Người nông dân ở Tuyên Quang cải thiện đời sống nhờ bảo tồn, phát triển cây dược liệu quý

13-10-2022 08:37 | Y học cổ truyền

SKĐS - Những năm qua, tận dụng diện tích dưới tán rừng để trồng cây Khôi Nhung, rất nhiều hộ dân ở Hùng Mỹ (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) đã dần cải thiện chất lượng cuộc sống.

Cải thiện đời sống nhờ cây dược liệu

Những ngày này, đến huyện Chiêm Hóa và hỏi về vùng trồng cây dược liệu Khôi Nhung, ai nấy đều nhắc đến xã Hùng Mỹ - một trong những xã ở huyện Chiêm Hóa tiên phong canh tác và mở rộng vùng trồng cây dược liệu.

Gia đình anh Ma Văn Trưởng (ở thôn Thắm, xã Hùng Mỹ) tham gia dự án trồng cây dược liệu Khôi Nhung và hơn 3 năm qua, cuộc sống gia đình anh Trưởng cải thiện hơn rất nhiều, cũng nhờ những vụ bội thu từ gần 2.000 cây Khôi Nhung.

photo-1665564652219

Mô hình trồng cây Khôi Nhung dưới tán rừng tự nhiên của gia đình anh Ma Văn Trưởng (thôn Thắm, xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang).

Anh Trưởng cho biết, từ năm 2018, ngay khi UBND xã Hùng Mỹ triển khai dự án trồng cây dược liệu Khôi Nhung, anh đã tiên phong tham gia. Nhờ được tập huấn, đào tạo về kỹ thuật canh tác cộng thêm chăm sóc tỉ mẩn, cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ những mà cây Khôi Nhung trong vườn nhà anh Trưởng phát triển rất nhanh và cho nhiều lá.

photo-1665564654521

Mô hình trồng cây Khôi Nhung tại gia đình bà Ma Thị Nhu (ở thôn Thắm, xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang).

Với mức giá từ 200.000 – 300.000 đồng/kg lá Khôi Nhung khô từ đơn vị liên kết thu mua ổn định, cuộc sống gia đình anh Trưởng đã cải thiện rất nhiều.

Cũng là gia đình tiên phong tham gia trồng cây dược liệu, bà Ma Thị Nhu (ở thôn Thắm, xã Hùng Mỹ) tận dụng tán rừng sản xuất khoảng 1.000m2 trồng 1.000 cây Khôi Nhung. Kết quả thu được đã giúp kinh tế gia đình bà Nhu ở mức khá.

Từ thí điểm đến mở rộng vùng trồng dược liệu

Đại diện lãnh đạo UBND huyện Chiêm Hóa cho biết, cây Khôi Nhung là giống cây dược liệu quý được Dự án khoa học và công nghệ huyện Chiêm Hóa xây dựng kế hoạch và đưa vào trồng thí điểm tại xã Hùng Mỹ từ tháng 8/2018. Đây là dự án liên kết với Trung tâm Đào tạo nghề Nông nghiệp và tư vấn phát triển nông thôn (Hà Nội) trong việc cung ứng cây giống, kỹ thuật trồng chăm sóc, thu hoạch và bao tiêu sản phẩm theo chuỗi khép kín.

Với mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương, hướng tới sản xuất hàng hóa, huyện Chiêm Hóa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển hướng sản xuất, vừa chủ động liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong việc cung cấp, bao tiêu sản phẩm... từ đó mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho bà con nông dân trên địa bàn.

photo-1665564656265

Theo ông Ma Đình Sắc – Chủ tịch UBND xã Hùng Mỹ, hiện xã đang trong quá trình kiểm tra, mở rộng diện tích trồng nhằm nâng cao giá trị trên diện tích đất, đồng thời thành lập tổ hợp tác liên kết nhằm giúp bà con yên tâm sản xuất.

Ngay khi triển khai, có 3 hộ gia đình tại thôn Thắm, xã Hùng Mỹ tham gia mô hình trồng gần 4.000 cây giống trên tổng diện tích 3.300 m2. Số diện tích trồng đều thuộc đất vườn tạp, đất đồi dưới tán rừng mỡ và vườn rừng tự nhiên. Đến nay, mô hình đã cho kết quả khả quan, các hộ gia đình đã thu hoạch giống cây dược liệu.

Ông Ma Đình Sắc – Chủ tịch UBND xã Hùng Mỹ cho biết, qua quá trình theo dõi, tuy trồng trên điều kiện thổ nhưỡng khác nhau nhưng cây vẫn sinh trưởng và phát triển tốt, cây cao trung bình từ 0,8 - 1,3m. Các hộ tham gia mô hình cũng đã thực hiện thu hoạch 2-4 lứa/năm. Mỗi lứa, các hộ thu được từ 30 – 40kg. Nếu nhân với đơn giá 27.000 đồng/kg lá tươi, doanh thu có thể đạt trên dưới 10 triệu đồng/tổng diện tích.

Theo ông Sắc, đây là mô hình trồng cây dược liệu mới, bước đầu đem lại giá trị kinh tế cao cho một số hộ dân trong xã. Tuy nhiên, quy mô trồng loại cây dược liệu này còn nhỏ lẻ, phương pháp trồng, chăm sóc và thu hoạch vẫn theo cách thủ công nên đã hạn chế sự phát triển của cây, làm giảm năng suất thu hoạch lá. Hiện nay, xã đang trong quá trình kiểm tra, mở rộng diện tích trồng nhằm nâng cao giá trị trên diện tích đất, đồng thời thành lập tổ hợp tác liên kết nhằm giúp bà con yên tâm sản xuất.

Ông Sắc tin tưởng rằng, với việc tận dụng diện tích đất dưới tán rừng để trồng cây Khôi Nhung sẽ là một thế mạnh để người dân ở xã Hùng Mỹ nói riêng, huyện Chiêm Hóa Hóa nói chung tổ chức triển khai thực hiện góp phần bảo tồn cây dược liệu quý hiếm của Việt Nam, đồng thời, tạo nguồn thu nhập cho nhân dân, từng bước nâng cao chất lượng đời sống của người dân khu vực.

Xây dựng chương trình hỗ trợ sản xuất cây dược liệu theo chuỗi liên kết

Theo lãnh đạo UBND xã Hùng Mỹ, vừa qua, khoa Sinh học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên Đại học học Quốc gia Hà Nội phối hợp với trường Đại học Liege (Bỉ) tiến hành khảo sát thực tế, tìm hiểu về việc triển khai trồng, sử dụng các loại cây thuốc, cây dược liệu tại địa bàn xã Hùng Mỹ.

photo-1665564657772

Đại diện trường Đại học Khoa học Tự nhiên Đại học học Quốc gia Hà Nội phối hợp với trường Đại học Liege (Bỉ) tiến hành khảo sát thực tế, tìm hiểu về việc triển khai trồng, sử dụng các loại cây thuốc, cây dược liệu tại địa bàn xã Hùng Mỹ.

Anh Phạm Thế Hải, khoa Sinh học cho biết, đoàn sẽ nghiên cứu tiềm năng về dược chất của các cây dược liệu miền núi phía Bắc có sự tham gia của các đối tác nước ngoài, được áp dụng những kỹ thuật tiên tiến... Qua đó sẽ nắm được tình hình thực tế phát triển của cây thuốc, trong đó có cây dược liệu Khôi Nhung trên địa bàn xã Hùng Mỹ.

Trên cơ sở đó, đoàn sẽ lựa chọn những cây thuốc chủ lực, quan trọng với bà con ở địa phương từ đó có đề xuất, xây dựng chương trình hỗ trợ sản xuất theo chuỗi liên kết cho vùng sản xuất.

Thực tế hiện nay, trên địa bàn huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang), nhiều địa phương có các loại cây thảo dược bản địa quý, có giá trị kinh tế cao như Khôi Nhung, Sâm Cau, Ba Kích, Giảo Cổ Lam... Song việc canh tác và khai thác mới chỉ dừng ở quy mô nhỏ lẻ, chưa mang lại giá trị kinh tế cao và bền vững cho người nông dân.

Dự án trồng cây Khôi Nhung tại xã Hùng Mỹ bước đầu sẽ mở ra một hướng sản xuất mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn, không chỉ tạo ra việc làm có thu nhập cao cho người dân, thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn, mà còn góp phần vào công công bảo tồn, phát triển cây dược liệu quý, từ đó, trở thành vùng sản xuất cây dược liệu quý hiếm.

Bà Trần Thị Mai Hương, Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Tuyên Quang cho biết, cây Khôi Nhung hay còn gọi là lá Khôi tía, lá Khôi, cây Đơn Tướng Quân, cây Độc Lực hoặc cây Xăng Sê. Đây là cây dược liệu quý, có vị chua, tính hàn, mọc hoang ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Trong dân gian, cây Khôi Nhung có tác dụng trong hỗ trợ điều trị một số bệnh...

Mời bạn xem video đang được quan tâm:

Đậu mùa khỉ có phải là bệnh lây qua đường tình dục?

Bảo Minh
Ý kiến của bạn