Người ở địa phương có dịch COVID-19 về quê đón Tết đều phải cách ly?

05-02-2021 07:49 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Hiện đang có những cách hiểu khác nhau về việc người dân ở những địa phương có ca mắc COVID-19 về quê đón Tết phải cách ly, khai báo y tế... Bộ Y tế đã giao Cục Y tế Dự phòng soạn thảo hướng dẫn chung toàn quốc về việc đối tượng nào ở những địa phương có dịch COVID-19 được di chuyển trong dịp Tết cũng như các biện pháp phòng hộ...

Dịch COVID-19 đã xuất hiện ra 10 tỉnh, thành phố. Nhiều tỉnh, thành phố khác cũng đã yêu cầu người trở về từ các vùng dịch phải cách ly tập trung 14-21 ngày hoặc cách ly tại nhà.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, hướng dẫn cũng như chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Ban Chỉ đạo quốc gia cũng như của Bộ Y tế, đối với những khu vực có ổ dịch được Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định khoanh vùng và phong toả thì phải tuân thủ nghiêm ngặt. Tất cả những đối tượng F1 phải đưa đi cách ly tập trung. Những đối tượng F2 thì phải cách ly theo dõi tại nhà.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên

Những đối tượng còn lại phải được sàng lọc, giám sát y tế và những đối tượng này có được ra khỏi khu phong tỏa, khoanh vùng đó hay không là do thẩm quyền của địa phương đó quyết định.

Và những đối tượng này, nếu được về nơi cư trú thì bắt buộc phải khai báo và tự theo dõi, tự cách ly tại nhà và có sự giám sát chặt chẽ như chúng ta giám sát F2 tại nơi phong tỏa để nếu có vấn đề phát sinh thì phải xử lý ngay.

Thẩm quyền cho các đối tượng ra khỏi cách ly thuộc chính quyền địa phương cấp đó.

Đặc biệt, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên lưu ý 10 tỉnh, thành phố đang có dịch COVID-19, song điều đó không có nghĩa tất cả người dân tại các địa phương này đều thuộc diện cách ly, không được phép di chuyển.

Những địa phương có ổ dịch thì cách ly 21 ngày, những địa phương không có dịch thì cách ly bình thường theo Ban Chỉ đạo.

Còn lại những vùng không thuộc dịch, không bị phong tỏa, các hoạt động sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng để đảm bảo vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng cho biết: Chúng tôi đã nhận được phản ánh của người dân, của các địa phương và cả của các cơ quan báo chí về vấn đề xem xét những người đi từ vùng dịch hoặc đi qua vùng dịch và những người ở địa phương có những ổ dịch… về quê đón Tết. Điều này cho thấy có những cách hiểu, quyết định giữa các địa phương vẫn chưa thống nhất.

“Thực ra là trong thời gian vừa rồi một số địa phương chưa hình dung một cách đầy đủ thế nào là ổ dịch và chưa hiểu hết rằng đã là ổ dịch chúng ta phải phong tỏa và khoanh vùng, chưa hiểu được thế nào là địa phương có ổ dịch”- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói và dẫn chứng một phường có nhiều đường phố, có đường phố thì có ca bệnh dương tính thì chúng ta gọi đây là ổ dịch thì khoanh vùng nghiêm ngặt khu vực đó. Còn những phố không có ca bệnh thì coi là không có dịch.

Chính vì thế Bộ Y tế đang giao Cục Y tế dự phòng khẩn trương tham mưu để ra bản hướng dẫn trên toàn quốc thực hiện thống nhất. Văn bản đang được khẩn trương hoàn thiện để sẽ nhanh chóng ban hành trong thời gian sớm nhất.

“Trong quá trinh chưa có hướng dẫn trên toàn quốc, địa phương nào có phản ánh chúng tôi có hướng dẫn trực tiếp”- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.

Riêng với Hà Nội, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên thông tin, Hà Nội đang giao cho cơ quan chuyên môn rà soát rất kỹ để trình lãnh đạo thành phố Hà Nội quyết định xem khu vực nào là có dịch và khu vực nào không có dịch.

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, những người được phép đi lại trong kỳ nghỉ Tết cần tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là thông điệp 5K (Khẩu trang- Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tụ tập-Khai báo y tế).


PGS.TS Trần Đắc Phu nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cấp cao Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cho hay, hiện nay căn cứ vào tình hình dịch nên chưa cấm việc người dân Hà Nội không nằm trong vùng dịch đi các nơi, điều đó đồng nghĩa không phải cứ người ở Hà Nội đi về các địa phương là phải thực hiện biện pháp cách ly tế (cách ly tập trung, cách ly tại nhà) trong 21 ngày.

Tuy nhiên, chuyên gia Trần Đắc Phu lưu ý không chỉ người dân ở Hà Nội mà tất cả người dân nói chung đều phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Cụ thể, không đi lại những chỗ không cần thiết, có thể di chuyển bằng phương tiện xe riêng hoặc thuê xe là tốt nhất.

Nếu đi bằng các phương tiện công cộng thì phải chấp hành theo quy định của đơn vị vận chuyển (nhà xe, hãng hàng không, bến tàu…) như ngồi giãn cách, đeo khẩu trang, thường xuyên khử khuẩn…

“Người dân khi về quê ăn Tết cũng cần tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch như không đến chỗ không cần thiết, tránh tiếp xúc đông người, đeo khẩu trang, khử khuẩn… Lý do vì nguy cơ dịch vẫn rất lớn, chứ không chỉ nguy cơ ở các ổ dịch đã được kiểm soát”- PGS. TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Tương tự, người từ Hà Nội khi về Quảng Ninh, Hải Dương (không vào các vùng dịch) sau khi ăn Tết xong vẫn quay về Hà Nội mà không phải cách ly tế. Tuy nhiên, cần lưu ý thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch như theo dõi sức khỏe, khai báo y tế.


Thái Bình
Ý kiến của bạn