Liên quan đến vụ xe ô tô tải chở mì (sắn) lao xuống vực sâu làm chết 6 người, bị thương 3 người ở Gia Lai, Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết, tất cả 9 nạn nhân đều thuộc diện hộ nghèo, là lao động chính trong gia đình.
Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, tỉnh và huyện đã tổ chức đi thăm, động viên 3 người bị thương đang được điều trị tại các cơ sở y tế và hỗ trợ mỗi người 3 triệu đồng. Đồng thời thăm hỏi, chia sẻ nỗi đau mất mát và hỗ trợ 5 triệu đồng với từng gia đình có nạn nhân tử vong.
Anh Nguyễn Tấn Vinh (sinh năm 1988, trú xã Ayun, huyện Mang Yang) là người may mắn nhất khi bị thương tích nhẹ nhất và đã xin các bác sĩ ra viện. Lý do, anh Vinh phải về lo mai táng cho anh vợ là Phan Văn Tuấn (sinh năm 1990, nạn nhân tử vong).
Anh Vinh kể: Khoảng 9 giờ sáng 8/2, anh cùng anh Tuấn và một số người khác lên xe đi bốc hàng tại khu vực xã Hà Đông. Sau khi bốc hàng chục tấn mì lên xe, mỗi người chỉ ăn tạm ổ bánh mì hoặc gói mì tôm rồi lên ca bin xe để về nhà. Ai nấy đều mệt rã rời sau một ngày dốc sức nên ngồi nghỉ, có người đã kịp chợp mắt khi chiếc xe lăn bánh trên con đường đèo. Riêng anh Vinh ngồi ở phía ngoài cùng của hàng ghế sau ca bin.
Gần 1h sáng 9/2, khi đang mơ màng, anh Vinh bỗng thấy chiếc xe trôi đi rồi lao thẳng xuống với những tiếng va đập. Khi định thần lại anh thấy mình đã văng ra ngoài, chiếc xe nằm bất động với những ánh sáng đèn chói lóa. Dùng điện thoại bật đèn pin soi, anh mới bàng hoàng thấy những người đồng hành của mình đang mắc kẹt trong ca bin bẹp dúm. Anh vội vàng leo lên mặt đường rồi chạy đi tìm nơi có sóng điện thoại để gọi báo lực lượng chức năng đến giải cứu.
"Tôi chỉ thấy tài xế cố gắng phanh lại nhưng không được. Khi tỉnh lại tôi mới thấy cảnh tượng đau lòng, ám ảnh đó. Tôi may mắn sống sót nhưng anh vợ tôi đã không qua khỏi…", anh Vinh buồn bã nói.
Nén nỗi đau hai tay và chân bị gãy, anh Guêm (sinh năm 1999, huyện Mang Yang) kể: Hai năm nay, anh và mọi người nhiều lần đi bốc vác mì thuê ở xã Hà Đông. Mọi người cùng ngồi xe tải vượt qua cung đường này để mưu sinh.
"Bốc mỗi tấn mì, mình được người ta trả công 80.000 đồng. Mỗi ngày đi bốc mì, mình được trả khoảng 300.000 đồng, có hôm bốc nhiều thì được 400.000 đồng. Hôm đó, sau một ngày bốc vác mì đến tối, cả nhóm mình chỉ kịp lót dạ ổ bánh mì rồi lên xe. Xe chạy được khoảng 20 cây số, mình lim dim ngủ thì chợt nghe tiếng la thất thanh. Mình chưa kịp hiểu chuyện gì thì đã ngất đi, tỉnh dậy thì thấy đang nằm viện, khắp người đau ê ẩm", anh Guêm kể lại.
Người cuối cùng sống sót trong vụ tai nạn thảm khốc nói trên là anh Gun (sinh năm 1991, huyện Mang Yang).
Theo anh Gun, có lẽ đó là lần cuối cùng anh đi qua con đường đó vì vẫn còn cảm thấy quá hoảng loạn về vụ tai nạn.
Đại tá Lê Văn Hà, Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai cho biết, qua kiểm tra hiện trường xác định, thời điểm gặp nạn, trên xe ô tô có 2 người ngồi trước bên phụ và 6 người ngồi ở băng ghế đằng sau ca bin.
"Qua kiểm tra, tài xế không có nồng độ cồn trong máu. Tuy nhiên, với điều kiện thời tiết mùa này ở Tây nguyên, nhất là ở các vùng đồi núi thì buổi đêm trời rất tối, sương mù dày đặc. Trong khi đó đường hẹp, không có đèn chiếu sáng. Đặc biệt là đoạn đường có độ dốc dài hơn 4km. Đây cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn thảm khốc này", Đại tá Hà nói.