Người mượn hồ sơ tư pháp đi làm sẽ bị hủy quyết định hưởng lương hưu?

19-06-2023 16:14 | Xã hội
google news

SKĐS - Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất xem xét điều chỉnh hoặc hủy quyết định hưởng lương hưu, trợ cấp với những trường hợp người lao động mượn hồ sơ tư pháp đi làm, đóng BHXH.

Nhiều trường hợp giả mạo hồ sơ tư pháp để đóng và hưởng BHXH

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, tình trạng người lao động mượn hồ sơ tư pháp đi làm, tham gia đóng BHXH tập trung tại các tỉnh có nhiều khu công nghiệp lớn như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh, Bình Phước, Vĩnh Phúc...

Đối tượng mượn hồ sơ tư pháp là công nhân lao động, giáo viên mầm non, viên chức… do không đáp ứng được điều kiện tuyển dụng của người sử dụng lao động như tuổi đời, bằng cấp chuyên môn, địa bàn nơi cư trú… Đây là hành vi giả mạo hồ sơ, gây ra nhiều hệ lụy.

Người mượn hồ sơ tư pháp đi làm sẽ bị hủy quyết định hưởng lương hưu? - Ảnh 1.

Nhiều trường hợp người lao động mượn hồ sơ tư pháp để đi làm.

Ngày 31/5/2022, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có Công văn số 1767/LĐTBXH-BHXH hướng dẫn đối với các trường hợp người lao động mượn hồ sơ tư pháp. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, cơ quan BHXH vẫn gặp nhiều vướng mắc trong xử lý các tình huống phát sinh, chưa có hướng giải quyết đối với các trường hợp đã hưởng chế độ BHXH, cụ thể như sau:

Trường hợp đơn vị sử dụng lao động còn hoạt động: Người lao động nộp đơn yêu cầu Tòa án nhân dân quận, huyện tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu thì Toà án trả lại đơn, yêu cầu cung cấp Biên bản hòa giải của Hòa giải viên lao động. Khi người lao động nộp đơn đề nghị Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận, huyện xem xét hòa giải thì đã quá thời hiệu hòa giải nên không được giải quyết.

Trường hợp đơn vị sử dụng lao động đã giải thể: Khi người lao động nộp đơn yêu cầu Tòa án nhân dân quận, huyện tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu thì Tòa án trả lại đơn, không giải quyết.

Người lao động điều chỉnh về tuổi thật nhưng chưa đủ tuổi lao động và tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật lao động.

Trường hợp người cho mượn hồ sơ sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của người mượn hồ sơ để đi khám, chữa bệnh.

Và các trường hợp được tuyển dụng trước năm 1995 thì chưa có hướng dẫn tại Công văn số 1767/LĐTBXH-BHXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Hiện nay, cơ quan Bảo hiểm xã hội chưa thể thống kê chính xác số liệu thực tế các trường hợp mượn hồ sơ tư pháp mà chưa phát sinh vướng mắc, khiếu kiện giữa người mượn và người cho mượn, hoặc qua rà soát đồng bộ tổng thể dữ liệu người tham gia bảo hiểm xã hội với dữ liệu dân cư của Bộ Công an. Qua báo cáo sơ bộ của Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, ước tính đến hết ngày 31/12/2022 có 214 trường hợp mượn hồ sơ tư pháp chưa điều chỉnh thông tin nhân thân.

Đề xuất các giải pháp xử lý người mượn hồ sơ tư pháp

Trước thực trạng các trường hợp giả mạo hồ sơ tư pháp để đóng và hưởng BHXH, cơ quan BHXH Việt Nam đề xuất Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn trên cơ sở nguyên tắc đóng – hưởng và đề cao quyền lợi của người lao động.

Cụ thể, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan để xem xét ra kết luận về việc mượn hồ sơ tư pháp đối với từng trường hợp cụ thể.

Người mượn hồ sơ tư pháp đi làm sẽ bị hủy quyết định hưởng lương hưu? - Ảnh 2.

Đề xuất xem xét điều chỉnh hoặc hủy quyết định hưởng lương hưu, trợ cấp với những trường hợp giả mạo hồ sơ tư pháp.

Đối với người lao động đang tham gia BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian tham gia BHXH: Căn cứ Quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu của Tòa án hoặc kết luận của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện điều chỉnh lại thông tin về nhân thân trong hồ sơ tham gia BHXH để làm căn cứ giải quyết hưởng các chế độ BHXH khi người lao động đủ điều kiện.

Với những trường hợp đã giải quyết chế độ BHXH ngắn hạn (ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe) trong thời gian người lao động mượn hồ sơ tư pháp tham gia BHXH, không thực hiện thu hồi số tiền đã giải quyết hưởng khi người lao động cam kết đã nhận trợ cấp vì theo nguyên tắc đóng – hưởng, người lao động có đóng BHXH. Mặc khác, vì chế độ BHXH ngắn hạn do người sử dụng lao động đề nghị giải quyết nên trong thời gian mượn hồ sơ tư pháp thì người lao động đã được người sử dụng lao động xác minh về việc đóng BHXH và nghỉ việc do bị ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

Những trường hợp đã giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (bao gồm cả trợ cấp một lần và hàng tháng), BHXH một lần, trợ cấp tuất một lần và các khoản trợ cấp một lần khác cho khoảng thời gian người lao động mượn hồ sơ tư pháp thì căn cứ Quyết định tuyên bố hợp đồng vô hiệu hóa của Tòa án hoặc kết luận của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để thực hiện điều chỉnh lại thông tin nhân thân đúng của người lao động. Đề nghị không thực hiện thu hồi số tiền đã giải quyết hưởng vì thời gian đó người lao động có đóng BHXH và đã hưởng chế độ của thời gian đã đóng BHXH.

Với những trường hợp đã được giải quyết hưởng lương hưu, trợ cấp tuất hàng tháng và các khoản trợ cấp khác (nếu có), căn cứ Quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu của Tòa án hoặc kết luận của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để điều chỉnh lại thông tin nhân thân đúng của người lao động.

Đồng thời, xem xét thực hiện điều chỉnh hoặc hủy quyết định hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (nếu có) đối với người lao động hoặc thân nhân người lao động do đã giải quyết theo thông tin nhân thân của người cho mượn hồ sơ; thu hồi các khoản chênh lệch do giải quyết theo thông tin nhân thân sai.


Hoàng Cường
Ý kiến của bạn