Mới đây, thông tin ông P. P. N.T là người có mức lương hưu cao nhất TP. HCM, cũng là cao nhất cả nước (Tính đến tháng 7/2023, mức hưởng lương hưu của ông T. là hơn 140 triệu đồng/tháng) khiến nhiều người bất ngờ.
Hơn nữa, theo kế hoạch chi trả lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội (BHXH) tháng 1 và 2 năm 2024 của BHXH TP. HCM, 2 tháng lương hưu dịp Tết (tháng 1 và 2 năm 2024) của người hưu trí trên địa bàn TP. HCM sẽ được gộp lại, chi trả 1 lần trong kỳ chi trả tháng 1/2024. Như vậy, số tiền lương hưu ông T. nhận sẽ là hơn 280 triệu đồng.
Nhiều người thắc mắc rằng, lương hưu cao như vậy thì có phải đóng thuế TNCN hay không?
Trao đổi với Báo Sức khỏe và Đời sống, Ths. Ls. Hoàng Hương Giang (Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, theo quy định tại điều 4 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân về thu nhập được miễn thuế, thì lương hưu được quy định tại khoản 10.
Cụ thể: "Tiền lương hưu do Quỹ BHXH chi trả theo quy định của Luật BHXH, tiền lương hưu nhận được hàng tháng từ Quỹ hưu trí tự nguyện. Cá nhân sinh sống, làm việc tại Việt Nam được miễn thuế đối với tiền lương hưu do nước ngoài trả".
Sau đó, Thông tư 111/2013/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn rõ hơn việc thực hiện Nghị định 65/2013/NĐ-CP, quy định rất chi tiết các khoản thu nhập được miễn thuế tại Điều 3.
"Lương hưu là khoản thu nhập được miễn thuế quy định tại điểm k, khoản 1 của Điều 3 Thông tư 111: Tiền lương hưu do Quỹ BHXH trả theo quy định của Luật BHXH; tiền lương hưu nhận được hàng tháng từ Quỹ hưu trí tự nguyện. Cá nhân sinh sống, làm việc tại Việt Nam được miễn thuế đối với tiền lương hưu được trả từ nước ngoài".
Như vậy, lương hưu là khoản thu nhập được miễn thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, trong trường hợp người đã nghỉ hưu/người đủ tuổi nghỉ hưu tiếp tục làm việc, đầu tư, kinh doanh… và phát sinh thu nhập từ các công việc trên thì vẫn phải đóng thuế thu nhập cá nhân cho khoản thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công này, Ths. Ls. Hoàng Hương Giang thông tin.
Ths. Ls. Hoàng Hương Giang cũng cho biết thêm, theo quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, thì thuế TNCN là một khoản nộp ngân sách nhà nước bắt buộc đối với cá nhân khi có thu nhập tính thuế theo quy định của pháp luật thuế TNCN.
Căn cứ tại Điều 21 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012), Điều 1 Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 quy định về mức giảm trừ gia cảnh, điểm i khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định về khấu trừ thuế TNCN và Điều 4 Thông tư 40/2021/TT-BTC, khi cá nhân không có người phụ thuộc thì phải nộp thuế thu nhập khi có tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công trên 11 triệu đồng/tháng, sau khi đã trừ các khoản đóng bảo hiểm bắt buộc theo quy định và các khoản đóng góp khác như từ thiện, nhân đạo.
"Một số trường hợp cá nhân không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng và có tổng mức trả thu nhập từ 2 triệu đồng/lần trở lên sẽ phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Lưu ý, cá nhân có thu nhập tính thuế theo quy định đối với mỗi khoản thu nhập sẽ có quy định riêng.
Ngoài ra, thuế TNCN không chỉ áp dụng đối với cá nhân mà còn áp dụng đối với hộ kinh doanh. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch trên 100 triệu đồng", Ths. Ls. Hoàng Hương Giang cho hay.
Mời bạn đọc xem tiếp video: Quốc hội chốt cách tính tiền lương từ 1/7/2024
Quốc hội chốt cách tính tiền lương từ 1/7/2024.