Người mua chung cư mini có thể mất trắng căn hộ nếu xảy ra tranh chấp

20-09-2023 17:25 | Xã hội

SKĐS - Theo chuyên gia pháp lý, hầu hết các chung cư mini tại Hà Nội không đủ điều kiện tách sổ riêng cho từng căn. Nếu xảy ra tranh chấp, người mua hoàn toàn bị thiệt thòi và có thể bị mất trắng căn hộ.

Trong thời gian qua, không ít người mua chung cư mini xong vẫn chưa được cấp sổ đỏ vì chung cư xây dựng trái phép hoặc tất cả các hộ gia đình cùng nhau đứng tên chung trên một sổ đỏ. Những điều này xảy ra rất nhiều rủi ro về mặt pháp lý.

Trao đổi với Báo Sức khỏe và Đời sống, luật sư Quách Thành Lực - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, theo Luật nhà ở năm 2014 chưa nêu khái niệm về chung cư mini mà chỉ có quy định về 'nhà chung cư'.

Theo luật sư, nhà chung cư nghĩa là tòa nhà có 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung; có phần sở hữu riêng và sở hữu chung, hệ thống hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân.

Người mua chung cư mini có thể mất trắng căn hộ nếu xảy ra tranh chấp - Ảnh 1.

Nếu xảy ra tranh chấp, người mua hoàn toàn bị thiệt thòi và có thể bị mất trắng căn hộ chung cư mini. Ảnh: Bảo Loan

Theo quy định, để xây dựng một tòa chung cư phải xin giấy phép xây dựng và đảm bảo quy định về diện tích, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và quy hoạch đô thị.

"Thực tế cho thấy, địa điểm xây dựng những căn chung cư mini thường trong ngõ nhỏ, xen lẫn các khu dân cư, chủ chung cư thường xin giấy phép xây dựng là nhà ở đơn lẻ sau đó sẽ tự thiết kế thành những căn hộ chung cư mini với giá thành vừa túi tiền mà vẫn có đầy đủ tiện nghi.

Tuy nhiên, trên thực tế, các chung cư mini không đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo quy định của pháp luật. Điều này dẫn tới việc chủ các căn hộ không thể làm sổ hồng riêng cho căn hộ của mình.

Khi đó, dù giao dịch chuyển nhượng quyền sở hữu căn hộ được xác lập dưới bất kỳ hình thức nào thì người nhận chuyển nhượng đều không được công nhận quyền sở hữu căn hộ, còn hợp đồng cũng sẽ không được công chứng.

Từ đó, hệ lụy pháp lý là việc cấp sổ hồng cho căn hộ là không khả quan, chủ sở hữu không thể sử dụng giấy tờ để mua bán, thế chấp, vay vốn.

Chính vì thế, các giao dịch mua bán chung cư mini hiện nay thì người mua sẽ phải chịu thiệt hại. Nếu như có xảy ra tranh chấp. Đặc biệt, nếu chỉ giao dịch mua bán bằng giấy viết tay thì tất nhiên quyền thế chấp căn hộ đó vẫn thuộc về chủ đầu tư (người bán). Người mua hoàn toàn bị thiệt thòi và có thể bị mất trắng căn hộ.

Người mua chung cư mini có thể mất trắng căn hộ nếu xảy ra tranh chấp - Ảnh 2.

Luật sư Quách Thành Lực.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng cũng như vấn đề phòng cháy chữa cháy ở những chung cư mini thường không an toàn, bởi thực tế cho thấy rất nhiều chung cư mini được xây dựng tại các con ngõ hẹp, và chủ đầu tư thường tận dụng mọi mét vuông để xây dựng, không để lại đủ không gian cho lối thoát hiểm và thiếu trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy. Điều này đem lại rủi ro và nỗi bất an rất lớn cho người dân tại chung cư", luật sư Lực chỉ ra những bất cập của chung cư mini.

"Khi quyết định mua chung cư mini, cần kiểm tra kỹ các yếu tố pháp lý để tránh xảy ra rủi ro đáng tiếc, ở nhiều năm vẫn không được cấp sổ. Điều này không khác gì trả tiền thuê trọ dài hạn trong chính ngôi nhà mình sở hữu.

Ngoài ra, người dân cần xem căn chung cư đó đã đáp ứng đủ điều kiện theo đúng giấy phép xây dựng và những tiêu chuẩn hay chưa, đặc biệt là vấn đề phòng cháy chữa cháy bởi những căn chung cư thường xây dựng nhiều tầng, không gian nhỏ hẹp, khi xảy ra sự cố thì rất khó để đảm bảo an toàn", luật sư Quách Thành Lực khuyến cáo.

Chủ tịch Quốc hội: "Dứt khoát không luật hóa chung cư mini"Chủ tịch Quốc hội: 'Dứt khoát không luật hóa chung cư mini'

SKĐS - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc lại và đề nghị Ủy ban Pháp luật rà soát lại dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dứt khoát không luật hóa chung cư mini trong luật này. Có thể để cho Hà Nội có thẩm quyền quy định những khác biệt về tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC.


Phúc Đức
Ý kiến của bạn