Kỳ Sơn là một trong ba huyện của Nghệ An và một trong 61 huyện nghèo nhất của cả nước. Đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây đến cái ăn, cái mặc, nơi ở vẫn còn nhiều khó khăn, nói gì đến cái sự học. Trẻ em trong các bản làng vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao biên giới được cắp sách đến trường đã là điều hạnh phúc lắm. Vì nhiều lý do khác nhau, không ít em phải bỏ học giữa chừng, dẫu biết rằng người Mông nơi đây vẫn cần nhiều cái chữ lắm.
Học sinh vùng cao tới trường. |
Vậy mà giữa vùng núi biên cương phía Tây Tổ quốc này có một chàng trai người Mông đỗ thủ khoa hai trường đại học thuộc loại danh giá nhất nhì của cả nước. Đấy chính là chàng thanh niên Xồng Bá Dìa, sinh năm 1991, dân tộc Mông ở bản Mường Lống 1, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Với cả hai trường, Đại học Y Hà Nội và Đại học Sư phạm Hà Nội, Xồng Bá Dìa đều đạt 26,5 điểm thi, cộng với 3,5 điểm ưu tiên, Dìa đạt điểm tuyệt đối 30/30. Nhưng sau một thời gian suy nghĩ và tham khảo ý kiến mọi người, em quyết định chọn vào học Trường đại học Y Hà Nội. Được biết năm 2008, Xồng Bá Dìa đã được nhận suất học bổng của Quỹ Odon Valet của Cộng hòa Pháp dành cho học sinh Việt Nam đang học tại quê hương cũng như học tại Pháp hàng năm có thành tích đặc biệt xuất sắc trong học tập.
Bố Dìa là ông Xồng Dua Nù, năm nay mới 35 tuổi, Dìa là con trai đầu. Gia đình người Mông này có hai vợ chồng và ba đứa con, đời sống kinh tế vô cùng khó khăn. Ông Nù cho biết từ bao đời nay, người Mông ở bản Mường Lống 1 vẫn giữ tập tục phát rừng làm rẫy, nguồn sống chủ yếu dựa vào mấy rẫy ngô ngoài rừng và bắt con cua, con cá dưới suối. Học xong tiểu học ở xã, Dìa phải xuống Trường phổ thông dân tộc nội trú Kỳ Sơn ở tận thị trấn, cách nhà 60km để theo học khiến cuộc sống gia đình em đã khó lại càng khó khăn hơn. Điều đáng khâm phục là sau khi học hết tiểu học, các bạn cùng trang lứa ở bản, xã bỏ lớp gần hết, nhưng Dìa nhất quyết không chịu bỏ học.
Dường như cuộc sống xa nhà càng tạo thêm cho em đức tính tự lập và tình thương yêu bố mẹ trong em cũng từ đấy ngày càng được vun đắp thêm, bằng việc cố gắng chăm chỉ học tập để khỏi phụ công bố mẹ. Sau khi học hết phổ thông cơ sở, Xồng Bá Dìa được tuyển thẳng vào Trường phổ thông trung học Dân tộc nội trú Nghệ An. Cô giáo Nguyễn Thị Thơ, chủ nhiệm lớp 12A1 của Dìa cho biết: Kết thúc học kỳ thứ nhất của năm lớp 10, Dìa nổi lên như một tấm gương sáng về sự tiến bộ và chăm chỉ. Em nhanh chóng trở thành một trong những học sinh xuất sắc của lớp, được chuyển sang học lớp chọn và năm nào cũng đạt danh hiệu tiên tiến xuất sắc.
Chàng trai Xồng Bá Dìa. |
Trong các kỳ thi học sinh giỏi, Dìa luôn đạt điểm cao. Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh Nghệ An năm học 2008-2009, Xồng Bá Dìa là học sinh duy nhất của Trường Dân tộc nội trú tỉnh giành giải ba môn toán và được nhận nhiều phần thưởng cao quí khác. Đặc biệt tin Xồng Bá Dìa đạt điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh vào hai trường đại học danh giá bậc nhất của thủ đô Hà Nội trở thành niềm tự hào của người dân bản Mường Lống 1. Dù trong thời gian học ở Trường Dân tộc nội trú tỉnh, mỗi năm Dìa chỉ về nhà được 2 lần, nhưng mỗi khi Dìa về là cả bản Mông Mường Lống 1 như bừng sáng lên bởi tấm gương vượt khó, ham học của Dìa. Những lời chúc mừng của bạn bè, thầy cô, người thân, hàng xóm láng giềng khiến ông Xồng Dua Nù không giấu nổi sự tự hào về đứa con trai của mình. Còn khi được hỏi về những dự định trong tương lai, chàng thủ khoa người Mông Xồng Bá Dìa chỉ cười bẽn lẽn: Bà con vùng núi cao ở Kỳ Sơn còn khổ lắm. Em thích học sư phạm để mang cái chữ về cho bản Mông này, nhưng có lẽ em sẽ theo học Trường Y để sau này làm một bác sĩ giỏi trở về quê hương chăm sóc sức khỏe cho gia đình người thân và bà con bản Mông mình.
Còn thầy Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú Nghệ An cũng không giấu được niềm xúc động khi kể về học sinh người dân tộc Mông Xồng Bá Dìa. Em quyết định theo học Đại học Y Hà Nội, vì mong muốn trở thành một bác sĩ giỏi, bởi hơn ai hết, em thấu hiểu sự khốn khó của bà con dân tộc thiểu số vùng quê biên giới này khi bị bệnh mà không có bác sĩ giỏi để chữa trị, trong khi con đường từ nhà về đến thành phố chữa bệnh lại quá xa, gập ghềnh, vừa tốn thời gian, lại vừa tốn tiền, quá khả năng chi trả của người dân quen làm nương rẫy như ở bản Mường Lống 1.
Học sinh trường PTDT nội trú tỉnh. |
Thời gian mới vào trường, Xồng Bá Dìa cũng nằm trong số những học sinh bị hổng nhiều kiến thức, thậm chí tiếng Kinh còn chưa nói sõi. Nhưng sau 3 năm, nhờ sự tận tâm của đội ngũ thầy cô giáo ở trường, nhờ được thụ hưởng phương pháp giảng dạy phù hợp, hiệu quả, được học tập, sinh hoạt trong một môi trường sư phạm lành mạnh, thân thiện, an toàn cả về văn hoá, an ninh, vệ sinh thực phẩm và các tệ nạn xã hội, Dìa đã thực sự trưởng thành. Câu chuyện của Xồng Bá Dìa chính là bằng chứng rõ nét nhất thể hiện hiệu quả của một phương pháp giáo dục vì học sinh thân yêu, đối tượng chính mà ngành giáo dục Nghệ An đang hướng tới.
Tấm gương vượt khó, miệt mài, chăm chỉ trong học tập cùng đức tính khiêm tốn thật thà của Xồng Bá Dìa dường như ngày càng lan tỏa xa hơn. Đó không chỉ là niềm tự hào của riêng bản Mường Lống 1, của người Mông, mà nhiều bạn học sinh các dân tộc thiểu số trên khắp mọi miền đất nước như được tiếp thêm sức mạnh, thắp sáng ước mơ về một tương lai tươi sáng trên con đường tiến thân, lập nghiệp của mình. Dù nơi này, nơi khác, có lúc vẫn còn khó khăn thiếu thốn về đời sống vật chất, cái ăn, cái mặc, nhưng điều đó không hề làm nản chí, mềm lòng những thanh niên dân tộc thiểu số giàu nghị lực như Xồng Bá Dìa. Chỉ có chăm chỉ lao động, say mê học tập khi còn ngồi trên ghế nhà trường mới là con đường đúng đắn và ngắn nhất để các em hòa nhập với cộng đồng trên con đường xây dựng đất nước ta giàu mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh.
Bài và ảnh: Viên Lan