Kể về bản thân và cái duyên với cách sáng tác kỳ lạ, họa sĩ Văn Đắc cho biết, ông sinh tại TP. Đồng Hới. Từ nhỏ ông đã mang trong mình phần nào đó niềm đam mê và năng khiếu với hội họa. Nhưng lớn lên, vì nghĩ suy cho tương lai ông không chọn trường hội họa mà chọn vào học Trường Công nhân kỹ thuật Vinh.
Năm 1965, ông đi bộ đội, đóng quân tại chiến trường miền Tây Quảng Trị. Trong khói lửa chiến tranh, tâm hồn nghệ sĩ cũng không bị tiếng đạn bom làm lung lạc. Nguồn cảm hứng sáng tác dường như vô tận nhưng ông gặp ngay cái khó khi không có giấy bút.
Với con mắt của một người nghệ sĩ, thấy những cây chuối rừng với đa dạng những gam màu ông nảy ra ý tưởng ghép tranh từ cây chuối. Nghĩ là làm ngay, ông Đắc mượn kéo rồi cắt ghép những mảnh thân chuối khô vô hồn và biến chúng thành bức tranh nhỏ về vũ nữ đang múa ba lê, đặt tựa đề Khát vọng mùa xuân.
"Cái khó của làm tranh bẹ chuối là chọn được bẹ chuối khô tự nhiên, có gam màu thích hợp với chủ đề tranh. Làm tranh bẹ chuối không được tạo thêm màu với các chất liệu khác", họa sĩ Văn Đắc chia sẻ.
Năm 1973, ông Đắc xuất ngũ, dù từng học ba năm trung cấp cơ khí, nhưng ông không theo nghề mà về công tác ở UBND thị xã Đồng Hới (cũ), với nhiệm vụ vẽ tranh, làm khẩu hiệu, pano... cổ động.
Bận rộn công việc tưởng chừng đam mê với tranh từ bẹ chuối đã bị quên lãng. Đến năm 1980, khi công việc và cuộc sống đã thảnh thơi hơn, ông Đắc tìm tòi và sáng tác nhiều tranh từ bẹ chuối khô hơn. Đến năm 2000, khi đã về hưu, họa sĩ Văn Đắc dành toàn tâm cho những bức tranh từ bẹ chuối.
Chủ đề chính trong tranh của họa sĩ Đắc là di tích lịch sử, quân đội, phong cảnh, chân dung. Tác giả những bức tranh từ bẹ chuối cho biết, thời gian để hoàn thành một tác phẩm tùy theo cảm hứng và độ chi tiết. Có tranh gam màu đơn giản làm nhanh, nhưng có bức trăn trở nhiều ngày liền.
Thường những bức tranh về lịch sử, phong cảnh, ông dành nhiều tâm huyết nhất vì "phải thổi hồn vào tranh". Những bức phong cảnh như Chùa Hoằng Phúc, Lối xưa..., ông đến tận nơi tham quan, ký họa vào giấy rồi về sáng tác.
"Cả cuộc đời đam mê hội họa, tôi tự học, tự nghiên cứu, tìm ra chất liệu chứ không qua trường lớp gì hết", họa sĩ Văn Đắc tự hào nói.
Từ những bức nhỏ, đơn giản được sáng tác theo đam mê rồi người họa sĩ ấy đã có nguồn thu từ việc bán loại tranh đặc biệt. Vào thời điểm ấy, kinh tế và du lịch phát triển, nhiều du khách, khu du lịch tìm đến mua tranh của ông. Khách trong và ngoài nước mua tranh làm kỷ niệm khi đến thăm Quảng Bình. Tỉnh nhà cũng mua tranh bẹ chuối và tặng cho đối tác như một món quà đặc biệt.
Ngoài việc sáng tác để thỏa chí đam mê và có thêm thu nhập, người họa sĩ này còn công phu sáng tác và tặng nhiều tranh cho bảo tàng, như bức Hương sen vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh, Điểm chốt sáng tác về những chiến sĩ giải phóng tặng Bảo tàng Quân sự Việt Nam, bức Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng cho quê hương Lệ Thủy...
Với chặng đường gần 60 năm gắn bó với việc sáng tác tranh bằng bẹ chuối khô, họa sĩ Văn Đắc đã có cho mình khoảng 700 bức tranh.
Với chặng đường gần 60 năm gắn bó với việc sáng tác tranh bằng bẹ chuối khô, họa sĩ Văn Đắc đã có cho mình khoảng 700 bức tranh. Ông cũng đã gửi dự thi nhiều tác phẩm và giành một số giải thưởng, cùng với đó là nhiều buổi triển lãm cá nhân.
"Tôi đưa tranh đi triển lãm và giành một số giải, nhưng mảnh đất này nhỏ nên chỉ phát triển tranh mình đến một mức nào đó thôi", họa sĩ Đắc cho biết.
Dù tuổi tác đã lấy đi phần lớn sức khỏe, sự tình tường nhanh nhẹn nhưng hằng ngày người nghệ sĩ ấy vẫn tỉ mẩn cho những tác phẩm của mình trong không gian chất đầy nghệ thuật.