Vậy làm thế nào để nhận biết được buồn lo sau sinh, trầm cảm sau sinh và rối loạn trầm cảm? Cách phòng bệnh trầm cảm sau sinh như thế nào để niềm hạnh phúc làm mẹ được trọn vẹn hơn.
Hầu hết phụ nữ sau sinh đều có rối loạn khí sắc, triệu chứng này có thể thoáng qua và tương đối nhẹ, tuy nhiên một số bị rối loạn dai dẳng kéo dài dần dần dẫn đến trầm cảm, làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe bà mẹ, trẻ nhỏ. Cá biệt có những trường hợp ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và con do hành vi tự sát ở bệnh trầm cảm gây nên.
1. Vì sao phụ nữ sau sinh dễ bị trầm cảm?
Nhiều người lo lắng thường hỏi rằng có phải sau sinh dễ bị trầm cảm không, tại sao nhiều người mắc vậy? Thực tế cho thấy hiện nguyên nhân của trầm cảm sau sinh chưa xác định được rõ ràng. Các nhà nghiên cứu tin rằng trầm cảm sau sinh chủ yếu do nhiều yếu tố kết hợp như thể chất, tinh thần, tâm lý, xã hội trong đó có thể do sự thay đổi nồng độ hormon của cơ thể người phụ nữ sau sinh con. Thay đổi tâm lý, cảm xúc và mệt mỏi trong quá trình mang thai và sinh con kể cả sinh mổ hay sinh thường… cũng là nguyên nhân dễ dẫn đến tình trạng trầm cảm sau sinh.
Ngoài ra, sau sinh nếu thiếu sự quan tâm giúp đỡ của chồng, gia đình và người thân, mâu thuẫn trong việc chăm sóc con cái... hoặc tiền sử người phụ nữ có mắc bệnh trầm cảm… sẽ dễ mắc trầm cảm hơn.
Vì thế, nhiều phụ nữ sau sinh là những người phụ nữ có tiền sử mắc bệnh trầm cảm đã điều trị hoặc đang điều trị, trẻ tuổi, phải trải qua những sự kiện căng thẳng trước lúc sinh con như bệnh tật, hiếm muộn, thai lưu, sảy thai… thiếu sự quan tâm chăm sóc của chồng, mâu thuẫn gia đình, mang thai ngoài ý muốn… dễ bị trầm cảm sau sinh hơn.
2. Biểu hiện của trầm cảm sau sinh
Các biểu hiện và triệu chứng của trầm cảm sau khi sinh thay đổi tùy thuộc vào loại trầm cảm. Tuy nhiên khi người phụ nữ sau sinh con có các biểu hiện sau cần nghĩ ngay đến nguy cơ trầm cảm để có thể đi khám bệnh kịp thời:
-Sau sinh người mẹ có tâm trạng cảm thấy buồn chán, vô vọng, trống rỗng.
- Khóc thường xuyên mà không rõ lý do.
- Luôn cảm thấy sợ hãi, lo sợ, bồn chồn.
- Dễ cáu gắt giận giữ.
- Mất ngủ kéo dài hoặc ngủ quá nhiều, mất tập trung.
-Dễ mất kiểm soát, không quan tâm bản thân.
-Xa lánh người thân bạn bè, ngại tiếp xúc, thậm chí không muốn gần gũi với con.
- Người mẹ xuất hiện ý nghĩ làm hại bản thân và con, hoang tưởng ảo giác…
Các dấu hiệu trên thường không rõ ràng, không dễ nhận biết nên nhiều người lo lắng và thường cho rằng chắc người mẹ sau sinh chỉ lo buồn thôi chứ không phải mắc trầm cảm. Chính vì vậy khá nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Làm sao phân biệt được với buồn lo sau sinh và rối loạn trầm cảm?
Vậy làm sao để nhận biết được trầm cảm sau sinh và sự khác nhau giữa chứng buồn lo sau sinh và rối loạn trầm cảm. Để trả lời câu hỏi này, chúng ta biết nhiều phụ nữ mắc hội chứng buồn lo sau sinh sau vài ngày sau khi sinh em bé. Nếu người mẹ mắc hội chứng này rất có thể biểu hiện những triệu chứng sau:
-Người mẹ có tâm trạng thất thường
-Xuất hiện cảm giác buồn bã, lo âu hay choáng ngợp
-Người mẹ khóc lóc triền miên
-Kèm theo chán ăn
-Có thể khó ngủ
Tuy nhiên, chứng buồn lo sau sinh hầu hết sẽ biến mất chỉ trong một vài ngày hoặc một tuần. Những biểu hiện nếu không quá nghiêm trọng và không cần thiết phải điều trị.
Còn nếu những biểu hiện trên kéo dài lâu hơn, biểu hiện nghiêm trọng hơn sẽ là chứng bệnh trầm cảm sau sinh. Trầm cảm sau sinh có thể xảy đến ở bất cứ thời điểm nào trong năm đầu tiên sinh em bé. Nếu sau sinh người mẹ mắc phải chứng bệnh này, có thêm những triệu chứng khác cũng có thể là:
-Người mẹ không hứng thú với con mình
-Người mẹ có ý định làm tổn thương em bé
-Người mẹ có ý định làm tổn thương bản thân mình. Và chứng trầm cảm sau sinh cần được bác sĩ điều trị.
Đối với rối loạn trầm cảm sau sinh thì ít gặp hơn, theo nghiên cứu cứ 1.000 ca sinh nở thì chỉ có khoảng 1 dến 4 ca thai phụ mắc chứng rối loạn trầm cảm sau sinh.
Thông thường rối loạn trầm cảm sau sinh sẽ bắt đầu biểu hiện vào hai tuần đầu tiên sau khi sinh em bé. Những phụ nữ mắc chứng rối loạn lưỡng cực hay vấn đề sức khỏe tinh thần khác hay còn được gọi là chứng rối loạn tâm thần phân liệt có nguy cơ cao hơn mắc phải chứng rối loạn trầm cảm sau sinh.
Những biểu hiện có thể là người mẹ thường nhìn vô định, rối bời. Hay thay đổi tâm trạng một cách chóng mặt. Người mẹ cố làm tổn thương bản thân cũng như em bé.
3. Người mẹ sau sinh cần làm gì để phòng trầm cảm sau sinh?
Trên thực tế, trầm cảm sau sinh có thể biểu hiện trong những tháng cuối của thai kỳ cho đến vài tuần đầu sau sinh. Các biểu hiện có thể ở mức độ nhẹ như cảm thấy mệt mỏi, lo lắng, mất ngủ đến những biểu hiện nặng hơn như kích động hoặc thậm chí có ý nghĩ tự tử.
Tuy vậy, những biểu hiện mệt mỏi, lo lắng có thể chỉ thoáng qua sau sinh, tình trạng này không phải là trầm cảm sau sinh, nó là đáp ứng bình thường của cơ thể.
Vì vậy, để phòng bệnh trầm cảm sau sinh ngay từ khi mang thai cần quan tâm, chăm sóc cả về dinh dưỡng và tinh thần của thai phụ. Người phụ nữ nên tự mình tham gia các hoạt động tích cực: đi bộ, vận động nhẹ, nghe nhạc thư giãn… giúp tâm trạng luôn vui vẻ, ổn định.
Sau khi sinh con phụ nữ cần có chế độ sinh hoạt phù hợp: nghỉ ngơi hợp lý, đi dạo nhẹ nhàng, bổ sung đủ dưỡng chất, không gây áp lực bản thân phải làm tất cả mọi thứ, tránh tự cô lập bản thân, cố gắng mở lòng với người thân và yêu cầu sự giúp đỡ khi cần thiết…
Và cuối cùng là cần được cảm thông chia sẻ từ chồng và người thân trong gia đình. Khi đón thêm thành viên mới để niềm vui hạnh phúc gia đình được trọn vẹn, ngoài việc chăm sóc sức khỏe của con nhỏ và thể chất của người mẹ thì việc chăm sóc tâm lý tinh thần của người phụ nữ sau sinh là rất quan trọng giúp phòng tránh bệnh trầm cảm sau sinh và những nguy cơ không đáng có.
Trầm cảm sau sinh khởi phát trong vòng 4 tuần đầu sau sinh nhưng nhiều nghiên cứu cũng như các chuyên gia sức khỏe cho rằng, bệnh có thể khởi phát ở bất kỳ thời điểm nào trong vòng 1 năm đầu sau sinh. Ở khu vực châu Á, tỷ lệ trầm cảm sau sinh dao động từ 3,5% - 63,3%. Ở Nhật Bản, tỷ lệ này khoảng 14%; ở Singapore từ 6,8% - 21%, Thái Lan 16,8%.
Tại Việt Nam, các nghiên cứu tại một số bệnh viện phụ sản cho thấy, tỷ lệ trầm cảm sau sinh từ 11,6% - 33%. Các bác sĩ ước tính, gần 50% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh không được chẩn đoán bởi chuyên gia y tế.