Hà Nội

Người Mông đổi đời nhờ cây dược liệu atiso

01-11-2023 07:39 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Sapa nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung được thiên nhiên ưu ái cho những điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với việc trồng dược liệu quý như đảng sâm, đương quy, atiso…

Từ lâu, atiso Sapa đã được biết đến là loại atiso chất lượng với hàm lượng hoạt chất cao, đem lại hiệu quả kinh tế và giúp người dân ở đây thoát khỏi cái nghèo. Thành công của dự án trồng dược liệu giúp bà con thoát nghèo ở Sapa là nhờ có sự liên kết giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông.

Nếu như trước đây người dân ở Sapa chỉ biết trồng lúa trên những thửa ruộng bậc thang với thu nhập rơi vào khoảng 30 triệu đồng cho 5 tấn lúa chưa kể phân bón, giống, công chăm bón… thì nay người đồng bào dân tộc ở đây đã có thể sắm sửa tivi, tủ lạnh, xe máy… nhờ trồng dược liệu theo hướng dẫn của chính quyền địa phương.

Cuộc sống người Mông với cây dược liệu atiso - Ảnh 1.

Dược liệu đang dần thay thế cây ngô, cây lúa,… giúp đồng bào người Mông ở những xã vùng sâu của Sa Pa có cuộc sống tốt hơn. Ảnh: Minh Ngọc

Gia đình anh Má A Thảo (thị xã Sapa) một trong những hộ dân trồng dược liệu vui mừng chia sẻ: "Từ khi biết đến việc trồng atiso, gia đình chúng tôi mua được xe, tivi rồi xây được cả nhà, các con đều được đến trường. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền, người dân chúng tôi được biết đến các kỹ thuật chăm sóc, nuôi trồng để cây được tốt hơn, thu hoạch năng suất hơn. Sau khi thu hái còn được các doanh nghiệp đến tận nơi thu mua".

Là một trong những gia đình người Mông cũng chuyển đổi từ chăn nuôi gia súc và trồng rau sang trồng atiso, ông Giàng A Sình cho biết: Trước kia hơn 1ha diện tích vườn của gia đình chỉ trồng rau, nuôi lợn nuôi gà, thu nhập cũng chỉ rơi vào khoảng gần 30 triệu đồng. Thế nhưng từ khi biết đến cây atiso và chuyển toàn bộ 1ha sang trồng dược liệu, gia đình ông đã thu về khoảng 100 triệu đồng mỗi năm. Nhận thấy tiềm năng từ cây dược liệu, gia đình ông đã đầu tư mua máy móc để nâng cao năng suất. Sau vụ mùa vừa qua, gia đình ông đã mua thêm được 2 chiếc xe máy.

Cuộc sống người Mông với cây dược liệu atiso - Ảnh 2.

Cây atiso đã chứng minh hiệu quả kinh tế khi giúp cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Không chỉ có gia đình anh A Thảo, a Sình, người dân tộc ở Sapa đều luôn nhắc rằng nếu trước kia chưa có atiso, cuộc sống rất vất vả, bấp bênh. Hầu như các nông sản đều khó tiêu thụ và kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào việc nuôi gia súc hay kiếm dược liệu trên rừng về bán với giá rẻ. Từ khi biết đến việc trồng atiso, lại được chính quyền hướng dẫn cách chăm sóc đúng kỹ thuật, doanh nghiệp thu mua tận nơi, bà con không còn phải lo cái ăn cái mặc, cuộc sống dần ổn định có đồng ra đồng vào.

Không chỉ chú trọng việc trồng dược liệu, người dân nơi đây còn hy vọng có thể kết hợp với du lịch trải nghiệm cộng đồng. Bởi mùa hoa atiso rất đẹp, tím cả một vùng, du khách có thể kết hợp tham quan và trải nghiệm. Hơn nữa, mùa hoa nở rơi vào mùa đông, là mùa thu hút khách du lịch nhất của Sapa. Người dân có thể mở rộng dịch vụ, kiếm thêm thu nhập. Bên cạnh đó, việc quảng bá dược liệu ở Sapa cũng đang được đẩy mạnh bằng cách đưa atiso vào những món ăn, sản phẩm quà tặng để đa dạng hơn sản phẩm đầu ra. Hiện tại diện tích trồng Atiso của thị xã Sa Pa với diện tích trồng khoảng 50ha. Atiso đã trải dài trên những triền núi, phủ xanh những ngọn đồi, quanh vườn nhà của bà con đồng bào người Mông ở Sapa.  

Xem thêm video được quan tâm:

Uống Trà Khi Ăn Bánh Trung Thu Có Ích Lợi Gì? | SKĐS


PV
Ý kiến của bạn