Đã hơn 50 năm nay, không chỉ người dân sống tại những thôn bản nghèo của các xã Việt Vinh, Tân Thành, Tân Quang của huyện Bắc Quang và những người dân ở huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang coi ông là một điểm tựa, một “già bản” để luôn tìm về nương tựa mỗi khi con họ “đói thuốc”, đau ốm, mà những bậc cao niên và người thầy thuốc trong tỉnh mỗi khi nhắc đến “già bản” Chấn, họ lại nhớ đến ông với vai trò là một người bác sĩ đầu tiên lên với Hà Giang và cũng là một trong những người hiếm hoi ở lại gắn bó với mảnh đất miền biên viễn này.
“Ông tiên của bản”
Nhà ông ở tại thôn Nậm Buông, xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Ngôi nhà rêu mốc cũ kỹ nằm ven một chân đồi với vườn cây, ao cá và đàn gà chạy quanh sân. Nghe tiếng chó sủa và tiếng chúng tôi hỏi thăm từ đầu ngõ, một cụ già râu tóc bạc phơ, da đỏ hăm hia đang cởi trần trùng trục từ dưới ao nước lạnh bước lên. Tiếng ông sang sảng như chàng trai miền núi: "Tôi là bác sĩ Chấn đây. Các anh, các chị hỏi đúng nhà rồi đấy. Thế ốm đau như thế nào, lâu chưa? Mời các anh chị vào nhà uống nước đợi tôi một lát".
Chưa kịp nghe chúng tôi phân bua, ông đã dắt tuốt khách vào nhà, đặt phích nước nóng xuống bàn, giọng chân chất: "Nhà chỉ có hai ông bà, sinh hoạt chế độ tự sản tự tiêu. Mai cuối tuần mấy đứa cháu về chơi nên chiều nay xuống ao bắt trước mấy con cá. Nước đây, các cô chú tự rót uống nhé. Nước chè xanh tôi hái sau nhà vừa hãm xong, chè sạch đấy". Nói xong ông cụ quầy quả đi vội vào buồng thay quần áo.
Ngoài sân, tiếng chó sủa. Một người phụ nữ bản địa cõng sau lưng đứa con, mặt mếu máo, chân gấp gáp bước vào: "Cụ Chấn có ở nhà không? Con Cún nhà cháu bị làm sao mà nóng quá, chân tay sắp co cứng hết rồi".
Thoắt một cái, ông từ trong cửa buồng bước ra. Trong cái áo blu trắng, trông ông như một ông tiên trong chuyện cổ tích. Ông vội vàng đỡ đứa nhỏ từ lưng người mẹ trẻ đặt nằm xuống giường, cặp nhiệt độ, nghe tim phổi, lấy khăn mát chườm lên trán, lên bẹn. Rồi tự tay ông bóc viên thuốc cho vào chén nghiền, pha rồi bón vào miệng đứa trẻ. Ông làm thoăn thoắt những nhiệm vụ vừa với vai trò là người bác sĩ, người điều dưỡng, đồng thời như người mẹ, người ông chăm sóc cho đứa cháu ruột thịt của mình. Còn người mẹ trẻ cứ đứng ngây ra, vừa quệt nước mắt vừa chăm chú theo dõi từng cử chỉ của ông. Ông bảo: "Cháu sốt đến 40 độ rồi đấy. Nhưng yên tâm ông đã cho uống thuốc và chườm mát thế này một tý là sẽ hạ sốt thôi. Bị viêm phế quản là do trời lạnh thế này mà chị mặc cho con tấm áo mỏng manh quá. Thôi để ông vào trong nhà kiếm cho cái áo cũ của đứa cháu. Áo cũ nhưng còn lành, toàn áo của cháu ông đấy. Chúng lớn, mặc chật, bỏ đi thì tiếc, ông gom lại để tặng cho những bệnh nhân như thế này". Ông quay sang phân bua với chúng tôi.
Ngoài sân lại một, rồi hai bệnh nhân nữa bước vào. Không cần hỏi tên, ông như thuộc hết, thân quen hết với những bệnh nhân nghèo của mình. Cũng có khi tại ông chỉ quan tâm đến chữa bệnh cho họ mà không cần biết họ tên là gì, đến từ đâu, hoàn cảnh ra sao. Nhưng hầu hết bệnh nhân đến với ông đều trong hoàn cảnh nghèo khó. Người thì quần ống thấp ống cao vừa tất tả trên nương, rẫy về. Người lại bận cái áo sờn vai, loang lổ nhựa cây rừng và bùn đất. Cũng có khi là những bệnh nhân đi xe máy xịn, hay ôtô. Nhưng người nào ông cũng ân cần hỏi han, chăm sóc như nhau.
Được chừng nửa tiếng, chị phụ nữ đầu tiên cõng con đến giờ đứa trẻ đã cắt được cơn sốt, bèn hớn hở đòi về. Thấy chúng tôi hỏi chuyện trả tiền thuốc cho ông, chị cười xòa: "Tôi đang làm trên nương thì nghe đứa lớn cõng em lên bảo em sốt. Thế là tôi vứt cuốc cõng nó chạy đến đây. Nhà cách đây cũng cả tiếng đi bộ, đi làm nương làm gì mang theo tiền. Mà nhà tôi từ trẻ đến già bị ốm, mời cụ đến tận nhà chữa khỏi, bảo trả tiền thuốc nhưng cụ có lấy đâu. Già bản của chúng tôi là thế đấy, mấy chục năm nay già không lấy tiền của người bệnh nghèo bao giờ. Biết ơn Già thì ngày Tết, ngày lễ vào chuồng gà bắt biếu Già một con. Chúng tôi người vùng núi nên làm thế quen rồi". Chị cười, nụ cười hạnh phúc của người mẹ vừa có đứa con thoát cơn hiểm nghèo trong gang tấc. Ông đang khám bệnh, nghe lọt câu chuyện đã vội xoa tay: "Mấy anh chị này trêu đùa cô thôi. Cứ về đi, nhớ cho uống thuốc đúng như lời tôi dặn, mùa lạnh rồi cho con mặc ấm, ngồi cạnh bếp lửa chứ đừng cõng lên nương lên rẫy là ốm nặng hơn đấy". Chị phụ nữ rối rít cảm ơn ông rồi cõng con tất tả ra về, vội vàng như lúc đến. Trong khi ngồi chờ ông khám bệnh, chúng tôi được chàng trai Nguyễn Thanh Tâm, ở thị trấn Tân Quang, cách nhà cụ Chấn hơn chục cây số, cảm động kể: "Em được bác sĩ Chấn cứu sống hai lần rồi. Một lần là hồi 3 tuổi bị sốt rét ác tính. Lần nữa là cách đây chưa đầy 2 năm bị tai nạn thủng ruột. Còn ốm, sốt, ho hắng hàng năm không biết bao nhiêu lần. Lần nào mời là cụ sẵn sàng lên tận nhà khám bệnh, cho thuốc, trả tiền thì cụ bảo phải chữa khỏi bệnh là quan trọng nhất. Thế nên người nghèo thì cụ chữa bệnh không lấy tiền, người giàu thì biếu cụ đồng quà tấm bánh. Từ ngày có cụ Chấn, người miền núi quanh vùng bỏ cả hủ tục ốm cúng ma. Cụ như ông tiên của bản, ai ai cũng biết ơn và quý mến cụ".
Người vỡ hoang
Ngồi chứng kiến ông khám cho bệnh nhân nghèo, cử chỉ, ngôn ngữ ông đều dùng từ địa phương, chúng tôi đoán ông không phải người Mông thì cũng là người Tày, người Dao, người Nùng ở cái bản sơn cước này. Đoán được ý chúng tôi, ông bảo: "Cả trăm khách lạ đến đây thì cả trăm khách đoán tôi là người bản địa. Nhưng tôi quê gốc tận Thanh Hóa, theo học bác sĩ chính quy khóa đầu tiên Trường đại học Y Hà Nội, tốt nghiệp năm 1959. Ngay sau khi ra trường, theo lời Đảng và Bác Hồ kêu gọi bác sĩ lên biên giới phục vụ cho đồng bào, cho cuộc chiến tiễu phỉ vùng Đông Bắc. Thế là tôi ở với dân bản cho đến tận bây giờ". Chúng tôi gọi ông là người vỡ hoang, bởi những câu chuyện kể về bác sĩ Nguyễn Văn Chấn, người bác sĩ đầu tiên của Hà Giang làm chúng tôi không khỏi cảm động. Khi đó, vào những ngày cuối tháng 10/1959, lên với miền núi Hà Giang, bác sĩ Chấn đã không ở lại trung tâm tỉnh lỵ mà ông đã tình nguyện trèo rừng lội suối cả tháng trời để lên cắm chốt vùng núi cao biên giới Đồng Văn, Mèo Vạc. Lúc đó mạng lưới y tế tỉnh Hà Giang là con số không. Toàn tỉnh chỉ có một, hai y tá Đông Dương từ thời Pháp thuộc còn sót lại... Câu chuyện càng ý nghĩa hơn khi chúng tôi được biết ca phẫu thuật đầu tiên của bác sĩ Chấn được tiến hành khi ông vừa về nhận công tác tại huyện Đồng Văn được 2 tuần. Ca bệnh đó là một người Mông bị vết thương làm thủng ruột được cáng đến trong tình trạng ngàn cân treo sợi tóc. Lúc đó trong tay bác sĩ chỉ có hai lọ gây tê tại chỗ, vài gói gluco bột, lọ thuốc viên kháng sinh và cái dao mổ là "báu vật" được bác sĩ mang theo dưới đáy ba lô. Bác sĩ Chấn kể: "Đêm tối. Nhìn bệnh nhân quằn quại đau mà ứa nước mắt. Tôi chạy lên xin ý kiến huyện ủy. Nhưng đó là lần đầu tiên lãnh đạo huyện nghe nói đến phương án cứu người bằng phẫu thuật nên kiên quyết không cho phép. Lãnh đạo huyện lo nếu không thành công thì sẽ mất lòng tin của dân vào Đảng. Nhưng may quá, anh y tá lại là người bản địa nên thuyết phục được người nhà bệnh nhân. Phẫu thuật chỉ bằng phương pháp gây tê tại chỗ, trong ánh đèn dầu, dưới trời lạnh như cắt da, chúng tôi phải đốt lửa bên cạnh cho bệnh nhân đỡ sốc. Vậy mà sau gần 2 tiếng, chúng tôi thở phào và bệnh nhân thoát chết". Bác sĩ Chấn bồi hồi nhớ lại như kể câu chuyện vừa mới xảy ra ngày hôm qua. Ông bảo, ngay ngày hôm sau cứu sống bệnh nhân đó, cứ ban ngày, giữa trưa không ngủ được là ông thấy ngoài cửa lấp ló những bóng người dân bản địa, họ rình mò chỉ chỏ vào ông, họ bàn tán nhau. Anh y tá bản địa ghé vào tai ông bảo: Họ đến xem bác sĩ là ma hay là người mà có thể mổ bụng mà người vẫn có thể sống.
Từ ca phẫu thuật đầu tiên tạo được lòng tin, người dân đến nhờ bác sĩ cứu chữa ngày một đông. Cũng có lúc ông lại lo, sống ở nơi rừng thiêng nước độc, phải trèo rừng lội suối cả tháng trời mới về đến tỉnh. Vì vậy, nếu bản thân ông mà bị đau ruột thừa hay bị thương do bom đạn cũng chết chứ nói gì đến người dân. Mà ông chết rồi thì ai sẽ cứu chữa những bệnh nhân nghèo này đây.
Cây cổ thụ trên đá tai mèo
Khi mạng lưới y tế tỉnh Hà Giang được thành lập, Ty Y tế, rồi Bệnh viện tỉnh, huyện ra đời, bác sĩ Chấn được đề nghị chuyển về làm Viện trưởng, nhưng ông lại nghĩ: Mình quanh năm chỉ có ở với dân, ăn cơm cùng người bệnh, khám bệnh, cứu chữa, phẫu thuật cho đồng bào. Giờ được chuyển lên làm quản lý thì mình không quen. Vả lại làm Viện trưởng thì làm gì có thời gian đi cứu chữa bệnh nhân. Thế là bác sĩ lại xin ở lại tuyến huyện. Khi nào bệnh viện tỉnh có ca bệnh khó thì ông lại lên tiếp ứng. Cả vùng Hà Giang lúc đó chỉ có ông là bác sĩ ngoại khoa, vậy nên mọi việc chuyên môn từ mổ ruột thừa, mổ sản, gãy xương, chắp, lẹo... đều đến tay bác sĩ Chấn. Có những lần đi công tác ở tỉnh, nhưng ở huyện có ca bệnh khó là ông không nề hà đêm tối, đạp xe đi cả gần trăm cây số đường rừng để xuống mổ cấp cứu cho bệnh nhân.
Như cây cổ thụ già sum xuê tỏa bóng trên miền sơn cước, giờ đây hàng ngày Già bản Chấn vẫn cặm cụi trong ngôi nhà nằm ven sườn núi, sống chan hòa với dân bản, làm việc và đem hết lòng nhiệt tình, tâm huyết như suốt hơn 50 năm qua bác sĩ đã từng gắn bó để cống hiến cho nhân dân. Tấm gương về sự hy sinh và y đức sáng ngời của Già bản Chấn không chỉ ăn sâu vào nếp nghĩ, biến một bác sĩ vùng xuôi thành một điểm tựa, một Già bản của người dân tộc vùng cao Hà Giang, mà suốt hơn 50 năm qua tấm gương của ông là nét vẽ tô đẹp cho bức tranh ngành y tế Việt Nam không ngừng lớn mạnh và phát triển. Ông cũng là một tấm gương thể hiện sự hy sinh thầm lặng mà vô cùng cao quý của những chiến sĩ áo trắng trên mặt trận chăm sóc sức khỏe, chống lại bệnh tật và hủ tục lạc hậu ở một vùng núi cao biên cương của Tổ quốc. Giờ đây, khi đã bước qua tuổi bát tuần, thân hình bác sĩ Chấn vẫn săn chắc như một lão nông chi điền. Những thớ cơ và làn da đỏ hồng hào đã minh chứng cho một thời trai trẻ và cả quãng đời làm nghề thầy thuốc ông đã đi ngang dọc khắp cả tỉnh miền núi Hà Giang bằng đôi chân trần và khối óc minh mẫn, trái tim yêu thương người bệnh. Để rồi, khi nghỉ hưu ông vẫn chọn nơi này làm nơi dừng chân và tiếp tục phục vụ đồng bào nghèo, dù cho ở nơi đó người ta vẫn truyền miệng câu nói “sống trong đá, chết vùi trong đá...!”.
Bài và ảnh: KIM HUỆ