Một buổi trưa nắng, PV Sức khỏe và Đời sống tình cờ bắt gặp hình ảnh một cô gái níu chặt vai, chân thì để lên đùi người phụ nữ đội nón đạp chiếc xe đạp cũ trên con đường Ba Tháng Hai, hướng về cầu vượt Nguyễn Tri Phương (TPHCM).
Phóng viên Sức khỏe và Đời sống bắt gặp hình ảnh hai mẹ con chị Trinh trên đường Ba Tháng Hai hồi 1/2023.
Đi theo sau hai mẹ con một đoạn dài, đến dưới chân cầu vượt Nguyễn Tri Phương - Lý Thái Tổ, người mẹ dừng xe mua vài tờ vé số cho một cụ bà ven đường rồi lấy nón quạt cho con, tôi mới có cơ hội trò chuyện với chị.
- Chị cũng bán vé số sao lại mua vé số nữa hả chị?
- "Tôi biết cụ bà này vì ngày nào cũng đạp xe qua đây. Chồng của cụ bị bệnh nặng nên tội lắm. Nay qua nhìn thấy cụ còn nhiều vé, tôi lấy cho cụ", người phụ nữ nói với tôi.
Chị cho biết, chị tên Lê Thị Lệ Trinh (49 tuổi, quê Đồng Tháp). Chị đang chở con gái Giang Tiên Đào (24 tuổi) với thân hình nhỏ xíu như đứa trẻ lên 5, khuôn mặt ngô nghê, chẳng nói chẳng cười. Hơn 20 năm qua, ngày nào cũng vậy, mẹ con chị chở nhau rong ruổi khắp các con đường ở Sài Gòn với lộ trình quen thuộc: đường Ba Tháng Hai - Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Thị Minh Khai - Hai Bà Trưng - Chợ Tân Định - Nguyễn Đình Chiểu cùng tập vé số với mong muốn có tiền mua bỉm và thuốc chữa bệnh cho con.
Cũng theo chị Trinh, do cuộc sống ở quê khó khăn, chị lên Sài Gòn mưu sinh và nên duyên vợ chồng với một người đàn ông gốc thành phố. Cả hai vợ chồng chị vui mừng khi bé Tiên Đào chào đời.
Mặc dù mang thai bé Đào đủ 9 tháng 10 ngày, khi sinh ra bình thường nhưng đến 2 tuổi, chị Trinh thấy con chậm nói và nhận biết mọi thứ xung quanh không như những đứa trẻ bình thường.
"Lúc ấy, hai vợ chồng tôi cứ nghĩ có lẽ con chậm hơn chút thôi, cứ đợi thêm xíu. Với lại không có điều kiện đưa con đi viện kiểm tra nên cứ để vậy. Nào ngờ, tầm hơn 2 tuổi, con bé bị sốt co giật và mất ý thức, bác sĩ chẩn đoán cháu mắc bệnh động kinh. Bác sĩ nói không thể chữa khỏi và chuyển sang điều trị và lấy thuốc ở Bệnh viện Tâm thần trên đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận. Tính đến nay hơn 20 năm rồi, bệnh vẫn chưa khỏi và con bé vẫn như đứa trẻ vậy", chị Trinh kể lại.
Mặc bác sĩ kết luận, chị Trinh vẫn không ngừng hy vọng. Nhưng càng hy vọng bao nhiêu thì theo năm tháng, niềm hy vọng ấy cứ nhỏ dần, nhỏ dần. "Biết bệnh tình con như vậy, tôi buồn chứ nhưng không trách số phận. Những ngày đầu chứng kiến cơn co giật, tôi đau lắm, sau dần quen. Mỗi sáng, tôi dậy vệ sinh mặt mũi, cho con đi tiểu tiện, ăn uống rồi hai mẹ con mới chở nhau đi bán vé số. Nhiều người giới thiệu tôi đi giúp việc và các công việc khác nhưng con nó vậy, tôi không đành. 24 tuổi, cháu vẫn không biết đi, không biết nói, giật mình khi thấy người lạ, cũng không thể tự làm các sinh hoạt cá nhân", chị Trinh nghẹn giọng cho biết.
Để bao bọc cho cô con gái ngờ nghệch, chị Trinh luôn đưa con bên mình trên mọi nẻo đường mưu sinh. (Ảnh chụp ngày 24/8/2023).
Theo chị Trinh, chồng chị là anh Giang Chí Minh (52 tuổi), hiện làm bảo vệ cho cửa hàng Con cưng, thu nhập chưa đến 4 triệu. Sức khỏe của anh không tốt do bị khối u não, tay chân thường xuyên đau nhức, vì vậy không giúp được gì nhiều cho vợ con.
Cũng theo chị Trinh, chị đã chở con đi bán vé số theo mình được 22 năm do không yên tâm gửi con cho người khác. Ngày nắng cũng như mưa, hai mẹ con chị đi bán đều đặn. Những năm trước, ngày đắt hàng vé số, mẹ con chị được lời 1 đến 2 trăm nghìn, nhiều khi đi đường mọi người thương cho ít đồng nên cũng đủ tiền thuốc thang và chi phí bỉm cho con. Nhưng từ đầu năm đến nay, mẹ con chị bán ế ẩm, có ngày chỉ được mươi vé, kiếm được chưa đến hai chục nghìn.
"Chưa bao giờ tôi thấy khó khăn như thế này, hai vợ chồng thuộc diện hộ cận nghèo. Gần đây, hai mẹ con đạp xe suốt nhưng không có người mua, tiền trợ cấp của cháu chuẩn bị ngưng vì phải có giấy chứng nhận giám định thương tật, mà tôi đi hỏi người ta đòi 10 triệu. Giờ tôi không biết kiếm đâu ra số tiền đó trong khi bảo hiểm cho con người ta không chấp nhận vì cháu làm căn cước công dân bị sai mã số định danh, phải chờ cấp đổi lại", chị Trinh nói.
"Ngày còn nhỏ, tôi ước ao được chở con đi học rồi rước nó về, mong nó được bình thường như bao đứa con nít nhà người ta nhưng mà mình không được vậy. Mà mình nói là nói vậy thôi, chứ nó dễ thương mà. Kệ thôi! Ông trời cho sao thì mình vậy chứ biết sao giờ. Bây giờ đòi hỏi sao được, bao nhiêu người còn khổ hơn mình nhiều, hoàn cảnh lắm, ai cũng khổ lắm. Mình nhìn xuống mà sống chứ nhìn lên đâu được. Ông trời cho như vậy là may mắn lắm rồi. Nhiều đứa nó còn bại liệt, phải nằm một chỗ, khổ lắm chứ! Có nó vui lắm cưng ơi! Nó kiếm chuyện cười hoài à....", chị Trinh mắt lấp lánh.
Chị Trinh luôn lạc quan, trời thương nên trời cho sao thì hưởng vậy, chị chỉ mong chồng con khỏe mạnh là đủ.
Khi được hỏi: "Mong ước của chị hiện giờ là gì?", chị Trinh nghẹn giọng: "Giờ chị chỉ mong kiếm được chút tiền thuốc men cho nó (Tiên Đào - PV) ổn, bác sĩ nói con cần gì mình có đó. Con khỏe mạnh là tốt rồi, thuốc men đều đều là nó khỏe à. Mình nghèo đâu có ao ước cao sang gì, chỉ cần chồng con khỏe mạnh là vui rồi", vừa nói mắt chị Trinh vừa rơm rớm.
Chị Trinh cho hay, dù khó khăn hơn nữa, chị cũng không bao giờ bỏ con. Trong mắt chị, con gái Tiên Đào rất đáng yêu, tình cảm.
Thời gian cứ trôi, nhiều người dân Sài Gòn quen thuộc với hình ảnh người mẹ chở con trên chiếc xe đạp cũ, lọt thỏm vào dòng người tấp nập, hối hả. Và những ai từng vô tình bắt gặp mẹ con chị và biết hoàn cảnh của chị đều cảm thấy yêu thương.
"Tôi bán đồng hồ ở đường Ba Tháng Hai đã mười năm nay và biết mẹ con chị Trinh. Hôm nào gặp mẹ con chị ấy chở nhau qua là mua vé số ủng hộ. Chị ấy tính thật thà, đi bán vé số để có tiền mua thuốc chữa bệnh cho con. Thật là cảm phục, đúng là chỉ có tình yêu thương của người mẹ mới lớn lao và bền bỉ như vậy", bà Mai Thị Gái, 60 tuổi (quê ở xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) nói với tôi.
24 năm thầm lặng và bền bỉ chăm con, vợ chồng chị Trinh chưa một lần được nghe con kêu tiếng "mẹ" hay tiếng "ba". Mỗi khi ăn uống, Đào chỉ biết ú ớ chỉ tay, nhưng anh chị hiểu hết ngôn ngữ "không lời" của con. Anh chị cũng chưa bao giờ thấy mệt mỏi, chưa bao giờ muốn buông xuôi. Bởi, với vợ chồng anh chị được có con đã là may mắn lắm rồi!.