Trong số ấy, cũng có không ít những bà mẹ người dân tộc thiểu số đã bình thản đón nhận sự mất mát hy sinh và khắc khoải sống đơn côi cho tới ngày khuất bóng. Chẳng nỗi đau nào giống nỗi đau nào, như cuộc đời của các mẹ khuất lấp giữa bốn bề núi giăng sương phủ.
Người mẹ bản Sao Tua
Năm 2013, chúng tôi tìm gặp mẹ Việt Nam Anh hùng Mùi Thị Dậu. Từ năm 1996, mẹ đã được Khách sạn Công đoàn tỉnh Sơn La đón về phụng dưỡng. Cô lễ tân khách sạn dẫn đường vào nơi mẹ ở, bảo, mẹ Dậu về đây cũng đã mười mấy năm, sức khỏe tốt nhưng mẹ lúc nào cũng lặng lẽ, giấu giếm mọi tâm sự trong đôi mắt đã dần mờ đục. Mỗi khi chiều xuống là mẹ lại lần ra ban công nhìn về phía quê nhà. Biết mẹ nhớ rừng, nhớ bản nên lâu lâu đơn vị lại cử người đưa mẹ về quê một chuyến cho thỏa lòng.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Lý Khờ Pớ năm 2013.
Mẹ Mùi Thị Dậu (người dân tộc Mường) là mẹ của liệt sĩ Mùi Văn Chính. Anh nhập ngũ năm 1966, năm 1969 hy sinh tại chiến trường Mường Sủi, tỉnh Xiêng Khoảng, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Năm 1995 mẹ Mùi Thị Dậu được phong danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng và cũng đã được vinh dự đón nhận Huân chương Kháng chiến hạng 2, Huy chương Vì sự nghiệp Xây dựng và phát triển Sơn La cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Bên mẹ, chìm trong miền ký ức của mẹ cũng đủ giúp tôi hình dung thêm về người con trai duy nhất ấy đã vội vàng tu sửa nếp sàn, cày tơi thửa ruộng, dặm lại hàng rào trước khi từ biệt mẹ mà đi. Đôi chân trần của anh cùng những trai bản khác lội qua mấy con suối, mấy dòng sông, mấy ngọn núi mới ra đến huyện tòng quân, mới có mặt nơi chiến trường C ác liệt phía Mường Sủi... Và dự cảm của người mẹ đã đúng. Anh Mùi Văn Chính đã không trở về. Anh vĩnh viễn nằm lại nơi mặt trận phía Tây...
Mặt trận phía Tây là ở đâu?! Tờ giấy báo tử từ chiến trường về Hà Nội rồi ngược chừng ấy đường đất để đến với bản nghèo khuất nẻo Mộc Châu chỉ vỏn vẹn có chừng ấy thông tin. Từ bản Mường Sao Tua xa xôi, mẹ làm sao biết đất nước mình dài rộng chừng nào, làm sao theo dấu chân con mình trên đường đánh giặc. Mẹ đành chiều chiều ngồi quay sợi ở đầu sàn, mắt dõi về phía Tây để được thấy gần con hơn một chút. Và điều đau lòng hơn cả là chừng ấy năm, mẹ vẫn chưa được gặp lại con mẹ, dù đó là nắm hài cốt được đưa về nghĩa trang...
Không lâu sau chuyến công tác Sơn La đó, tôi nhận được tin mẹ Mùi Thị Dậu đã mất và được đưa về an táng tại quê nhà, bản Sao Tua xã Tân Hợp. Để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những đóng góp của gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng Mùi Thị Dậu, công trình quy tập mộ gia đình mẹ Dậu đã được hoàn thành với tổng mức đầu tư trên 130 triệu đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa. Tôi thầm mong, yên nghỉ giữa lòng đất quê hương, bà Mẹ Việt Nam Anh hùng dân tộc Mường ấy sẽ sớm gặp lại con trai, để tiếng Pí thui - cây sáo đặc biệt của người Mường thường cất tiếng trong đêm khuya vỗ về cho những hy sinh của mẹ.
Mẹ Việt Nam Anh hùng Mùi Thị Dậu lúc còn sống quay sợi ở quê nhà.
“Xin đừng ai buồn nỗi buồn của mẹ”
Ở thị trấn vùng biên thuộc huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, chúng tôi đã gặp Mẹ Việt Nam Anh hùng Lý Khờ Pớ, 97 tuổi hiện đang sống cùng người cháu tên Lù Hà Chê - nhân viên ngành viễn thông ở Mường Tè, Lai Châu, trong ngôi nhà tình nghĩa. Biết có khách đến thăm, nên mẹ đã bảo đứa cháu dâu mặc cho bộ quần áo truyền thống của người Hà Nhì rồi ngồi đợi sẵn bên cửa võng. Mẹ nói tiếng Hà Nhì, còn người cán bộ vận động quần chúng đi cùng tôi thì kiêm luôn phiên dịch. Mẹ bảo, quê mẹ ở bản Lò Ma, xã Ka Lăng, cái vùng đất bé như bàn chân trâu nhưng xa hút tít nơi đầu nguồn con nước sông Đà.
Người Hà Nhì ở Ka Lăng luôn tự hào về vùng đất xa xôi ấy bởi nó đã dung dưỡng cho dân tộc này những người đàn ông gan dạ, đàn bà đảm đang. Đồng bào nơi đây còn có câu nói truyền lại qua nhiều thế hệ, rằng dân tộc Hà Nhì chỉ biết cúi đầu bái lạy tổ tiên chứ chưa bao giờ chịu cúi đầu khuất phục kẻ thù. Sự giác ngộ cách mạng của đồng bào dân tộc Hà Nhì ở Ka Lăng, Mường Tè có một phần nguyên nhân là do vùng đất heo hút này một thời bị thực dân Pháp biến thành chốn lưu đầy, quản thúc các nhà chính trị cộng sản. Bản Giẳng, cách bản Lò Ma quê mẹ Pớ không xa từng là nơi quân Pháp lưu đầy luật sư Nguyễn Hữu Thọ vì tội “phát tán truyền đơn bất hợp pháp”.
Cụ Pờ Chớ Chừ, bậc trưởng thượng của bản Giẳng kể lại: “Khi ông Thọ bị Pháp đày lên đây. Ông được đưa đến ở trong nhà bà On. Lúc đó tôi còn nhỏ, khoảng chừng 14-15 tuổi gì đó. Ông Thọ còn dạy đám trẻ con chúng tôi nói tiếng Kinh, học chữ và khơi dậy cho chúng tôi về tình yêu quê hương đất nước, về khát vọng no ấm, tự do, bình đẳng giữa các dân tộc miền núi và miền xuôi. Năm 1986, khi ông về thăm lại bản, chúng tôi cũng đã rất vui mừng đón tiếp ông”.
Mẹ Pớ sinh được 2 con nhưng chỉ nuôi được mình anh Lý Hừ Po. Lớn lên, chàng trai người Hà Nhì ấy làm đơn xin vào bộ đội. Trong ký ức mẹ, anh Lý Hừ Po là một chàng trai khỏe mạnh, đẹp trai, vui tính, cởi mở, chịu thương, chịu khó. Anh có yêu một cô gái tên là Hà Pứ nhưng đã dứt khoát tạm dừng chuyện kết đôi để lên đường giữ nước. Khi ấy, nhiều kẻ xấu đi rỉ tai các bà mẹ ở Ka Lăng rằng, người Hà Nhì ở đây yên ổn, có đất đai rộng lớn phì nhiêu, có suối nước trong lành, có rừng đầy hoa trái sao lại bỏ tổ tiên, bỏ quê hương đi xứ lạ đánh nhau. Đừng ai cho con đi bộ đội, cứ ở nhà sẽ có người mang gạo, muối, vải... đến cho.
Lúc đầu mẹ Lý Khờ Pớ cũng băn khoăn lắm nhưng chứng kiến những cán bộ cách mạng về bản gắn bó cùng nhân dân, nói lời đĩnh đạc, làm việc thẳng ngay chứ không lén lút như kẻ xấu nên mẹ dần yên cái bụng. Không những thế, mẹ Pớ còn vận động bà con trong bản không nghe bọn xấu xúi giục, phải cho con đi bộ đội để đánh đuổi kẻ thù. Thấy mẹ Pớ chỉ có một con trai mà còn dám cho đi cầm súng đánh giặc, vậy là dân bản nghe theo, nhà nào có con trai đều cho con xung phong ra chiến trường.
Lên đường từ vùng biên xa ngái, người trai Hà Nhì Lý Hừ Po để lại tuổi thanh xuân trên mặt trận Tây Nam đầu năm 1971. Khi giấy báo tử của anh Po được cán bộ mang về, mẹ hỏi: “Thế con trai tôi đang nằm ở đâu?”. Không ai trả lời. Mẹ đành tự an ủi: “Nó chẳng thể cô đơn bởi xung quanh còn đồng đội”. Nỗi đau mất con trùm nặng căn nhà đất, nhưng vì không muốn bà con trong bản có con đang cầm súng nao núng, mẹ đã cắm một cành cây xanh trước cửa như đồng bào Mông vẫn làm để thông báo với dân bản rằng: “Xin đừng ai buồn nỗi buồn của mẹ. Hãy phấn chấn để động viên chồng con ra mặt trận, giành lại độc lập tự do, trả thù cho người đã khuất...”.
Gặp gỡ gia đình ông Vừ Gà Lử, người con cả của Mẹ Việt Nam Anh hùng Sùng Thị Blây.
Con của mẹ cũng là dũng sĩ
Tìm về xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, nơi lưu giữ những ký ức về Mẹ Việt Nam Anh hùng Sùng Thị Blây - niềm tự hào của phụ nữ Mông và con trai mẹ, Anh hùng thiếu niên Vừ A Dính. Đón tiếp chúng tôi là con trai cả của mẹ, ông Vừ Gà Lử cũng một cựu chiến binh chống Pháp và nhiều năm liền làm chủ tịch UBND xã Pú Nhung. Trong ký ức của người con, mẹ Sùng Thị Blây có vóc người cao lớn, khỏe đi rừng và miệt mài se từng sợi lanh, nhuộm màu, dệt vải... Những khi cả bản thiếu đói, giặc Pháp cắt phân bổ muối, mẹ lại lên rừng tìm lá giang, lá cọ về đun rồi gạn nước để đồ mèn mén.
Đồng chí Hồng Dương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lai Châu khi nói về vùng đất Pú Nhung và mẹ Sùng Thị Blây đều rưng rưng xúc cảm. Ông nhớ mỗi lần gùi hàng lên núi cho cán bộ, mẹ phải vượt qua nhiều chốt chặn của địch, là một lần mẹ đấu trí với kẻ thù, một lần mẹ miệt mài bám chân trần trên đá sắc để vượt núi, vượt rừng... Năm 1949, địch càn vào Pú Nhung đã bắt gia đình mẹ về làm phu dịch tại đồn Bản Chăn. Dù bị quản thúc, nhưng khi nắm được tin giặc Pháp chuẩn bị đưa quân lên đánh khu du kích ở Pú Nhung, mẹ đã trốn trại ra bìa rừng gặp Vừ A Dính, cấp báo tin này. Mẹ còn chuyển cho Vừ A Dính hơn 100 viên đạn lấy trộm được của giặc. Kẻ địch phát hiện ra, đã xử bắn cả nhà mẹ cùng nhiều dân bản khác, còn chồng mẹ là đồng chí Vừ Chống Lầu bị tra tấn đến chết trong nhà ngục Lai Châu. Mẹ được truy tặng Liệt sĩ ngày 14/10/1964 và được truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng đợt đầu tiên năm 1994.
Còn con trai Vừ A Dính của mẹ lúc nhỏ đã thoát ly gia đình trở thành đội viên liên lạc của đội vũ trang huyện Tuần Giáo. Cái chân đã quen đường rừng, thạo rông núi nên lần nào nhận nhiệm vụ Dính cũng hoàn thành trước thời hạn và đảm bảo an toàn. Nói về sự hy sinh của anh hùng Vừ A Dính, cuốn “Cẩm nang cho người phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh” viết: “...Một hôm vừa đi công tác về bị địch vây bắt, đánh đập dã man, bắt chỉ đường đi bắt cán bộ và đồng bào. Vừ A Dính bày mưu bắt chúng làm cáng khiêng anh đi một ngày đường để lại trở về nơi cây đào là nơi xuất phát mà chả tìm được gì. Căm tức, giặc treo Vừ A Dính lên cành đào rồi bắn chết. Ghi công Vừ A Dính, Đảng và Nhà nước ta đã phong tặng danh danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.
Câu chuyện về người thiếu niên anh hùng ấy đã được truyền đi khắp các bản làng Tây Bắc, trở thành nguồn động lực soi đường cho thanh niên, trai tráng người Xá, người Thái, người Mông khắp vùng tìm đến cách mạng, tìm đến con đường giải phóng cho toàn dân tộc. Lịch sử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Lịch sử Đội TNTP Hồ Chí Minh đã ghi nhận Vừ A Dính là một trong những thiếu nhi Anh hùng tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giải phóng đất nước. Khi thăm bia Anh hùng liệt sĩ xã Pú Nhung, chúng tôi thấy tỏa bóng che mát cho bia là một gốc đào cổ thụ. Cây đào ấy gắn liền với bản anh hùng ca về người anh hùng trẻ tuổi Vừ A Dính, về Mẹ Việt Nam Anh hùng Sùng Thị Blây, cùng những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên mảnh đất Tuần Giáo.
Ban Chỉ đạo quốc gia 1237 cũng đang tích cực làm công tác quy tập, với việc hình thành 20 đội quy tập mộ liệt sĩ trong cả nước.