Người mua nhà hãy... chờ đợi

22-01-2013 10:48 | Thời sự
google news

Những con số tồn kho bất động sản vẫn tiếp tục “nhảy múa”, còn người mua nhà vẫn tiếp diễn tâm trạng phân vân không biết đâu là đáy của cái thị trường khốn quẫn này.

Những con số tồn kho bất động sản vẫn tiếp tục “nhảy múa”, còn người mua nhà vẫn tiếp diễn tâm trạng phân vân không biết đâu là đáy của cái thị trường khốn quẫn này.

Vào giữa năm 2012, một báo cáo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, Hà Nội tồn kho trên 100.000 căn hộ, TP.HCM tồn kho hơn 47.000 căn hộ.

Nhưng mới đây theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, con số chính thức về bất động sản tồn kho theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của 44 tỉnh/thành tính đến 30/8/2012 có 16.469 căn hộ chung cư, trong đó TP.HCM có 10.108 căn, Hà Nội là 3.292 căn. Những con số này được căn cứ vào số căn hộ đã hoàn thành chưa bán được, căn hộ đã đủ điều kiện huy động vốn, căn hộ thấp tầng chưa bán được, đất nền được phép bán nền chưa bán được. Tổng giá trị hàng tồn kho 40.750 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo báo cáo hơn 60 doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên 2 sàn chứng khoán, lượng hàng tồn kho bất động sản rơi vào khoảng hơn 83.804 tỉ đồng, tức gấp đôi con số mà Bộ trưởng Xây dựng công bố.

Ở một cấp thấp hơn như báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, hiện lượng căn hộ tồn kho trên địa bàn khoảng 20.000 căn. Cùng thời điểm này, bộ phận nghiên cứu thuộc Dragon Capital lại công bố một con số khác: 35.000 căn hộ. Còn số liệu khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường CBRE, lượng căn hộ tồn kho tại TP.HCM là 18.000 căn, Savills Việt Nam là 14.500 căn được chào bán bởi hơn 100 dự án.

Theo cách nhìn của ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, con số 60.000 - 70.000 căn hộ tồn kho được đưa ra gần đây khiến nhiều người bàng hoàng, song vẫn còn quá ít. Theo ông Đực, có số liệu còn công bố thị trường lên đến trên 100.000 căn hộ hàng tồn.

Đó là chưa tính đến khoảng 66.000 căn hộ sẽ được tung ra thị trường Hà Nội trong vòng 3 năm tới…

Marc Townsend – Giám đốc của hãng tư vấn bất động sản CBRE Vietnam – càng làm cho tình hình trở nên thiếu xán lạn khi đưa ra một nhận định: thị trường bất động sản đang tiến gần đến cái chết. Cũng theo ông, giá bất động sản phải giảm nữa, ít nhất đến 50% so với giá chào bán sơ cấp, khi đó người dân mới có khả năng mua được.

Cứ xét theo lý luận về một “cuộc cách mạng” nhà đất cần phải có của CBRE, người dân Thủ đô và những nơi khác hoàn toàn có lý do để tiếp tục… chờ đợi. Tại TP.HCM, một công ty bất động sản có tiếng như Lê Thành khi giảm giá căn hộ từ 13 triệu đồng/m2 về còn 11 triệu đồng/m2, hay Hoàng Anh Gia Lai với cú “đánh xuống” đến 50% giá bán cũng không làm cho triển vọng tiêu thụ hàng tồn kho trở nên sáng sủa hơn. Trong khi đó, giá chung cư ở Hà Nội còn cao hơn - từ 14-16 triệu đồng/m2 càng khiến cho khả năng bán hàng ế không thể hiện thực dù các công ty kinh doanh nhà đất đã thực thi đủ các chiêu trò khuyến mãi.

Không biết với tình hình như hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản và cả khối ngân hàng dính dáng đến tín dụng cho vay bất động sản sẽ “khai tử” vào khi nào, nhưng rõ ràng họ không thể tồn tại với giá bán căn hộ còn khá cao so với sức mua của người dân.

Giảm giá, giảm giá và giảm giá – đó là phương cách cuối cùng của doanh nghiệp Việt Nam - được cho là cách tiếp cận người mua tốt nhất như ngành địa ốc Mỹ và Tây Âu đã làm. Còn nếu khăng khăng giữ quan điểm “giá bán căn hộ đã về dưới giá thành” hoặc “thị trường bất động sản đã đến đáy” thì có lẽ phải mất nhiều năm nữa thị trường này mới có cơ may trở lại thế “rồng bay”. 

Dũng Hà


Ý kiến của bạn