Trong một chuyến thăm đến thành phố Hiroshima vào ngày 12/4 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, Tổng thống Mỹ Obama muốn có chuyến công tác đến thành phố này khi lãnh đạo Nhà Trắng đến Nhật Bản tham dự Hội nghị G7 diễn ra vào tháng 5 /2016. Tuy nhiên ông John Kerry không cho biết lịch công tác của Tổng thống Obama có cho phép tới Hiroshima hay không. Đến nay, Tổng thống Mỹ đương nhiệm chưa từng thăm Hiroshima.
Người dân Nhật Bản tưởng niệm, viếng vong hồn các nạn nhân vụ ném bom nguyên tử Hiroshima.
Một lời xin lỗi của Tổng thống sẽ gây ra tranh cãi ở Mỹ, bởi vì phần lớn người dân xem vụ ném bom Hiroshima vào ngày 6/8/1945 và 3 ngày sau đối với Nagasaki là hành động hợp lý để kết thúc chiến tranh và bảo vệ người dân Mỹ. Trong khi đó, đa phần người dân Nhật Bản cho rằng các vụ ném bom là phi lý vì giết chết hàng ngàn người vô tội.
“Liệu Tổng thống Mỹ có đến để biết chuyện gì thật sự đã xảy ra nơi đây và liệu sẽ tiến đến bãi bỏ vũ khí hạt nhân, tôi nghĩ nhân dân chúng tôi không cần một lời xin lỗi suông”, cụ Takeshi Masuda, 91 tuổi, một cựu giáo viên cho biết. “Thật sự khó khăn cho những người mất đi người thân trong gia đình. Tuy nhiên, nếu chúng tôi yêu cầu một lời xin lỗi, sẽ khiến ông ấy khó có thể đến đây”, cụ Takeshi Masuda cho biết thêm.
Tổng thống Mỹ Obama
Mẹ của cụ Masuda qua đời chỉ vài tuần bị ảnh hưởng vì vụ tấn công hạt nhân. Ở những ngôi trường, nơi cụ từng dạy học sau Thế chiến II, một số học sinh trở thành mồ côi, một số khác bị bỏng nặng. Một máy bay chiến đấu của Mỹ đã ném bom nguyên tử xuống Hiroshima giết chết tức thì hàng ngàn người và khoảng 140 ngàn người vào cuối năm 1945. Nagasaki bị ném bom vào ngày 9/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng 6 ngày sau.
Cụ Miki Tsukishita 75 tuổi nhớ lại, lúc nhìn thấy có cái gì đó sáng bóng từ trên trời rơi xuống Hiroshima vào sáng hôm đó. Cụ cuống cuồng chạy vào nhà la hét: “Mặt trời đổ ụp xuống rồi”. Do đó, cụ không bị tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ và bức xạ từ vụ nổ. Tsukhishita là một trong những người dân Nhật Bản đăng kêu gọi trên báo Bưu điện Washington vào năm 1983 yêu cầu Tổng thống Mỹ lúc bây giờ -Ronald Reagan thăm Hiroshima.
Đến nay, cụ Tsukhishita mong muốn Tổng thống Mỹ Obama, người nhận giải Nobel Hòa bì bình tích cực góp phần thúc đẩy giải trừ hạt nhân, tận dụng ảnh hưởng của ông để thuyết phục lãnh đạo của các quốc gia có vũ khí hạt nhân cũng đến thăm Hiroshima để hiểu vũ khí hạt nhân vô nhân tính như thế nào.
Cụ Hiroshi Harada
“Quan trọng hơn cả là đừng để lặp lại bi kịch này. Tôi muốn ông ấy nói với với những quốc gia có vũ khí hạt nhân khác biết, tôi đã đến Hiroshima, các bạn cũng nên đến đó”, Tsukishita gửi lời đến Tổng thống Mỹ.
Cụ Hiroshi Harada - cựu giám đốc bảo tàng bom hạt nhân được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thăm trong tuần này, khi thành phố Hiroshima bị ném bom, cụ mới 6 tuổi kể lại cảnh tượng kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại: “Vào thời điểm đó, chúng tôi thấy có những người bị đốt cháy thành than, da thịt tan chảy hoặc tay chân bị bom cắt vãi khắp nơi". "Nhưng nay, tôi muốn chào đón chuyến thăm của ông Obama với hy vọng dẫn đến hành động tiếp theo: bãi bỏ vũ khí hạt nhân” - cụ Hiroshi Harada cho biết.