Giống như nhiều người lao động khác, thời điểm hiện tại, chị Nguyễn Thị Tuyết (làm việc tại một công ty công nghệ tại Hà Nội) đã bắt đầu ngóng thưởng Tết.
Nhưng vì lương thưởng Tết rất thấp, chỉ bằng lương cơ bản nên có nhận tiền thưởng Tết thì chị cũng không dám tiêu gì nhiều, chỉ đỡ được chút chi tiêu cho gia đình dịp cuối năm.
"Lương cơ bản hai năm nay không tăng. Tôi cũng đã có ý kiến với lãnh đạo công ty nhưng được phản hồi là vì doanh nghiệp thua lỗ nên không thể tăng thưởng Tết được… Tháng vừa rồi, nhà tôi có nhiều việc cần chi tiền nên phải nợ tiền trọ đến tháng này mới thanh toán. Đóng tiền của tháng này xong thì coi như hết lương 10 triệu đồng vì 4 triệu đồng tiền nhà, 2,8 triệu đồng tiền học của con gái út và 3 triệu đồng tiền học thêm của hai cô con gái lớn nữa", chị Tuyết chia sẻ.
Chị Tuyết trải lòng thêm, trong trường hợp bất đắc dĩ nhất, chị mới về quê, vì chị muốn các con có môi trường học tập tốt tại Hà Nội. Để có mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng như hiện tại, chị Tuyết phải làm tới 3 ca/ ngày. Mỗi ngày chị chỉ ngủ khoảng 3 tiếng, còn lại phải dành thời gian để làm việc.
Cũng giống chị Tuyết, anh Nguyễn Đức Thắng (34 tuổi) - công nhân tại một công ty sản xuất thiết bị vệ sinh tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội cũng đang ngóng tiền thưởng Tết từng ngày. Anh Thắng chia sẻ, các năm trước, công nhân tại công ty anh được thưởng Tết bằng 2 tháng thu nhập cơ bản, nhưng năm nay thì chưa biết thế nào.
"Mọi năm mức thưởng của tôi là 12 triệu đồng. Năm nay công ty có phần khó khăn hơn, tôi mong muốn tiền thưởng Tết không hơn thì cũng bằng những năm trước.", anh Thắng tâm sự.
Anh Thắng cho biết, vợ chồng anh Thắng quê ở Hòa Bình, cùng xuống Hà Nội làm công nhân đã vài năm nay. Với công việc hiện tại, tổng thu nhập mỗi tháng của hai anh chị khoảng 15 triệu đồng. Số tiền này vừa đủ để chi trả tiền sinh hoạt phí, ăn uống cho cả giả đình, nên gần như không có tích lũy thêm. Bởi vậy, cứ gần đến Tết là anh Thắng lại lo lắng, không biết lấy gì để sắm sửa.
Tết dương lịch này vợ chồng anh Thắng cũng không về quê, như vậy sẽ tiết kiệm được một chút chi phí đi lại.
Anh Thắng chia sẻ thêm, thời điểm cuối năm công việc không nhiều do đơn hàng tụt giảm mạnh nên một số bộ phận ở công ty anh bị thu hẹp. Có thời điểm công ty anh hết việc làm, công nhân phải tạm nghỉ luân phiên và nhận lương cơ bản 70%.
"Tôi muốn cho con ở lại Hà Nội để có môi trường học tập tốt hơn, nhưng tiền học của con ở đây một tháng bằng học phí 1 năm ở quê... Mỗi tháng gia đình tôi phải chi từ 5 đến 6 triệu tiền sữa, bỉm, tiền ăn học cho hai con. Thu nhập hàng tháng chỉ tạm đủ trang trải cuộc sống, còn không để dư ra được đồng nào. Có tháng các con ốm phải mua thuốc men, đi khám thì xác định âm tiền lương của hai vợ chồng luôn. May có bà ngoại chăm con giúp chứ nếu mà thuê cả người trông nữa thì chắc không trụ nổi nơi đất Thủ đô này", anh Thắng tâm sự.
Mong có thu nhập ổn định hơn là thưởng Tết
Giống với dự định của gia đình anh Thắng, chị Từ Thị Dung (SN 1990) là công nhân công ty Panasonic tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội chia sẻ, Tết dương lịch này vợ chồng chị không thể về quê được, đành phải chờ đến Tết âm lịch, vì mỗi lần đi lại rất tốn kém.
"Con bây giờ phải thuê người trông, chi phí thuê một tháng khoảng 3 triệu. Tiền phòng trọ 1 tháng là 800.000 đồng, còn tiền điện, tiền nước thì dao động từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng. Vợ chồng tôi còn phải tiết kiệm để gửi tiền về quê lo cho hai con gái lớn đang ở nhà với ông bà.
Điều mà vợ chồng tôi lo ngại sắp tới đây là tiền điện tăng, bình thường đang là 3.000 đồng/số, mới đây ông chủ trọ thông báo sẽ tăng lên 4.000 đồng/số từ đầu năm sau", chị Dung bộc bạch.
Giờ đây, niềm mong ước nhỏ nhoi của vợ chồng chị Dung chỉ đơn giản là công việc hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng được ổn định, công ty có thêm nhiều đơn hàng để anh chị có thể tăng ca, kiếm thêm thu nhập...
Không giống với nhiều người lao động có tâm lý mong ngóng thưởng Tết, anh Hà Duy Khánh (38 tuổi) đang là công nhân tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long lại cho rằng, có nguồn thu nhập đều đặn hằng tháng mới là điều quan trọng nhất. Còn tiền thưởng Tết có được chút nào hay chút ấy.
Để việc thưởng Tết có ý nghĩa, doanh nghiệp cần tham khảo ý kiến người lao động
Cũng liên quan đến câu chuyện thưởng Tết, ông Lê Quang Trung - Nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐTB&XH) nhận định, năm 2023 là năm đầy khó khăn với các doanh nghiệp. Kinh tế khó khăn, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhưng vẫn cố gắng bám trụ.
Tuy nhiên, Nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm vẫn lạc quan, tin tưởng rằng, nhiều doanh nghiệp đã được phục hồi, có thêm nhiều đơn hàng, đặc biệt với doanh nghiệp xuất khẩu, gia công, dịch vụ… Các doanh nghiệp đều muốn thưởng Tết để động viên, giữ chân người lao động ở lại, nên có thể thưởng Tết 2024 sẽ cao hơn 2023.
"Tôi tin rằng chủ doanh nghiệp sẽ cố gắng tìm mọi cách để thưởng Tết cho người lao động, có thể bằng tiền, cũng có thể bằng hiện vật, thậm chí bằng chính những sản phẩm mà doanh nghiệp sản xuất" - ông Trung cho hay.
Để việc thưởng bằng hiện vật có ý nghĩa, ông Lê Quang Trung cho hay, doanh nghiệp cần tham khảo ý kiến người lao động thông qua tổ chức Công đoàn cơ sở. Khi đó, người lao động nhận phần quà Tết bằng hiện vật của công ty sẽ thiết thực, ý nghĩa hơn.
Mời bạn đọc xem tiếp video: Thưởng Tết Nguyên đán 2024 dự kiến cao nhất hơn 300 triệu đồng.
Thưởng Tết Nguyên đán 2024 dự kiến cao nhất hơn 300 triệu đồng.