Những tia nắng sớm vàng dịu soi qua dãy ô cửa sổ sơn màu xanh lá cây, lấp lánh soi lên tấm bảng chữ cái tiếng Anh và Khmer gắn trên bức tường màu vàng. Lớp học đầy màu sắc đẹp đẽ. “Chào các con. Hôm nay, các con có khỏe không?”, cô giáo Phalla Neang dịu dàng cất giọng chào học sinh khi bước vào lớp học. Không em nào nhìn thấy khuôn mặt hay nụ cười của cô. Nhưng các em nhận ra giọng nói quen thuộc của cô Phalla, giáo viên dạy toán.
“Ở nhà buồn lắm, em không được đi đâu cả.. Khi có bất kỳ ai ngang qua trong lúc đang ở nhà một mình đều khiến em có cảm giác bất an”, cô bé Phorn Srey Keo, 13 tuổi cho biết. “Em yêu mến các bạn và lớp học của chúng em lắm”, cô bé cho biết thêm.
Một số phòng học vẫn còn trống vì học sinh đang đi từ nhiều tỉnh, thành khác nhau để đến Trường Krousa Thmey. Krousa Thmey, theo tiếng Khmer Campuchia có nghĩa “gia đình mới” là tổ chức đầu tiên và duy nhất hiện nay cung cấp giáo dục toàn diện cho trẻ em mù và khiếm thị mà xã hội Campuchia vẫn đang tồn tại sự kỳ thị.
Cô giáo Phalla đã đấu tranh để giúp cải thiện đời sống cho hàng ngàn người mù Campuchia, đặc biệt trẻ em và loại bỏ kỳ thị xã hội thông qua giáo dục
“Người Campuchia nghĩ những đứa trẻ khi sinh ra bị khuyết tật mắc tội trong tiền kiếp. Do đó, cha mẹ thường giữ con ở nhà. Họ không muốn cho ai biết có con bị khuyết tật, chẳng hạn mù”, cô Phalla thở dài, chia sẻ.
Mặc dù, có chính sách giáo dục phổ cập toàn quốc, nhưng trẻ em khiếm thị và mù lòa Campuchia hầu như vẫn không được nhận vào trường công lập. Sách giáo khoa, tư liệu giáo dục không có đủ và kỹ năng sư phạm dành cho trường công lập không được thiết kế cho học sinh bị mù lòa. Nhiều trẻ mù bị từ chối việc học và phải đi ăn xin ở thành phố lớn.
Theo phân tích gần đây của Hội người mù Campuchia (ABC), nước này hiện có khoảng 52.000 người mù, nhiều người gặp khó khăn trong cuộc sống hằng ngày. “Không có nhiều sự hỗ trợ cho người mù, khiếm thị ở Campuchia. Công chúng vẫn chưa hiểu họ đều là những người bình thường. Người khuyết tật khó tiếp cận với dịch vụ công ích và vẫn bị phân biệt đối xử”, giám đốc ABC Boun Mao chia sẻ. “Tình hình hiện nay có cải thiện so với trước kia, tuy nhiên, vẫn chưa đủ tốt”, ông cho biết thêm.
Hơn 30 năm qua, cô giáo Phalla đã đấu tranh để giúp cải thiện đời sống cho hàng ngàn người mù Campuchia, đặc biệt trẻ em và loại bỏ kỳ thị xã hội thông qua giáo dục. Cô bắt đầu cống hiến cho sự nghiệp giáo dục trẻ em có hoàn cảnh thiệt thòi từ năm 1986, khi đó Liên hợp quốc tuyển dụng tình nguyện viên dạy học cho trẻ em khuyết tật ở một trại tỵ nạn gần khu vưc biên giới Thái Lan-Campuchia. Nhiều học sinh là nạn nhân của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ đã tàn sát gần 2 triệu dân Campuchia.
Cô giáo Phalla luôn sâu sắc và đồng hành với những đứa trẻ mù, khiếm thị ở Campuchia
Phalla tham gia công tác tình nguyện cùng với một số người Campuchia, Thái Lan và Mỹ, trước khi bước vào sự nghiệp giáo dục. Sau 5 năm, bằng cái tâm yêu trẻ và kết quả tốt đẹp đạt được, cô trở thành hiệu trưởng trường học được Liên hợp quốc bảo trợ. "Tôi muốn các em có kiến thức như học sinh bình thường. Các em có quyền đi học như bao trẻ em khác. Nên tôi trở về Campuchia”, cô giáo 56 tuổi chia sẻ. Nhưng bấy giờ, không có trường học dành cho trẻ em mù và khiếm thị ở Campuchia.
Tuy nhiên, điều đó xảy ra không lâu. Krousa Thmey-một tổ chức nhân đạo của Pháp đang điều hành một trại trẻ mồ côi ở Phnompenh đã đến gặp cô giáo Phalla để thực hiện chương trình giáo dục cho trẻ em khuyết tật. Người sáng lập tổ chức là Benoit Duchateau Arminion muốn tuyển dụng giáo viên cho một cậu bé khiếm thị Campuchia đã rất đau buồn, tủi thân khi tự hỏi vì sao em không được đến trường như bao người khác.
Phalla trở thành giáo viên dạy chữ nổi Braille đầu tiên ở Campuchia. Cô cũng giúp Krousa Thmey mở một trường học đầu tiên dành cho trẻ mù, khiếm thị ở Campuchia. Ngày khai giảng đầu tiên cách đây hơn 1 năm chỉ có 8 học sinh và 3 giáo viên, nhưng không khí thật xúc động và ấm tình thầy trò.
“Không có giáo viên nào ở Phnompenh muốn dạy trẻ em khuyết tật và phụ huynh không cho con đi học. Họ không tin trẻ mù có thể học”, Phalla cho biết. Cô chia sẻ, rất vất vả khi đi gõ cửa từng nhà để vận động cha, mẹ cho trẻ em mù, khuyết tật đến lớp học.
Hiện nay, Krousa Thmey điều hành 5 trường học trên toàn quốc. Có 174 giáo viên, cán bộ đang dạy học cho 350 học sinh mù, khiếm thị và 600 học sinh khác bị câm điếc bẩm sinh. Học sinh được nhận chương trình giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông.
Tin vui đã đến, nhà trường sẽ chuyển sang chương trình giáo dục của Bộ giáo dục và trở thành một trường công lập vào năm 2020. “Các em bị mù, nhưng có thể nghĩ và ghi nhớ như chúng ta. Chúng tôi trao cho các em đôi mắt để thấy, và đó là kiến thức. Tôi muốn học sinh của tôi có việc làm ổn định và sống tự chủ mà không còn bị phân biệt đối xử. Hãy mở rộng tấm lòng giúp người khuyết tật hòa nhập và giúp xã hội phát triển”, cô giáo Phalla thổ lộ tâm tư.