Người nhà xin về, bác sĩ quyết giữ lại "xin" điều trị

27-04-2020 18:56 | Thành tựu y khoa

SKĐS - Ngày 27/4/2020, BS.CKII Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của bệnh viện vừa điều trị thành công một trường hợp viêm phổi- suy hô hấp cấp rất nặng tưởng chừng không thể qua khỏi.

Anh Phạm Hồng Hoàng Duy, 23 tuổi, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long được đưa đến bệnh viện cấp cứu vào lúc 20 giờ ngày 29/3/2020 trong tình trạng đau và chảy máu 1/3 giữa cẳng chân trái do tai nạn giao thông. Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ chẩn đoán: Gãy xương cẳng chân trái và được chuyển Khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình điều trị

Hình X.quang tổn thương thâm nhiễm 2 bên phổi khi vào viện

Sau 15 giờ nhập viện, bước sang ngày 30/3/2020, bệnh nhân đột ngột có triệu chứng sốt 380C, suy hô hấp. Các bác sĩ tiến hành hội chẩn liên khoa với chẩn đoán: Viêm phổi nặng ; viêm phổi mô kẽ ; gãy hở xương cẳng chân trái và tiếp tục chuyển đến Khoa Nội Hô hấp điều trị.

Tại đây, anh Duy có suy hô hấp nặng hơn kèm ho ra máu, tiên lượng rất nặng nên lại được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc điều trị chuyên sâu. Kết quả chụp X. Quang phổi, phát hiện thâm nhiễm 2 bên, xét nghiệm chỉ điểm nhiễm trùng không tăng, cấy đàm âm tính, cấy máu âm tính, cấy vết thương âm tính, chụp cắt lớp vi tính ngực loại trừ thuyên tắc phổi và ghi nhận viêm phổi mô kẻ diễn tiến nhanh.

Bệnh nhân không có yếu tố dịch tể nhiễm COVID- 19, tuy nhiên do tình trạng suy hô hấp diển tiến rất nhanh nên bệnh nhân được cho xét nghiệm COVID 19, kết quả âm tính. Bệnh nhân được can thiệp đặt nội khí quản và thở máy với chiến lược huy động phế nang và bảo vệ phổi, kết hợp điều trị kháng sinh phổ rộng theo kinh nghiệm, cân bằng nước điện giải kiềm toan, an thần, giãn cơ, dinh dưỡng….

Trong 10 ngày tiếp theo, được điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ phải thở máy, tinh trạng oxy hoá máu cải thiện chậm, sử dụng kháng sinh, nhưng tình trạng bệnh nhân không cải thiện hơn, bệnh nhân vẫn sốt cao, gia đình quyết định xin ngừng điều trị, đưa bệnh nhân về.

Hình X.quang tim phổi thẳng hết thâm nhiễm sau điều trị

Tuy nhiên các bác sĩ đã động viên gia đình tiếp tục điều trị tới cùng với tinh thần “còn nước còn tát”. Anh Duy tiếp tục được điều trị kháng sinh theo hướng viêm phổi thở máy phổ rộng, tiếp tục thở máy, phổi bắt đầu bớt thâm nhiễm,  sốt bắt đầu giảm. Kết quả cấy đàm nhạy cảm với kháng sinh điều trị kinh nghiệm và bệnh nhân hết sốt sau 2 tuần.

Đến sáng ngày 20/4/2020 (ngày điều trị 21), các bác sĩ cùng gia đình đã vỡ òa trong niềm vui và hạnh phúc  khi nhận thấy sự tiến triển tích cực của bệnh nhân và ngày đến điều trị thứ 23 trong sự nỗ lực không ngừng của các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, bệnh nhân được rút nội khí quản, thở oxy sau đó ngưng thở oxy.

Đến sáng ngày 27/4/2020, anh Duy tỉnh, tiếp xúc tốt, da niêm hồng, thở đều không khí phòng, hết sốt. Sự hồi sinh kỳ diệu của bệnh nhân không chỉ mang lại niềm vui cho gia đình (anh Duy là lao động chính) mà còn đem đến rất nhiều cảm xúc cho các thầy thuốc. Đặc biệt, cán bộ y, bác sĩ Khoa hồi sức tích cực - chống độc.

BS.CKII Dương Thiện Phước – Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, phòng hồi sức tích cực (ICU ) là một nơi trong bệnh viện thường được dành để chữa trị cho các bệnh nhân nặng hoặc những người cần được chăm sóc đặc biệt.

Tại bất kỳ bệnh viện nào ICU cũng được coi là nơi rất quan trọng. Áp lực của bác sĩ tại phòng hồi sức tích cực gần như từ sáng đến tối không có giờ nghĩ với nhiệm vụ cứu sống những người bệnh nặng. Mỗi ca bệnh khó là một thử thách mới, là dịp để học hỏi nâng cao kiến thức chuyên môn.

Tuy nhiên mỗi ca bệnh nặng được cứu chữa khỏi các điều dưỡng, bác sĩ đều cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Người bệnh đang nằm điều trị tại khoa ICU không thể tự chăm sóc cho bản thân, hoàn toàn phụ thuộc vào điều dưỡng.

Ngoài việc thực hiện các kỹ thuật chuyên môn, điều dưỡng khoa ICU đã chăm sóc người bệnh toàn diện như người nhà của mình từ việc ăn uống đến vệ sinh cá nhân như tắm, gội đầu, chải đầu, chăm sóc răng miệng... Bằng sự tận tâm, tận tuỵ, điều dưỡng tại khoa ICU đã làm cho việc điều trị của bác sĩ hiệu quả hơn.

BS.CK II Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết: Với sự năng động, nhiệt huyết và hết lòng vì người bệnh, bác sĩ và điều dưỡng của Khoa Hồi sức tích cực âm thầm làm việc và cống hiến từng ngày, từng giờ.

Kết quả thành công trong điều trị là sự kết hợp của nhiều chuyên khoa cho thấy tinh thần kiên cường, không bỏ cuộc của các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ quyết tâm cứu sống bệnh nhân nặng, nguy kịch.


PV
Ý kiến của bạn