Đồng bào dân tộc Thái ở xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên luôn nhắc đến cái tên Lò Văn Ơn như một vật báu với niềm tự hào và sự trân trọng. Bởi ông là người tạo nên những âm thanh đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Chưa từng học qua trường lớp nào về âm nhạc nhưng ông nắm giữ bí quyết chế tác toàn bộ nhạc cụ của dân tộc Thái. 54 tuổi đời, ông đã có trên 30 năm kinh nghiệm làm nhạc cụ. Lý giải cho sự gắn bó này, ông bảo tất cả chỉ vì một tình yêu với âm nhạc truyền thống của dân tộc mình.
Trong một lần được nghe nghệ nhân Hoàng Thím đàn cây đàn tính, Ơn mê đắm chìm trong giai điệu ngọt ngào. Bao tiềm thức về những ngày được nghe ông và cha đàn hát sống lại. Sau buổi ấy, Ơn nảy ra ý định sẽ theo học chế tác nhạc cụ. Mặc cho vợ can ngăn, Ơn vẫn quyết tâm khăn gói đến xin học từ nghệ nhân Hoàng Thím. Gật đầu đồng ý nhận Ơn làm học trò nhưng nghệ nhân Hoàng Thím vẫn chưa mấy yên tâm về quyết định có phần “bốc đồng” này. Thế mà càng dạy, thầy càng thấy trò say mê thực sự và tỏ rõ quyết tâm sẽ theo tới cùng.
Nghệ nhân Lò Văn Ơn bên các nhạc cụ do ông chế tác. |
Bài học đầu tiên với Ơn là về cây đàn tính. Để có thể chế tác ra cây đàn, trước hết người làm đàn phải biết chơi đàn. Mất tới vài tháng trời để Ơn học thành thục cách chơi đàn, nắm rõ được quy luật của âm thanh cũng như đặc tính của cây đàn. Lúc bấy giờ, thầy Hoàng Thím mới bắt đầu dạy Ơn cách chế tạo đàn. Để làm đàn tính, vật liệu quan trọng nhất là quả bầu. Đó phải là quả bầu đủ tuổi, không được non cũng không già quá. Chọn được bầu phải mang về nạo ruột ngâm khoảng 1 tuần rồi cho lên gác bếp hong khô. Gỗ để làm cần đàn phải đảm bảo không cong vênh, không xốp, thường hay dùng gỗ sữa (còn gọi là gỗ trắc hay trắc Nam Bộ, có màu đỏ tương, nứt rạn, ít biến dạng và không bị mối mọt, khó mục) hoặc gỗ dổi lụa. Cả bầu và gỗ làm cần đàn đều phải xử lý chống mối mọt bằng cách ngâm vào nước luộc lá xoan. Sản phẩm đầu tay, Ơn đã thất bại. Đàn làm xong không phát ra được âm thanh đặc trưng. Lần thứ 2 làm lại, vẫn chưa được, Ơn phải thử thêm nhiều lần nữa. Không nhớ đã có bao nhiêu cây đàn hỏng bị vứt vào bếp lửa nhưng Ơn không nản lòng, ông quyết làm cho kì được. Chính những cây đàn hỏng ấy lại là kinh nghiệm để Ơn làm lần sau tốt hơn. Chỉ riêng cây đàn tính mà cũng mất tới vài tháng, Ơn mới có được sản phẩm khiến nghệ nhân Hoàng Thím hài lòng. Vui không kể xiết, Ơn càng chú tâm hơn nữa vào việc chế tạo nhạc cụ. Lắm lúc thấy chồng mải mê bên đống vỏ bầu quên ăn quên ngủ, vợ Ơn không khỏi phiền lòng, nhưng rồi thấy chồng vui tươi, tinh thần thoải mái, chị cũng yên tâm phần nào.
Thạo cách làm đàn tính rồi, ông lại tìm hiểu và học cách chế tạo thêm các nhạc cụ khác của đồng bào Thái. “Bộ nhạc cụ của dân tộc Thái có tới hơn 20 chiếc, gồm cả bộ gõ, bộ hơi và bộ gảy. Nhiều nhưng tôi quyết tâm phải học tới cùng” - ông Ơn tâm sự. Biết được mong muốn của học trò, nghệ nhân Hoàng Thím đã giúp đỡ rất nhiều trong việc tìm tài liệu cũng như các vật liệu để chế tạo đàn. Ngoài ra, ông cũng tìm gặp các nghệ nhân chế tạo đàn khác trong vùng để học hỏi thêm kinh nghiệm. Nhưng vì đây là bí kíp nên để thuyết phục họ dạy lại mình không hề đơn giản. Thuyết phục được rồi nhưng không phải ai cũng truyền hết bí kíp. “Phần lớn họ chỉ có thể bảo mình khoảng 70-80% kĩ thuật, còn 30% còn lại đều do kinh nghiệm đúc rút từ chính thực tế làm đàn”, ông cho biết. Sau mỗi một cây đàn làm hỏng, ông lại ghi chép cẩn thận, chắp nối lại để tìm ra chỗ sai mà sửa. Kiên trì, tỉ mẩn với một khiếu thẩm âm trời phú, nhưng hơn hết vẫn là lòng đam mê, không ngại khó, đến nay, sau 30 năm làm nghề, ông Ơn đã có thể tự hào là người duy nhất trong vùng nắm giữ đầy đủ bí kíp chế tạo tất cả các nhạc cụ của dân tộc Thái.
Hiện tại, với nghề làm đàn, dù chỉ là phụ nhưng cũng giúp ích nhiều cho đời sống sinh hoạt hằng ngày của gia đình ông. Một cây đàn tính làm trong khoảng 3 ngày, ông bán được với giá 400-500 ngàn đồng. Cũng có nhiều đơn đặt hàng làm nhạc cụ từ các đoàn nghệ thuật trong tỉnh và cả tỉnh khác nhưng theo ông Ơn, làm đàn phải có độ tinh nên dù có thể làm nhanh nhưng cũng không thể làm quá nhiều, sẽ bị lẫn đi, chất lượng đàn cũng kém dần. Có lẽ bởi vậy mà ông không chạy theo các đơn đặt hàng lớn. Ông chỉ muốn được dành tâm sức chăm chút cho cây đàn phục vụ những người thực sự có tâm, muốn chơi đàn và yêu đàn thực sự.
Trước kia, ông Ơn có thể ngồi cả ngày chỉ để nghe ông cha đàn hát thì nay, hai cậu con trai của ông cũng đang tiếp nối lòng đam mê đó. Nhờ lòng đam mê và sự chỉ dạy tận tình của ông mà đến nay, cả hai cậu con trai đều đã thông thuộc cách làm một số nhạc cụ. Tuy vậy, để đạt được đến trình độ như ông thì vẫn là con đường dài phía trước, đòi hỏi sự say mê đến cùng.
Không chỉ dạy cho các con mình, ông Ơn còn đem bí quyết chế tạo nhạc cụ mình đúc rút được bao năm qua truyền dạy lại cho bất kì ai muốn đến học. Ông bảo mình không muốn giấu nghề mà muốn phổ biến ra càng nhiều người càng tốt. Như thế, bộ nhạc cụ của dân tộc Thái sẽ càng có cơ hội được bảo tồn, gìn giữ. Tâm nguyện của ông là có thể mở được một xưởng sản xuất và dạy nghề nhưng điều kiện chưa cho phép nên vẫn chỉ ấp ủ chờ thời cơ. Trong thời gian này, ông đang lên kế hoạch viết một tài liệu tập hợp tất cả những bí kíp chế tạo nhạc cụ bởi đây là cách tốt nhất để có thể truyền lại cho thêm nhiều người.
Bài, ảnh: Minh Ngọc