Nhiệm vụ nhiều, mong muốn cao, thời gian ngắn, nguồn lực có hạn, sức người hạn chế là vấn đề tôi luôn lo lắng, liệu có hoàn thành mục tiêu Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó, để chúng ta không phải hổ thẹn với các nước trong khu vực khi tầm vóc người Việt Nam đã được cải thiện, người dân khỏe mạnh...”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trải lòng về những tâm tư mà bà trăn trở trong suốt gần 2 nhiệm kỳ qua với mục tiêu để làm sao đưa ngành y tế Việt Nam phát triển tốt hơn.
Chính vì vậy, mà trong suốt 8 năm qua, trong nhiệm kỳ của mình, người nữ Bộ trưởng ấy đã khởi động nhiều quyết sách quan trọng thay đổi ngành theo hướng tích cực.
Bệnh nhân tội nghiệp, cơ sở nhếch nhác
Ngành y tế là ngành được xem là lĩnh vực “nóng”, bởi nó tác động trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của mọi người dân. Vì vậy, nhận được nhiều lời phàn nàn nhất về chất lượng dịch vụ. Thực trạng bệnh viện quá tải, chất lượng khám chữa bệnh chưa tốt, cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, xuống cấp... có thể nhận được nhiều phản ánh của người dân về ngành dịch vụ công này.
Bộ trưởng khảo sát người dân đánh giá về chất lượng khám chữa bệnh trong một lần đi thực tế tại bệnh viện.
Có thể nói, trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến - thành viên nữ Bộ trưởng duy nhất trong Chính phủ - là một trong những người chăm đi thị sát thực tế từ những điểm nóng quá tải bệnh viện tại các thành phố hay những vùng xa xôi hẻo lánh vùng cao.
Còn nhớ, ngày 28/11/2011, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có chuyến thị sát về tình trạng quá tải tại các bệnh viện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Dù đã “chuẩn bị tâm lý” từ trước nhưng bà Bộ trưởng vẫn không khỏi “choáng” khi bệnh nhân lóp ngóp bò từ gầm giường ra chào đón mình.
Nhìn cảnh tượng 2-3 bệnh nhân ung thư nằm ghép trên một chiếc giường bệnh hay bệnh nhân ung bướu bò ra từ gầm giường chào Bộ trưởng khi đi thị sát tại các Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh khiến người đứng đầu ngành y tế trăn trở, day dứt.
Rồi trong chuyến đi kiểm tra đột xuất tại nhiều bệnh viện, chứng kiến cảnh tượng bệnh nhân giữa Thủ đô đi khám bệnh không có quạt, điều hòa trong tiết trời 36 - 370C, dưới mái tôn nắng nóng. Bà Tiến cho hay: “Người bệnh khi đi khám bệnh đã bệnh, thêm nắng nóng không quạt, không điều hòa thì càng mệt hơn. Vì vậy, các bệnh viện phải bố trí thêm quạt, điều hoà ở các khu vực ngồi chờ cho bệnh nhân”.
Tại Hội nghị sơ kết công tác y tế, 9 tháng đầu năm 2012 và xây dựng kế hoạch năm 2013 tổ chức ngày 17/10 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thẳng thắn phê phán: “Hiện nay bộ mặt khoa khám bệnh của một vài bệnh viện Trung ương hay một số bệnh viện tỉnh trông không bằng bệnh viện huyện. Có nhiều khoa khám bệnh tồi tàn, nhếch nhác, để bệnh nhân phải chen chúc. Trong phòng bệnh nhìn thấy 1, 2 người nằm ghép đã khổ rồi. Nhìn ra phòng khám bên ngoài thấy nhếch nhác, ngồi ngoài ghế đá, trên thì mái tôn, chen nhau chỗ vào, nóng bức chật chội chờ đến lượt. Những người già gặp cảnh ngộ trên rất tội nghiệp”.
Trong một cuộc họp khác, Bộ trưởng Bộ Y tế tâm sự: “Bệnh nhân đông, việc lấy số cho các bệnh nhân gặp rất nhiều khó khăn. Có lần tôi đến một bệnh viện chứng kiến mọi người lấy số chờ khám tôi mới bất ngờ là có người được đánh số tới tận vài nghìn. Nếu thế bao giờ mới tới lượt khám? Đấy là bất cập. Chúng ta cần phải khắc phục ngay, không thể để tình trạng này kéo dài như thế được”.
Những chuyến công tác vùng núi cao, không quản ngại khó khăn, đường đi trắc trở, ngày 16/10/2014, Bộ Y tế tổ chức Chương trình khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho hơn 600 người dân tại huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên. Đích thân Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã vượt quãng đường hơn 600km đường núi khó khăn gập ghềnh từ Hà Nội lên Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé để chỉ đạo thực hiện. Bộ trưởng cũng chỉ đạo công tác y tế tại địa phương cần tập trung thêm đơn vị hồi sức sơ sinh, tăng cường hoạt động cô đỡ thôn bản, thường xuyên cử bác sĩ về hỗ trợ tại các trạm y tế ở xa, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường sống, phòng bệnh...
Đó chỉ là một số trong hàng trăm chuyến công tác đi thực tế ghi nhận những điểm đã làm được, những tồn tại trong công tác y tế.
Cảnh bệnh nhân xếp hàng chật chội, chen chúc chờ xếp hàng khám, bệnh nhân quá tải chen chúc nằm ghép hay cảnh diện mạo nhếch nhác của khoa khám bệnh vẫn tồn tại, đặc biệt những bệnh nhân vùng núi xa xôi hẻo lánh khó khăn bộn bề về công tác y tế, đó là những vấn đề nóng bỏng của ngành y tế cứ trăn trở trong tâm trí người đứng đầu Bộ Y tế.
Đổi mới toàn diện bộ mặt của bệnh viện
Chính những lần đi thực tế đó, với những gì chứng kiến và còn tồn tại ở các cơ sở y tế khiến bà trăn trở phải có những hành động quyết liệt để tháo gỡ những nút thắt này. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện phải đổi mới toàn diện bộ mặt bệnh viện, đầu tiên là khoa khám bệnh, là thái độ phục vụ của đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế để nâng cao chất lượng khám bệnh.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, ở các khoa khám bệnh thì yêu cầu tất cả các bệnh viện phải có bảng niêm yết giá các dịch vụ y tế, công khai giá dịch vụ và thay đổi chất lượng để giảm tình trạng nằm ghép giường bệnh. Thời gian tới, Bộ quyết tâm đổi mới tình trạng nhếch nhác ở các bệnh viện, nhất là tại các khoa khám bệnh để người dân giảm bớt sự chờ đợi và chen chúc.
Bộ trưởng thẳng thắn: “Nhà vệ sinh bẩn tức là giám đốc (bệnh viện) bẩn, trưởng khoa bẩn!”. Vì vậy, các giám đốc bệnh viện cần nhanh chóng có một sự thay đổi, để người dân không còn “hãi hùng” khi vào nhà vệ sinh bệnh viện.
Cũng trong chuyến công tác tại Mường Nhé, Bộ trưởng Bộ Y tế bàn giao bác sĩ trẻ Nguyễn Văn Hiếu - bác sĩ trẻ nằm trong dự án Thí điểm đưa bác sĩ trẻ về 62 huyện nghèo cho Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé nhằm tăng cường chất lượng nguồn nhân lực cho tuyến y tế cơ sở tại đây.
“Áy náy vì tạo áp lực cho anh em nhiều quá”
Trong 8 năm giữ vai trò Bộ trưởng, bà Nguyễn Thị Kim Tiến cùng với cả ngành dồn nhiều tâm huyết, nhiều chính sách đổi mới toàn diện.
Những năm qua, ngành y tế đã có sự thay đổi rõ rệt. Bộ mặt các bệnh viện được thay đổi với những biển báo chỉ dẫn khoa phòng, có đường dây nóng phản ánh thông tin, thái độ phục vụ của nhân viên y tế thay đổi, tỷ lệ bệnh nhân nằm ghép giảm.
Nhìn lại toàn bộ gần 2 nhiệm kỳ giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế - một ngành luôn được coi là nóng khi liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân, bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã từng phải đón nhận không ít “búa rìu” từ dư luận.
Là một người có tâm và có nghề, có bản lĩnh, bà Tiến đã vượt qua những thách thức ở cương vị tư lệnh ngành y và tạo dựng được nhiều dấu ấn và kết quả trong công tác nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cũng như truyền thông về y tế.
Có thể thấy, các lĩnh vực hoạt động của ngành y tế đều có sự đổi mới căn bản, nhất là về tổ chức hệ thống, tài chính y tế, khoa học công nghệ và thông tin y tế cũng như các lĩnh vực hoạt động chuyên môn, hướng tới mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển. Chính vì vậy, Việt Nam được Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá là điểm sáng về thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ trong lĩnh vực y tế. Chia sẻ về điều hài lòng nhất trong thời gian là tư lệnh ngành y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, sau gần 2 nhiệm kỳ giữ chức vụ Bộ trưởng, điều bà cảm thấy “được” nhất đó là việc thay đổi thái độ phục vụ của cán bộ y tế đối với bệnh nhân. Ngày 4/6/2015, Bộ trưởng Bộ Y tế ký Quyết định số 2151/QĐ-BYT về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” nhằm thay đổi nhận thức, thái độ, phong cách phục vụ người bệnh của cán bộ y tế, củng cố niềm tin và sự hài lòng của người bệnh. Sau một thời gian triển khai, nhân viên y tế được học kỹ năng giao tiếp, ứng xử các tình huống khi tiếp xúc với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân... đồng thời quán triệt tư tưởng, thay đổi từ thái độ “ban ơn” sang thái độ “khách hàng là thượng đế”, chào đón bệnh nhân bằng nụ cười, đến chào hỏi, về cảm ơn.
Cũng trong thời gian bà Nguyễn Thị Kim Tiến đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ Y tế đã trình Thủ tướng ký Đề án giảm tải bệnh viện vào năm 2013. Trong 5 năm qua, cả nước đã có 23 bệnh viện hạt nhân và 138 bệnh viện vệ tinh (tuyến tỉnh, huyện). Đã có 2.000 kỹ thuật được chuyển giao cho bệnh viện vệ tinh tuyến dưới với 10 chuyên khoa (ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản, nhi, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc). Nhờ chuyển giao kỹ thuật thành công, 85% bệnh viện vệ tinh có xu hướng chuyển tuyến giảm. Nhiều chuyên khoa chỉ còn 1-2% chuyển tuyến.
Bên cạnh đó, ngành y tế đã và đang triển khai hàng loạt hoạt động để đổi mới đào tạo và quản trị nhân lực bệnh viện, xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp, bộ mặt bệnh viện rõ ràng là có những thay đổi đáng kể. Kết quả đánh giá cho thấy, ngành y tế đã nhận được sự hài lòng của người dân và chất lượng dịch vụ, bảo hiểm y tế đã lo cho cả người nghèo, người khó khăn thể hiện chính sách mua 100% mệnh giá bảo hiểm y tế cho người nghèo và 70% cho người cận nghèo.
Khi được hỏi vì sao Bộ trưởng quyết tâm thực hiện những thay đổi trong công tác khám chữa bệnh? Bộ trưởng Tiến cho hay: “Bất kỳ một công việc nào khi bắt đầu thay đổi cũng gặp nhiều chướng ngại, vất vả. Tuy nhiên, khi mình muốn có động lực làm việc thì phải đặt mình vào vị trí của người đó, mình mới thấy thấu khổ của người bệnh và từ đó làm sao để người bệnh bớt khổ. Tôi cũng xác định, nếu mình quyết tâm thì mình phải cố gắng”.
“Tôi nghĩ điều để lại nhất mình phải làm được cái gì, ít ra phải có sản phẩm gì để cho người dân và cho xã hội. Hơn hết là trước một sự thay đổi cần phải có thời gian, luôn đặt niềm tin và nỗ lực hết sức, nhưng mà cũng phải có một chiến lược bài bản. Và tôi cũng áp dụng khoa học quản lý để có hệ thống cấu trúc từng bước, cái nào giải quyết trước cái nào giải quyết sau, học tập kinh nghiệm của nước ngoài để rút ngắn con đường.
Trong khuôn khổ nhiệm vụ của mình, mình phải nỗ lực hết sức, phải có những sản phẩm dù bé nhỏ nhưng có ích, mình không buông trôi”, Bộ trưởng Tiến chia sẻ.
Nữ Bộ trưởng cũng trải lòng: “Để có được kết quả như ngày hôm nay, khi mới thay đổi, anh em toàn ngành, từ chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội nên các bệnh viện, sở y tế, trạm y tế áp lực công việc rất kinh khủng, nhiều lúc áy náy vì tạo áp lực cho anh em nhiều quá, bởi phải thay đổi nhiều quá. Nhưng đến lúc có kết quả thì giám đốc sở hay giám đốc các bệnh viện tỉnh, huyện rất phấn khởi. Ai cũng thấy mình thay đổi tốt hơn. Khi đi thực tế, họ cứ dẫn mình đi đến các bệnh viện cơ sở khoe đã làm được những gì, trên chỉ đạo thế nào dưới làm đúng như thế. Từ cái lớn đến nhà vệ sinh, đi thăm bệnh nhân ai cũng ôm lấy và bảo giờ đỡ lắm rồi Bộ trưởng ạ”.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến luôn dành tình cảm đặc biệt, đi thăm các bệnh nhi trong các chuyến công tác.
“Niềm vui sắp tới của chúng tôi là trạm y tế”
Tạm gác lại những thành tựu đã đạt được, bà vẫn day dứt, vẫn trăn trở nhất khi rời vai trò tư lệnh ngành đó là làm sao đẩy mạnh y tế cơ sở. Do vậy, ngành y tế đang tập trung làm tốt hơn y tế cơ sở và chăm sóc cho người dân: “Chính phủ quan điểm không để lại ai phía sau, người nghèo cũng được chữa bệnh”.
Theo Bộ trưởng, số người bị bệnh chỉ chiếm 5-10% dân số, còn lại chúng ta cần chăm sóc, dự phòng, phát hiện bệnh sớm và lối sống phòng bệnh, nhất là các bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư, cái đó phải gắn với y tế cơ sở, tiến tới y tế toàn dân - là mơ ước của Liên hợp quốc và y tế thế giới.
Tâm sự về những đóng góp của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Trong thời gian làm giám đốc bệnh viện, tôi nhận thấy những chỉ đạo của Bộ trưởng rất quyết liệt, nhân văn và rất hiệu quả, gần như thay đổi bộ mặt của ngành y tế trong thời gian vừa qua”.
Đại biểu Quốc hội Bùi Thu Hằng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cho hay, về chủ trương xã hội hóa y tế, trong đó có cơ chế tự chủ bệnh viện công đã được triển khai những năm qua tại các bệnh viện công lập đã đạt được nhiều kết quả. Số lượng các bệnh viện tự chủ tăng dần qua các năm, kinh phí ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên giảm dần, giúp giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, tăng hiệu quả chi ngân sách nhà nước cho y tế thông qua hỗ trợ người dân mua thẻ bảo hiểm y tế và đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở.
“Ngành y tế thực hiện cơ chế tự chủ giúp các bệnh viện chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, sắp xếp, tổ chức bộ máy sử dụng nguồn nhân lực và tài chính một cách có hiệu quả, huy động được nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, đảm bảo điều kiện nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Cơ chế tự chủ khuyến khích bệnh viện sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm các nguồn kinh phí để tăng thu nhập cho cán bộ, trích lập các quỹ và tăng sự hài lòng của người bệnh và dành thêm được nhiều kinh phí đầu tư cho y tế dự phòng và phát triển y tế cơ sở”, bà Hằng chỉ rõ.
8 năm trên cương vị Bộ trưởng, bà Tiến với những quyết sách đã làm thay đổi diện mạo của toàn ngành y tế, người nữ Bộ trưởng ấy đã để lại nhiều dấu ấn đáng ghi nhận.
Tôi luôn nhớ hình ảnh một nữ Bộ trưởng trong những chuyến công tác của mình, khi đến các cơ sở y tế, tới các bệnh viện, nơi đầu tiên bà tới các buồng bệnh là khoa nhi, thăm những em bé đang điều trị ở đó. Bà đặc biệt quan tâm tới những bệnh nhi. Bởi đó là những mầm chồi, là lớp măng non của đất nước cần mạnh khỏe.
Tết Nguyên đán là thời gian đoàn tụ của gia đình, nhưng người tư lệnh của ngành y tế ấy bao năm nay vẫn gác lại chuyện gia đình. Đêm giao thừa, Bộ trưởng Tiến vào bệnh viện để đồng hành cùng những đồng nghiệp của mình, động viên họ. Bởi đó là những nơi các bác sĩ vất vả nhất, quay cuồng nhất trong mỗi dịp lễ tết như Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và điểm cuối cùng là những em bé chào đời trong đêm giao thừa tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, để động viên, để tiếp sức thêm cho những người đồng nghiệp của mình trên hành trình phục vụ người bệnh tốt hơn.
Có lẽ, với những nỗ lực và cống hiến không miệt mài thay đổi trong ngành y tế chục năm qua của Bộ trưởng Tiến đã được ghi nhận. Trong năm 2019, Tạp chí Forbes Việt Nam chính thức công bố Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến là 1 trong 50 phụ nữ có ảnh hưởng lớn nhất Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Y tế lọt top 9 nữ chính trị gia có ảnh hưởng lớn nhất Việt Nam 2019.
Nhưng nữ Bộ trưởng ấy luôn khiêm nhường, bà kể: “Tôi có mong ước trăn trở là chăm sóc cho người khỏe sống khỏe, chất lượng tốt, thể lực tốt, trí tuệ tăng sinh, tâm hồn trong sáng... thông qua các chương trình sức khỏe Việt Nam. Tôi muốn đưa yoga thiền định, tâm lý trị liệu, đặc biệt phát hiện bệnh sớm bằng sàng lọc, tăng cường sức khoẻ bằng nâng cao sức khỏe. Kết quả cả ngành hài lòng và toàn dân hài lòng hơn, đó là kết quả lớn nhất”.
Và những nỗ lực đó đã được đền đáp một cách xứng đáng, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến gần chục năm qua trên cương vị người đứng đầu ngành y tế đã nỗ lực không ngừng đổi mới, bà âm thầm biến những ác cảm của bệnh nhân trong công tác khám chữa bệnh thành thiện cảm. Bằng tấm lòng chân thành, cởi mở của một nhà khoa học, bà đã tạo một dấu ấn rất riêng trong nhiệm kỳ làm tư lệnh ngành y tế.
- Quê quán: Xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh
- Học hàm, học vị: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Y khoa
- Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng Khóa X, Ủy viên Trung ương Đảng Khóa XI
- Đại biểu Quốc hội Khóa XII, XIII
01/2002 - 01/2007: Phó giáo sư (năm 2002); Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Ủy viên Ban chấp hành Đảng ủy Viện, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Khối cơ sở Bộ Y tế. Trưởng ban điều hành Chương trình mục tiêu Quốc gia khu vực phía Nam về Phòng chống sốt xuất huyết; Tiêm chủng mở rộng, phòng chống HIV/AIDS; Phòng chống dịch đường hô hấp cấp do virus. Trưởng ban Tư vấn kỹ thuật phòng chống dịch phía Nam. Chủ nhiệm Bộ môn Vi sinh cộng đồng Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh.
4/2006 - 02/2011: Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X.
02/2007 - 8/2011: Thứ trưởng Bộ Y tế, Đại biểu Quốc hội khóa XII.
Từ 5/2010 - 11/2019: Bí thư Đảng ủy Cơ quan Bộ Y tế.
01/2011 - 01/2016: Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI.
5/2011 - 5/2016: Đại biểu Quốc hội khóa XIII.
Từ 8/2011 - 10/2019: Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế.
Đầu tháng 7/2019, bà Nguyễn Thị Kim Tiến nhận Quyết định của Bộ Chính trị bổ nhiệm làm Trưởng Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương.
Ngày 22/11/2019: Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiến.