Người nhiễm HIV bị tiêu chảy, sốt, đau miệng... nên ăn uống như thế nào?

SKĐS - Sức đề kháng, hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể của người nhiễm HIV/AIDS rất yếu so với bình thường. Vì vậy, người bệnh rất dễ bị tiêu chảy, sốt hoặc gặp các vấn đề về tiêu hóa.

Bên cạnh việc dùng thuốc theo sự hướng dẫn của cán bộ y tế, người nhiễm HIV cần có một chế độ ăn khoa học nhằm tăng cường hệ miễn dịch, duy trì cân nặng...

1. Một số tình huống sức khỏe thường gặp ở người nhiễm HIV

- Người nhiễm HIV bị tiêu chảyKhi bị tiêu chảy, người nhiễm HIV nên ăn lỏng dễ tiêu, chia nhiều bữa trong ngày, ăn thức ăn mềm khi còn ấm, ăn hoa quả mềm, nên ăn nhiều rau có chất xơ.

Uống nhiều nước, uống thêm dung dịch oresol (ORS), uống sữa, bổ sung dinh dưỡng chống tiêu chảy giúp phục hồi vi khuẩn và niêm mạc ruột.

Hạn chế dùng cà phê, tiêu, ớt, rượu, bia, mỡ hay các thức ăn làm đầy hơi như: Đậu, cải ngồng, súp lơ, bắp cải, giá đỗ, hành.

photo-1695562984415

Người nhiễm HIV hạn chế dùng café gây khó tiêu

- Người nhiễm HIV bị sốt: Nên ăn lỏng dễ tiêu, chia nhiều bữa trong ngày, ăn thức ăn mềm, có thể ăn cháo khi còn ấm, ăn hoa quả mềm.

Uống nhiều nước, uống thêm dung dịch Oresol (ORS), uống nước dừa tươi cũng rất tốt vì có năng lượng vitamin và khoáng chất. Bổ sung dinh dưỡng chất lượng cao để bổ sung năng lượng và mau hồi phục.

Người bệnh hạn chế các thức ăn khó tiêu, nhiều mỡ, hạn chế dùng cà phê, tiêu, ớt. Người bệnh không nên uống rượu, bia. Các thức ăn làm đầy hơi như: Đậu, cải ngồng, súp lơ, bắp cải, giá đỗ, hành.

 - Người nhiễm HIV bị buồn nôn và nôn: Nên ngồi ăn, chỉ nằm sau khi ăn 1 - 2h. Uống thêm nước sau khi ăn. Nhờ người khác nấu ăn giúp để không ngửi thấy mùi thức ăn làm tăng cảm giác buồn nôn.

Nên ngửi vỏ cam tươi, uống chút nước chanh nóng, uống trà gừng. Ăn thức ăn khô, mặn như bánh mỳ, bánh qui, bánh ngũ cốc

Người bệnh hạn chế thức ăn quá béo, quá nhiều mỡ hay quá ngọt. Nếu cần thì loại bỏ 1 loại thức ăn nào đó mà bạn nghi ngờ gây buồn nôn, nôn.

photo-1695562985181

Người nhiễm HIV hạn chế thức ăn quá béo làm tăng cảm giác buồn nôn.

- Người nhiễm HIV bị đau miệng, họng: Đau họng hoặc nuốt đau khi ăn nên ăn thức ăn mềm, có thể hầm thịt với đu đủ xanh. Nấu thức ăn lỏng hoặc làm mềm thức ăn khô bằng cách nhúng vào súp. Uống đồ uống lạnh, súp, rau và nước hoa quả, sử dụng ống hút để uống. 

Nếu người bệnh bị viêm lợi không đánh răng được thì súc miệng bằng dung dịch bicarbonate với nước. Nhai các miếng nhỏ xoài xanh hay đu đủ xanh có thể làm giảm đau và giảm cảm giác khó chịu. Nên uống sữa chua

Khi đau họng nên vắt chanh và trộn với mật ong, uống 1 thìa khi cần thiết . Súc miệng bằng nước muối vài lần trong ngày. Ngậm chanh muối hay gừng

Không nên ăn thức ăn nhiều gia vị và quá mặn như ớt và các món kho mặn. Ăn thức ăn và gia vị quá chua như chanh, dứa (khóm), dấm, cà chua. Ăn thức ăn đồ uống quá nóng hay quá lạnh. Ăn thức ăn dai và nhiều chất xơ như măng...không nên ăn các thức ăn quá ngọt như đường, mật ong, hoa quả ngọt.

2. Chế độ ăn của người nhiễm HIV

Người nhiễm HIV cần có chế độ ăn uống cân bằng để tăng cường hệ miễn dịch và đảm bảo các cơ quan trong cơ thể hoạt động ổn định.

Tuy nhiên, cần chú ý lựa chọn thức ăn tốt cho giai đoạn này để nâng cao sức đề kháng. Trong đó ưu tiên loại rau có hàm lượng chất xơ và các chất chống oxy hoá lành mạnh để bảo vệ hệ thống miễn dịch. Nên ăn nhiều rau trong một ngày, như các loại rau xanh lá, hoa quả khô, các loại hạt, đậu nành... vì đây là những nguồn cung cấp canxi và sắt.

Ăn nhiều thức ăn giàu protein như trứng và thịt nạc để có thêm nhiều chất đạm. Đối với nam giới bị nhiễm HIV cần 100-150g protein mỗi ngày, trong khi nữ giới cần 80-100g.

Dầu ăn và bơ thực vật rất giàu axit béo, omega-3 và đây là một nguồn cung cấp tuyệt vời vitamin A, D, E và K. Chất béo lành mạnh có trong các loại hạt, bơ, dầu ô liu, dầu thực vật và dầu cá. Chất béo từ thịt, phô mai và bơ có thể làm tăng mức cholesterol.

Ngoài ra, người nhiễm HIV cần duy trì vệ sinh tốt như: Rửa tay trước và sau khi ăn, uống nhiều nước và giữ cho cơ thể được giữ nước suốt cả ngày. Nước là một nguồn tốt để loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể và bảo vệ hệ thống miễn dịch.

Mời bạn xem thêm video: 

Hành trình vượt qua bóng tối của chàng trai nhiễm HIV |SKĐS

BS Vũ Thị Thu Lan
Ý kiến của bạn