Chợ cá Tsukiji sẽ chính thức đóng cửa, thay thế cho nó là một khu phức hợp lớn hơn nằm ở cách đó vài dặm. Tuy nhiên, một thời gian dài trước khi bị đóng cửa, chợ cá Tsukiji từng là nơi để người ta bàn tán sôi nổi về những con cá ngừ trị giá triệu đô. Một con cá ngừ vây xanh khổng lồ thường có giá thành bằng cả một chiếc xe Lexus hay BMW.
Trở thành triệu phú nhờ cá ngừ triệu USD
Nó là chợ hải sản lớn nhất thế giới, một thế giới rực rỡ sắc màu với những chiếc xe nâng hàng khổng lồ đi kèm với bầu không khí nhớp nháp, khó chịu, vô số công nhân và những toà nhà đổ bóng dọc theo một khu vực với diện tích lớn hơn 40 sân bóng đá, đặt tại Vịnh Tokyo. Nơi đây từng được biết đến là nơi đánh bắt được con cá ngừ nặng 222 kg, nó được người ta ví von là một tấm vé số đắt giá thuộc về tay ông Daisuke Takeuchi. Một con cá ngừ thường có giá thành bằng cả một chiếc xe Lexus hay BMW. Nhưng con cá ngừ vây xanh mà ngư dân Takeuchi đánh từ vùng biển Thái Bình Dương thuộc Đông Bắc Nhật Bản vào tháng 12/2012 đã đạt được một cái giá không tưởng: 155 triệu Yen (tương đương 1,7 triệu USD / 1 triệu bảng Anh) tại cuộc bán đấu giá năm nay ở Tsukiji. Daisuke Takeuchi không khỏi sửng sốt khi nói với các phóng viên: “Tôi không thể nói nên lời”, với số tiền lớn đó, chàng ngư phủ 36 tuổi hoàn toàn có đủ khả năng để mua một ngôi nhà rộng rãi và làm chủ một chiếc xe BMW.
Những mốc giá cao chót vót lại xuất phát từ mùa cá ngừ đầu tiên. Năm 2012, một con cá ngừ vây xanh nặng 269 kg đã được bán với mức giá 735.000 USD, cao hơn kỷ lục cũ đã được lập vào năm 2011 tại chợ cá Tsukiji với giá thành hơn 260.000 USD. Kể từ tháng Giêng năm 2012 khi kỷ lục cũ đã bị phá vỡ, cánh nhà báo ùn ùn kéo tới chợ cá Tsukiji để tìm lời giải thích xác đáng. “Đó là thời khắc quan trọng trong năm”, dẫn lời giải thích của một trong các thương gia rằng chính nhu cầu tiêu thụ thực phẩm chất lượng cao của người dân Nhật trong ngày Tết Nguyên đán đã đẩy giá thành các mặt hàng thủy sản tăng vọt lên gấp nhiều lần. Một số người đổ lỗi cho Trung Quốc, nơi đang cố gắng vượt mặt Nhật Bản khi nước này từng nhiều năm liền giữ vững danh hiệu nhà tiêu thụ cá ngừ lớn nhất thế giới. Đáng chú ý, chuỗi nhà hàng Sushi đã mua con cá ngừ của Daisuke Takeuchi, Zanmai, đã trả giá cao hơn thị trường tiêu thụ hàng hoá xa xỉ tại Hong Kong, đã làm thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc của người Nhật Bản để tổ chức lễ cá ngừ tại gia. Chủ tịch của chuỗi nhà hàng sushi Zanmai nói rằng ông hy vọng sẽ “kích thích niềm vui thích” của người Nhật, khi đất nước này vẫn đang phục hồi từ sau đợt thảm hoạ sóng thần năm 2011 và đang có khả năng tiềm tàng mối nguy hiểm khi Nhật Bản bị lôi kéo vào cuộc tranh chấp lãnh thổ với chính quyền Bắc Kinh.
Con cá ngừ này có giá 1 triệu bảng Anh được mua ngay tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản
Đâu là nguồn cơn của hiện tượng siêu tăng giá?
Giới thương nhân Tsukiji vẫn giữ yên lặng, nhưng vẫn còn có một nguyên nhân gây ra việc tăng giá quá cao: đánh bắt thủy sản quá mức. Nhiều thập kỷ khai thác đã khiến cho loài cá Vua của người Nhật đi đến bờ vực tuyệt chủng. Khối lượng cá ngừ vây xanh tại Thái Bình Dương “thấp kỷ lục trên tất cả các điểm tham chiếu sinh học”, dẫn lời từ một báo cáo bất thường bởi Ủy ban Khoa học quốc tế về cá ngừ và các loài giống cá ngừ (ISC) tại biển Bắc Thái Bình Dương. Dự trữ cá ngừ toàn cầu đã giảm xuống 90% trong vòng 30 năm qua, và cá ngừ Đại Tây Dương hiện đang đặt ở mức đặc biệt nguy hiểm vì có nguy cơ sắp bị tuyệt chủng. Báo cáo của ISC đã ghi chú rằng dân số của loài cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương hiện đã giảm xuống mức thấp kinh khủng đến 96%. “Nó là một dấu hiệu cho biết những gì đang tới. Nếu không có chế tài quản lý thích hợp, tin chắc giá cá sẽ ngày một tăng phi mã”, dẫn lời của ông Wakao Hanaoka, một nhà chiến dịch đại dương làm việc cho Tổ chức hoà bình xanh Nhật Bản.
Cuộc đấu tranh nhằm bảo tồn cá ngừ trên toàn cầu đã bắt đầu ở Tokyo. Mỗi năm, dân Nhật tiêu thụ khoảng ¾ nguồn cá ngừ vây xanh của cả thế giới; 80% cá ngừ đánh bắt ở vùng biển Địa Trung Hải sẽ kết thúc hành trình trên các bàn ăn của người Nhật. Nhưng ông Wakao Hanaoka nói rằng truyền thông Nhật đã chậm nhấn nút báo hiệu, ông lên tiếng cảnh báo: “Họ nói rằng dự trữ cá ngừ sẽ hồi phục, không quan tâm tới tình hình xấu thực sự của vấn đề”. Chi tiêu hàng năm về cá ngừ vây xanh của mỗi hộ gia đình người Nhật thực sự đã giảm hơn 1/3 kể từ cuối thập niên 1990, theo báo cáo của Cục thủy sản Nhật Bản (JFA). Tuy nhiên, nền kinh tế càng bị trì trệ thì càng bị đổ lỗi và song song với nhận thức của công chúng ngày càng tăng trước hiểm hoạ tuyệt chủng của cá ngừ.
Nhưng có một chuyện mà ít người biết, rằng có một thời kỳ dài, cá ngừ bị cho là hàng phế phẩm, thịt bị cho là nhạt nhẽo, từng bị loại bỏ ra khỏi danh sách cá ăn và có khi được chuyển đổi làm thức ăn cho mèo. Tuy nhiên trong những năm của thập niên 1980, thế giới bắt đầu sao chép cách ăn cá ngừ của người Nhật với món sushi cơm nấu từ dấm gạo và đặt các lát mỏng cá ngừ lên bề mặt, đã khiến cho món cá tầm thường đã bước sang một chương mới.
Ngày nay nó là con cá có giá trị nhất hành tinh, thậm chí còn thu hút cả giới mafia Italia và Nga - chúng đang lăm le kiểm soát phần lớn hoạt động buôn bán tại khu vực Địa Trung Hải. Tsukiji là tâm điểm buôn bán cá ngừ của thế giới, chợ cá đóng một vai trò quan trọng đối với hoạt động buôn bán toàn cầu khi cá ngừ tại đây được bán buôn từ khắp nơi trên thế giới. Cảnh thường thấy tại chợ cá Tsukiji là các thương nhân thành thạo cắt các lát cá ngừ khổng lồ bằng con dao kiểu Samurai với độ chính xác như bàn tay bác sĩ phẫu thuật.
Sushi Zanmai, chuỗi nhà hàng Nhật đã trả tiền để mua đứt con cá ngừ khổng lồ của ngư dân Takeuchi, chuyên chế biến các món sushi cao cấp để thoả mãn thực khách Tokyo giàu có. Chỉ với con cá ngừ đó, Zanmai đã mất đứt hơn 100 triệu yen – chia cho 222 kg thịt cá ngừ với 10.000 lát cắt. Tuy nhiên buổi bán đấu giá đã thu hút một lượng lớn sự quan tâm của giới truyền thông. Nhiều chi nhánh trong hệ thống Sushi Zanmai đã hiển thị bức ảnh lớn của ông Kiyoshi Kimura, chủ tịch của công ty, ông đang tươi cười rạng rỡ trên thân con cá ngừ to lớn. Kiyoshi Kimura đã mang lại uy tín cho hệ thống nhà hàng, và thoả mãn từng “xô” quảng cáo miễn phí.
Đông đảo thực khách chen chân để tận mắt nhìn thấy con cá ngừ triệu bảng Anh
Còn tay ngư dân Daisuke Takeuchi ra sao? Không bàn cãi gì nữa nhờ con cá ngừ “khủng” đã một bước biến thành “ngôi sao” tại thị trấn duyên hải hẻo lánh Ooma-cho, nằm cách thủ đô Tokyo hàng trăm dặm về hướng Đông Bắc. Đối với một số người, sự thành công của Takeuchi đã trở thành một biểu tượng của sự hồi sinh khi con sóng thần đã càn quét vùng duyên hải Đông Bắc Nhật Bản vào tháng 3/2011, và khác với nhiều người kém may mắn, Thần Tài đã gõ cửa nhà Takeuchi. Theo tạp chí kinh doanh Nikkan Gendai, sau khi trừ tất cả mọi chi phí và thuế, Takeuchi đã đút túi 488.000 bảng Anh.
Rất nhiều ngư dân muốn được hưởng cái phúc phận to lớn như của Takeuchi. Trên khắp vùng duyên hải nước Nhật, các cộng đồng đánh cá như Ooma-cho, những con tàu đánh cá trở về bến với khoang hàng trống rỗng. Nhiều chủ tàu cho hay rằng trong nhiều năm qua, việc đánh được những con cá ngừ với trọng lượng nặng 150 kg đã thất bại, còn thì chỉ đánh được những con ngừ chưa tới tuổi trưởng thành. Cá ngừ dưới 36 kg không có khả năng sinh sản. Nhà hoạt động có xuất thân từ ngư dân, ông Atsushi Sasaki cảm thán cho biết: “Đó là một vòng lẩn quẩn. Họ bắt toàn cá nhỏ và tin rằng sẽ đến một lúc cá ngừ nhỏ cũng không có để mà bắt, sự tuyệt chủng đang ở nhãn tiền”. Vì ký do đó, nhiều nhà bảo tồn cá cho rằng những buổi lễ ăn mừng đấu giá kỷ lục cho cá ngừ tại chợ cá Tsukiji tin chắc sẽ sớm kết thúc.
NGUYỄN THANH HẢI (Theo Independent)