Hà Nội

Người Mông ở 'cổng trời' làm du lịch

06-05-2022 16:20 | Xã hội
google news

SKĐS- Mong muốn góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào người Mông, ông Hờ Chồng Pó (bản Mường Lống 1, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã chọn cách xây dựng homestay để khởi nghiệp.

Người Mông đầu tiên ở cổng trời tiên phong làm du lịch cộng đồng - Ảnh 1.

Mường Lống, Kỳ Sơn, Nghệ An được ví như "tiểu Sapa" của Nghệ An

Đánh thức tiềm năng

Từ trung tâm thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), vượt qua cung đường dài gần 50 km, bắt đầu từ bản Sơn Thành, xã Tà Cạ (Kỳ Sơn) men theo con đèo nhỏ uốn lượn quanh co, vượt qua "cổng trời" là tới trung tâm xã Mường Lống.

Hai năm gần đây, Mường Lống được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước biết đến là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn với các homestay đậm nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc người Mông miền tây Nghệ An. Trong đó, tiêu biểu nhất là "homestay Hờ Chồng Pó".

Ông Hờ Chồng Pó cho hay, vào những năm 90 của thế kỷ trước, Mường Lống được ví như "thủ phủ" của cây thuốc phiện khi có tới hơn 500 ha thuốc phiện, nhiều nhất huyện Kỳ Sơn. Tệ nạn nghiện hút cùng với tập tục du canh, du cư, đốt nương làm cho rừng cạn kiệt, đời sống người dân càng bấp bênh, quẩn quanh trong bế tắc.

Năm 1996, với chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện, ở  Nghệ An, Mường Lống là điểm đầu tiên thực hiện theo chủ trương này. Đến năm 1997, Mường Lống xóa được cây thuốc phiện, thay vào đó là trồng giống mận tam hoa và đào không hạt.

Năm 1997, Mường Lống xóa được cây thuốc phiện, thay vào đó là trồng giống mận tam hoa và đào không hạt.

Bản Trung Tâm, bản Mường Lống 1, Mường Lống 2 tham gia trồng mận tam hoa đầu tiên, với tổng diện tích lên đến 23ha. Hợp thổ nhưỡng, sau vài năm trồng, cây mận ra hoa, đậu quả và bắt đầu cho thu hoạch.

Đến nay diện tích trồng mận tam hoa được mở rộng lên thành 65ha, cùng với cây đào, gà đen trở thành những đặc sản của Mường Lống. Năm 2012, tuyến đường nhựa vào Mường Lống hoàn thành, xe khách chạy từ thành phố Vinh vào trung tâm xã, thương lái chạy xe vào tận vườn thu mua nông sản cho bà con.

Ông Pó đến với du lịch cũng là một cái duyên. Tình cờ, ông Hờ Chồng Pó gặp một nhiếp ảnh đến "săn mây". Chính người du khách này đã thổi ý tưởng làm du lịch cho ông Pó.

"Với khí hậu mát mẻ vào mùa hè, sương mù bao phủ vào mùa đông, cùng những đồi hoa mận, đào… Mường Lống sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của không ít đoàn khách du lịch. Bảo tồn cây mận, gà đen kết hợp với làm du lịch sẽ là hướng đi mới nơi cổng trời", ông Pó chia sẻ.

Tiên phong làm du lịch cộng đồng

Năm 2020, nhờ tham gia các lớp tập huấn của chính quyền địa phương, tham khảo, học hỏi trên mạng, ông Pó cất mới ngôi nhà sàn gỗ, bắt đầu làm du lịch cộng đồng. Ngôi nhà sàn độc đáo, kết hợp với những nét truyền thống của ngôi nhà người Mông, nhưng lại tăng thêm những tiện ích hiện đại, tạo sự thoải mái cho du khách.

Người Mông đầu tiên ở "cổng trời" Nghệ An tiên phong làm du lịch cộng đồng - Ảnh 3.

Ông Hờ Chồng Pó giới thiệu những nét đẹp văn hóa của người Mông tới du khách.

Những ngày đầu làm du lịch, ông Pó gặp rất nhiều khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ cũng như cách quảng bá, kết nối tua du lịch. Nhưng với quyết tâm và sự tự tin, ông Pó chưa từng có một giây phút nản lòng, muốn bỏ cuộc. Ông luôn lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp từ những người có kinh nghiệm, không ngừng tìm tòi, học hỏi để hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Homestay Hờ Chồng Pó hiện có 3 phòng nghỉ riêng với sức chứa 15 người. Gia đình ông Pó cũng là nơi duy nhất duy trì và phát triển giống gà đen bản địa, đồng thời trồng thêm rau sạch, cung cấp thực phẩm tại chỗ cho bếp của homestay.

Bình quân mỗi tháng homestay của ông Pó tiếp đón từ 120 – 150 lượt khách tới tham quan, nghỉ dưỡng. Riêng các ngày nghỉ dài, homestay của ông chật kín phòng.

Người Mông đầu tiên ở "cổng trời" Nghệ An tiên phong làm du lịch cộng đồng - Ảnh 4.

Homestay không những thu hút nhiều đoàn khách trong nước mà còn là điểm đến yêu thích của rất nhiều tổ chức và khách du lịch nước ngoài.

Nhận thấy được tiềm năng du lịch của địa phương, nhu cầu ngày một tăng, ông Hờ Chồng Pó giúp đỡ bà con trong bản cùng phát triển mô hình. Hiện xã Mường Lống đã thành lập HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng với 10 thành viên, xây dựng được 3 mô hình homestay.

Nắm bắt cơ hội, dám nghĩ dám làm với sự nhanh nhẹn, nhạy bén, ông Hờ Chồng Pó là tấm gương sáng về ý chí vươn lên làm giàu, truyền cảm hứng cho các thế hệ thanh niên trên con đường lập nghiệp. Cộng đồng người Mông nơi cổng trời Mường Lống đã mở ra nhiều loại hình dịch vụ du lịch, vừa phát triển kinh tế, vừa giữ gìn văn hóa truyền thống.

Du khách tự tay hái mận Tam hoa, đào không hạt khi đi du lịch ở "cổng trời" Mường Lống, Kỳ Sơn Nghệ An.

 Bất ngờ với cảnh sắc ở “tiểu Sa Pa” của xứ Nghệ Bất ngờ với cảnh sắc ở “tiểu Sa Pa” của xứ Nghệ

SKĐS - Xã Mường Lống (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) nơi được ví là “tiểu Sa Pa” của xứ Nghệ. Với khí hậu mát mẻ vào mùa hè cùng những đồi hoa cải vàng, rừng mơ, mận… tạo nên sức lôi cuốn khách du lịch kỳ nghỉ lễ.


Trần Tuyên - K.Tâm
Ý kiến của bạn