Theo GS.TS.BS Nguyễn Chấn Hùng – Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, so với ung thư vú, ung thư buồng trứng và ung thư cổ tử cung ở giai đoạn muộn có số ca mắc mới chỉ bằng khoảng 10% nhưng các bệnh nhân ung thư buồng trứng có tỷ lệ tử vong cao. Bệnh thường hay bị nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh về tiêu hóa…
Triệu chứng của ung thư buồng trứng thường hay bị nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh về tiêu hoá, và phần lớn bệnh nhân chỉ được phát hiện ở các giai đoạn muộn. Điều này làm cho việc điều trị trở nên khó khăn, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ và tiên lượng sống của người bệnh.
Các chuyên gia y tế cho biết, bệnh nguy hiểm nhưng những triệu chứng lại rất âm thầm và khó phát hiện ở giai đoạn đầu. Ung thư buồng trứng có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào. Tuy nhiên, những chị em thừa cân, béo phì hoặc chưa từng sinh đẻ và những trường hợp có người thân bị bệnh… sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Biểu hiện sớm của ung thư buồng trứng
Thường xuyên đau lưng: Đây là triệu chứng tiền kinh nguyệt mà rất nhiều trường hợp nữ giới gặp phải. Dấu hiệu này cũng đáng cẩn trọng với căn bệnh ung thư buồng trứng.
Đau bụng dưới hoặc vùng chậu: Hiện tượng đau bụng dưới có thể là do sự co bóp cổ tử cung gây ra. Phụ nữ độ tuổi sinh sản khi thấy đau bụng dưới thường xuyên thì không nên chủ quan. Nếu cơn đau này xuất hiện trong khi bạn không có kinh, nó có thể là dấu hiệu của ung thư buồng trứng. Nhiều trường hợp đau bụng dưới sau khi tiến hành siêu âm thì phát hiện ra mắc bệnh ung thư buồng trứng.
Đầy hơi, buồn nôn và nôn: là triệu chứng của những bệnh đặc trưng về tiêu hóa. Nhưng cảm giác đầy hơi liên tục hằng ngày thì nên cảnh giác với những tế bào ác tính ở buồng trứng. Dấu hiệu đầy hơi, buồn nôn thường nhầm lẫn triệu chứng bệnh về tiêu hóa dẫn đến khối u có thể phát triển nhanh và gây nguy hiểm cho người bệnh.
Đi tiểu liên tục: Hiện tượng rối loạn tiểu tiện có thể do nhiều yếu tố và có thể do nhiều bệnh lý gây ra, bao gồm những vấn đề bàng quang, đường tiết niệu, các triệu chứng của đường huyết cao nhưng cũng là biểu hiện của bệnh về buồng trứng.
Đau khi “yêu”: Rất nhiều trường hợp cảm thấy khó chịu, thậm chí là đau khi quan hệ tình dục và thường xuyên có nhu cầu tiểu gấp do những áp lực lên vùng xương chậu. Mức độ đau càng cao thì bệnh ung thư buồng trứng có thể đang phát triển ở giai đoạn nặng.
Mệt mỏi: Khó thở, buồn nôn và mất cảm giác ngon miệng, cơ thể luôn mệt mỏi chính là một trong những biểu hiện do tế bào ung thư đang tiến triển. Nếu bạn liên tục uể oải, mệt mỏi mặc dù không làm việc quá sức có thể là một triệu chứng của bệnh ung thư nói chung, trong đó có ung thư buồng trứng.
Chu kỳ kinh nguyệt bất thường: Chu kỳ kinh bất thường hay còn gọi là chứng rối loạn kinh nguyệt là biểu hiện của nhiều bệnh phụ khoa trong đó có những bệnh liên quan đến buồng trứng.
GS. Nguyễn Chấn Hùng cũng cho biết, điều trị ung thư buồng trứng khá phức tạp bởi mặc dù bệnh nhân đạt được tỷ lệ đáp ứng cao so với điều trị hóa chất ban đầu nhưng phần lớn bệnh nhân sẽ tái phát trong thời gian ngắn.
Các xét nghiệm và khám tầm soát để phát hiện bệnh trước khi có các triệu chứng lâm sàng
Siêu âm và định lượng CA-125 trong máu là hai xét nghiệm thường được sử dụng để tầm soát ung thư buồng trứng.
Siêu âm ổ bụng: phụ nữ cần phải được siêu âm định kỳ vùng chậu để phát hiện những bất thường của cơ quan sinh dục (nhất là buồng trứng). Hình ảnh bất thuờng của buồng trứng kết hợp với chất đánh dấu ung thư trong máu cho giá trị chẩn đoán cao; phết cổ tử cung (PAPs mear): cũng có giá trị phát hiện 10 - 30% các trường hợp ung thư buồng trứng.
Siêu âm qua ngả âm đạo là kỹ thuật sử dụng sóng siêu âm phát ra từ đầu dò đặt trong âm đạo để khảo sát tử cung, vòi trứng và buồng trứng. Kỹ thuật này có thể phát hiện được bướu buồng trứng nhưng đôi lúc lại không thể phân biệt đây là bướu lành hay bướu ác. Do đó nếu dùng siêu âm để tầm soát ung thư buồng trứng sẽ phát hiện nhiều trường hợp bướu lành hơn là ung thư.
Định lượng CA-125 trong máu CA-125 là một protein có trong máu. CA-125 thường tăng cao ở những bệnh nhân ung thư buồng trứng. Xét nghiệm này thường có ích trong việc theo dõi sau điều trị ung thư buồng trứng vì nồng độ CA-125 trong máu thường giảm sau điều trị và sẽ có khuynh hướng tăng trở lại khi bệnh tái phát.
Tuy nhiên, định lượng CA-125 trong máu không phải là một xét nghiệm có giá trị trong tầm soát ung thư buồng trứng.
Nguyên nhân là do CA-125 có thể tăng trong một số bệnh lý khác ngoài ung thư buồng trứng, bao gồm: lạc nội mạc tử cung, bướu sợi tử cung, xơ gan, viêm nhiễm vùng chậu hoặc trong các bệnh lý ung thư khác như ung thư nội mạc tử cung, vú, phổi và tụy…
Ở những phụ nữ không có bướu buồng trứng, việc tăng CA-125 trong máu thường là do các nguyên nhân khác chứ không phải do ung thư buồng trứng. Ngược lại, không phải tất cả bệnh nhân ung thư buồng trứng đều có nồng độ CA-125 tăng cao.
Các nghiên cứu cho thấy việc sử dụng siêu âm qua ngả âm đạo và định lượng CA-125 trong máu để tầm soát ung thư buồng trứng ở những người có nguy cơ trung bình sẽ dẫn đến việc thực hiện nhiều xét nghiệm và phẫu thuật không cần thiết nhưng lại không làm giảm tỉ lệ tử vong do ung thư buồng trứng. Vì thế, hiện nay hầu hết các tổ chức y khoa danh tiếng trên thế giới đều không khuyến cáo sử dụng hai xét nghiệm trên để tầm soát ung thư buồng trứng. Do đó, chỉ có thể sử dụng các xét nghiệm trên để tầm soát ung thư buồng trứng ở những người có nguy cơ cao như có tiền căn gia đình bị ung thư vú, buồng trứng, đột biến gen BRCA1-2 và Hội chứng Lynch.