Bộ GD&ĐT vừa ban hành Chương trình đào tạo và cấp chứng chỉ đào tạo cho người nước ngoài dạy tiếng Anh tại trung tâm ngoại ngữ, tin học tại Việt Nam.
Theo Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) Vũ Minh Đức, chương trình được ban hành nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ tại Việt Nam, trong đó bao gồm cả chất lượng dạy và học tiếng Anh tại trung tâm ngoại ngữ, tin học.
Chương trình đào tạo dành cho cho người nước ngoài dạy tiếng Anh tại trung tâm ngoại ngữ, tin học tại ở Việt Nam, bao gồm người bản ngữ (ngôn ngữ tiếng Anh) có bằng cao đẳng trở lên; người nước ngoài có bằng cao đẳng tiếng Anh trở lên; người nước ngoài có bằng cao đẳng trở lên và có chứng chỉ năng lực ngoại ngữ từ bậc 5 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương.
Đối tượng của chương trình là những người năng lực về ngôn ngữ tiếng Anh song lại chưa có năng lực sư phạm phù hợp với đối tượng người học tại các trung tâm ngoại ngữ, tin học của Việt Nam. Theo đó, chương trình góp phần nâng cao kỹ năng sư phạm như kỹ năng quản lý và tổ chức lớp hiệu quả, kỹ năng xây dựng kế hoạch bài dạy; kỹ năng kiểm tra, đánh giá; ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác, phát triển học liệu giảng dạy,… cho người nước ngoài giảng dạy tiếng Anh tại trung tâm ngoại ngữ, tin học tại Việt Nam.
Ông Vũ Minh Đức nhấn mạnh, nếu người nước ngoài có bằng cao đẳng sư phạm tiếng Anh trở lên hoặc có năng lực ngoại ngữ theo quy định và có chứng chỉ đào tạo dạy tiếng Anh được công nhận thì không bắt buộc phải tham gia học chương trình này.
Chương trình đào tạo cho người nước ngoài dạy tiếng Anh tại trung tâm ngoại ngữ, tin học tại Việt Nam gồm 10 chuyên đề về kiến thức, phương pháp và kỹ năng giảng dạy tiếng Anh và 1 chuyên đề thực tập, với tổng thời lượng là 160 tiết. Trong đó, nội dung cốt lõi gồm: Kiến thức cơ bản về bối cảnh và văn hóa Việt Nam; hệ thống giáo dục Việt Nam; chương trình giáo dục mầm non, phổ thông của Việt Nam…
Ngoài ra, chương trình còn có các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn đối với cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ đào tạo; giảng viên tham gia giảng dạy; biên soạn, thẩm định tài liệu; quản lý và cấp phát chứng chỉ cho học viên hoàn thành khóa học.
Đơn vị được tham gia đào tạo gồm trường đại học sư phạm có khoa đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh; cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có khoa đào tạo giáo viên tiếng Anh; cơ sở giáo dục được phép đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh.
Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cho biết thêm, các đơn vị thực hiện đào tạo ngoài đáp ứng điều kiện là cơ sở được phép đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh, thì cần có năng lực xây dựng, thẩm định tài liệu và tổ chức đào tạo theo chương trình này. Đồng thời, có cơ sở vật chất thiết bị, hạ tầng kỹ thuật, cơ sở nền tảng trực tuyến; cơ sở thực hành đáp ứng được công tác đào tạo, trong đó đảm bảo có hệ thống thông tin tích hợp để định kỳ thu thập và xử lý dữ liệu về giảng viên, giáo viên và người nước ngoài; có hệ thống ghi nhận và xử lý phản hồi từ các bên có liên quan về các tiến bộ trong đào tạo nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng người nước ngoài; hệ thống phần cứng và phần mềm công nghệ được duy trì thường xuyên và luôn sẵn sàng để giảng viên và người nước ngoài có thể sử dụng hiệu quả và các quy định khác có liên quan của pháp luật Việt Nam.
Theo quy định, người nước ngoài được cấp giấy phép lao động để giảng dạy tiếng Anh ở Việt Nam nếu có bằng sư phạm giảng dạy phù hợp hoặc bằng ngôn ngữ/bằng chuyên ngành khác cùng với chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh phù hợp như TESOL, TEFL, CELTA, DELTA...