Người nhờ mang thai, người mang thai hộ đều được hưởng chế độ thai sản

10-05-2015 17:41 | Thời sự

SKĐS - Theo dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) cả người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ đều được hưởng chế độ thai sản

“Nếu từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa trẻ mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì người mang thai hộ vẫn được nghỉ cho đến khi đủ 60 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần” là qui định đáng chú ý trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) về BHXH bắt buộc, do Bộ Lao động Thương binh và xã hội đang lấy ý kiến góp ý tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Đối với lao động nữ mang thai hộ đang tham gia BHXH bắt buộc, trong thời gian mang thai được nghỉ việc để đi khám thai 5 lần, mỗi lần 1 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ thêm 1 ngày cho mỗi lần khám thai.

Cả người mang thai hộ và người nhờ mang thai đều được hưởng chế độ bảo hiểm thai sản

Cả người mang thai hộ và người nhờ mang thai đều được hưởng chế độ bảo hiểm thai sản

Ảnh Internet

Khi sảy thai, nạo, hút thai hoặc phá thai bệnh lý thì người mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa là 10 ngày nếu thai dưới 5 tuần tuổi; 20 ngày nếu thai từ 5 đến 13 tuần tuổi; 40 ngày nếu thai từ 13 đến dưới 25 tuần tuổi; 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.

Theo qui định này, lao động nữ mang thai hộ khi sinh con mà có đủ điều kiện đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con thì được hưởng các chế độ sau: Trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ mang thai hộ sinh con; Nghỉ việc hưởng chế độ thai sản kể từ ngày nghỉ việc trước khi sinh cho đến ngày giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ nhưng không vượt quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều 34 của Luật BHXH.

Thời điểm giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ là ngày được ghi trong Thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo quy định tại Điều 96 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Mức hưởng chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ được tính theo Điều 39 Luật BHXH, trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ. Trường hợp đóng BHXH chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng BHXH.

Người mẹ nhờ mang thai hộ, nếu đủ điều kiện đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi lao động nữ mang thai hộ sinh con thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ thêm 01 tháng. Mức hưởng chế độ thai sản của người mẹ nhờ mang thai hộ được thực hiện theo quy định tại Điều 39 Luật BHXH và được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Dự thảo nêu rõ, trường hợp người mẹ nhờ mang thai hộ chết hoặc gặp rủi ro mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền khi con chưa đủ 6 tháng tuổi thì người cha nhờ mang thai hộ hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ nhờ mang thai hộ theo quy định trên. Trường hợp người cha nhờ mang thai hộ hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng đang tham gia bảo hiểm xã hội mà không nghỉ việc thì ngoài tiền lương còn được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ theo quy định trên.

Khám thai tại BV Phụ sản TW                  Ảnh: báo TP

Khám thai tại BV Phụ sản TW

Ảnh: báo TP

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng của người mẹ nhờ mang thai hộ được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, thời gian này người mẹ nhờ mang thai hộ và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 có quy định về việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.

Theo Nghị định số 10 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, có hiệu lực từ ngày 15/3/2015, mang thai hộ chính danh tức là con sinh học của một cặp vợ chồng được mang trong tử cung của một người khác. Mang thai hộ được chỉ định trong trường hợp phụ nữ không có tử cung hoặc dị dạng tử cung bẩm sinh không thể mang thai hay bị cắt tử cung. Phụ nữ mắc các bệnh mà việc mang thai có thể ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và thai nhi. Người sẩy thai nhiều lần, tử cung không thể giữ thai đến đủ tháng và thất bại nhiều lần với kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Thái Bình

 

 

 


Ý kiến của bạn