ được đoàn tụ sau hơn nửa thế kỷ xa cách, thì anh cho rằng đó chỉ là chuyện bình thường của người chiến sĩ Công an Nhân dân. Nếu ai trong hoàn cảnh của anh cũng sẽ làm như vậy. Anh có may mắn hơn là làm ở bộ phận quản lý nhân hộ khẩu, có điều kiện tiếp xúc và nắm bắt những thông tin về nhân thân, lai lịch. Từ đó xác định danh tính người cần tìm. Về quy trình là như vậy song nếu không có lòng bao dung, tinh thần tận tụy vì nhân dân phục vụ như anh thì chắc chắn không phải ai cũng bỏ công, bỏ việc, lặn lội khắp các địa bàn của thành phố Hòa Bình để tìm kiếm từ những thông tin khá mơ hồ.
Thiếu tá Đinh Hữu Long. |
Vào khoảng những năm 50 của thế kỷ trước, trong thời buổi đất nước loạn lạc, cũng như bao gia đình Việt Nam khác, gia đình chị Trâm phải đối mặt với vô vàn khó khăn trong cuộc sống. Ranh giới giữa sự sống và cái chết trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Gia đình chị Trâm có 10 anh chị em, sinh sống tại huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Nhà nghèo, lại đông con, bố mẹ chị phải lao động cật lực cũng không đủ khả năng để nuôi các con. Bất đắc dĩ, bố mẹ đành ngậm ngùi đưa người con trai máu mủ của mình cho người khác nuôi. Năm 1954, gia đình đã đưa Nguyễn Quang Vinh, mới 3 tuổi vào chiếc quang gánh, sau đó đem cho một gia đình ở huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) với hy vọng Vinh sẽ được nuôi dạy trong điều kiện tốt và khôn lớn thành người. Cũng từ thời gian đó đến nay, gia đình không có bất kỳ thông tin gì về anh Vinh. Sau này, anh em trong gia đình đã nhiều lần tìm tới gia đình nọ ở Nga Sơn tìm gặp lại Vinh song không có kết quả, những thông tin về người anh trai khá mờ mịt.
Sau này, gia đình Trâm đều có cuộc sống khá ổn định, sinh sống ở khắp nơi trên đất nước và thường xuyên thông tin, liên lạc với nhau. Duy chỉ có điều, người anh trai thứ 3 ra đi làm con nuôi nhà người hơn nửa thế kỷ vẫn bặt vô âm tín, không biết đang ở phương trời nào. Mọi người thay nhau đi tìm, hết nơi này đến nơi khác, hễ nghe có thông tin về Vinh thì gia đình lại tìm đến. Không những thế, gia đình còn đăng tin tìm người nhà trên các phương tiện truyền thông đại chúng song vẫn không có kết quả gì, cuộc tìm kiếm dần rơi vào vô vọng… Có thông tin, anh Vinh có thời gian làm công nhân tại Nhà máy thủy điện Hòa Bình, gia đình đã lên tận nơi tìm kiếm, rồi lại ra về trong nỗi thất vọng tràn trề.
Nghe câu chuyện đáng thương về hoàn cảnh gia đình chị Trâm, anh Long hứa sẽ giúp chị tìm lại người anh trai của mình trong khả năng có thể. Vẫn biết rằng, cuộc tìm kiếm là vô vọng, song anh có linh cảm rằng, anh sẽ tìm ra người anh trai thất lạc.
Những chặng đường tìm kiếm
Trở về sau chuyến nghỉ mát ở Sầm Sơn, Thiếu tá Đinh Hữu Long bắt đầu đi tìm lại người anh trai của chị Trâm. Tranh thủ những ngày nghỉ, anh cất công lên Nhà máy thủy điện Hòa Bình tìm gặp lại những người công nhân trong giai đoạn thi công Nhà máy thủy điện những năm 80 của thế kỷ trước. Song hầu hết những con người đó đã chuyển công tác khác hoặc nghỉ hưu. Những người anh gặp thì họ không có thông tin về người có tên là Vinh ở Nông Cống, Thanh Hóa.
Kiên trì tìm kiếm, kết hợp với những mối quan hệ của mình, Thiếu tá Đinh Hữu Long đã nhờ người thân, bạn bè giúp đỡ. Những nỗ lực, cố gắng của anh dần có tín hiệu tích cực. Một số công nhân từng tham gia xây dựng Nhà máy thủy điện cho biết, thời điểm đó có 4 người tên là Vinh song không biết hiện giờ họ đang ở đâu.
Không quản ngại khó khăn, vất vả, anh vẫn kiên trì tìm kiếm, hễ có bất cứ thông tin gì về người tên Vinh là anh đều tìm gặp và dò la tin tức. Khoảng 10 ngày sau, có người điện cho anh thông báo có người tên là Vinh từng làm công nhân tại Nhà máy thủy điện Hòa Bình, sau đó chuyển sang công tác bên ngành điện lực. Rất có thể đây chính là người anh cần tìm.
Ngay hôm sau, anh đã có mặt tại Sở Điện lực Hòa Bình để xác minh. Tại đây, cán bộ Phòng Tổ chức cán bộ - Sở Điện lực cung cấp cho anh danh tính về 2 người tên là Vinh. Trong số đó có một người là Nguyễn Quang Vinh, sinh năm 1951, quê ở Nông Cống - Thanh Hóa, là công nhân xây lắp - Trạm cao thế. Tuy nhiên, anh Vinh đã chết năm 2004 vì bệnh xuất huyết não.
Linh tính mách bảo anh rằng đây chính là người đã thất lạc hơn nửa thế kỷ. Anh không biết mình nên vui hay nên buồn nữa. Tin này anh có nên báo cho gia đình chị Trâm hay không? Sau một thời gian đắn đo, cân nhắc, anh quyết định gọi điện thông báo cho chị Trâm và gia đình biết.
Đón nhận thông tin từ anh Long, chị Nguyễn Thị Trâm đã không giấu nổi xúc động. Chị không thể ngờ rằng, ngày đoàn tụ của anh Vinh và gia đình sau hơn nửa thế kỷ xa cách sẽ như thế. Chị đã liên lạc với anh em trong gia đình, tổ chức lên Hòa Bình thắp nén nhang thơm trước anh linh người anh trai đã khuất.
Hôm đó là ngày 10/6, người anh trai cả ở Ninh Bình, chị Trâm và một số người thân của anh Vinh đã lặng lẽ thắp nén nhang trên mộ người quá cố. Mọi người ôm lấy nhau mà khóc, giọt nước mắt cay đắng, nghẹn ngào. Họ hẹn nhau, thời gian tới sẽ lên Hòa Bình để đưa anh về quê hương.
Người em gái của anh Vinh là Nguyễn Thị Liên, hiện đang sống tại phường Bình An, quận 2 - thành phố Hồ Chí Minh đã viết thư tới Giám đốc Công an Hòa Bình cảm ơn lực lượng công an đã giáo dục, rèn luyện anh Long trở thành người công an tốt, luôn tận tụy vì nhân dân phục vụ. Trong thư chị Liên viết: “Bằng tấm lòng chân thành, gia đình tôi xin được cảm ơn anh Long và gia đình, cảm ơn Quý lãnh đạo Công an tỉnh Hòa Bình và Công an thành phố Hòa Bình đã đào tạo và rèn luyện anh Long có một đức tính tốt đẹp, cao cả như vậy. Xứng đáng là người Công an Nhân dân Việt Nam được mọi người tin yêu”.
Chân dung người thiếu tá công an tốt bụng
Anh Đinh Hữu Long sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cha anh từng giữ vị trí lãnh đạo trong ngành công an. Ngay từ khi còn nhỏ, những câu chuyện ly kỳ cha kể đã cuốn hút Long, ấn tượng ban đầu về công an đến với anh như vậy.
Năm 1984, khi mới 19 tuổi, anh viết đơn tình nguyện tham gia lực lượng công an và được phân công về Bộ Tư lệnh cảnh vệ (V15) - Bộ Công an. Quá trình công tác tại đây đã giúp anh trưởng thành về mọi mặt. Anh được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, tham gia bảo vệ các đoàn khách nước ngoài, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước… Trong bất kỳ công việc nào, anh cũng nỗ lực, cố gắng và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Được anh em quý mến, tin tưởng.
Sau thời gian công tác tại Bộ Tư lệnh cảnh vệ, năm 1987, Đinh Hữu Long được điều động về Công an tỉnh Hòa Bình. Được trở về quê hương, nơi anh sinh ra và lớn lên, anh cảm thấy tự tin và phấn chấn lạ thường. Anh tự hứa với bản thân sẽ cố gắng hết sức, góp phần nhỏ bé của mình để mang lại cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho nhân dân. Trải qua nhiều lĩnh vực công tác như: Công an huyện Lạc Thủy, Đội Cảnh sát quản lý hành chính… song nghiệp hình sự như cơ duyên buộc chặt lấy anh. Trong môi trường cảnh sát hình sự, anh đã tham gia điều tra, khám phá nhiều vụ trọng án giết người, trộm cắp tài sản, gây rối trật tự công cộng… Đây là lĩnh vực đầy rẫy khó khăn, nguy hiểm, nhiều cạm bẫy, nếu không có bản lĩnh vững vàng thì dễ bị sa ngã. Chính vì vậy, anh đã tự rèn luyện cho mình bản lĩnh vững vàng, kiên định. Nhất là trong khi đối mặt với tội phạm không được dao động, đặt lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhân dân lên trên hết. Song người lính hình sự cũng cần có một tấm lòng, đó là sự bao dung, độ lượng với những kẻ biết ăn năn, hối cải. Những phẩm chất đó đã định hình tính cách Đinh Hữu Long luôn vì nhân dân phục vụ.
Như Hùng