Người mải miết đi tìm "lá diêu bông"

21-02-2010 14:15 | Văn hóa – Giải trí
google news

Những ngày này, mỗi ngày đối với thi sĩ Hoàng Cầm là một khoảng thời gian dằng dặc. Năm canh Dần này ông bước vào tuổi 88.

Những ngày này, mỗi ngày đối với thi sĩ Hoàng Cầm là một khoảng thời gian dằng dặc. Năm canh Dần này ông bước vào tuổi 88. Cuộc đời ông đã đang ở quãng 2 -3 của kiếp người (sinh - lão - bệnh - tử). Cái cơ thể của chàng thi sĩ tài hoa, đào hoa thuở nào đã chẳng còn làm được gì theo sự sai khiến của khối óc, con tim. Ông nằm đó, mơ màng và không khỏi tái tê về cuộc đời gần như "độc sàng" của mình, dù không ít bóng giai nhân đã từng len lỏi vào cuộc sống của ông.

Âu đó cũng là cái số của con người trong cuộc đời trầm luân này. Mỗi người đã không tự chống lại được cái số mệnh mà thượng đế sắp đặt. Ông tự xếp ông số đa đoan - đa đoan ở câu chữ và đa đoan cả trong cuộc đời. 12 tuổi ông đã đi tìm "lá diêu bông" và cho cả đến khi bước vào ngưỡng tuổi bát tuần ông vẫn mải miết tìm "lá diêu bông". Ngày đó, đố ai dám bảo ông đã ở tuổi 80. Gặp ông, vẫn thấy một Hoàng Cầm đầy hứng khởi, đôi mắt vẫn tha thiết và vẫn đang đầy ắp những dự định dang dở. Hình như ông vẫn còn muốn làm gì đó cho cuộc đời riêng của mình. Nhìn vào mắt ông, đôi lúc bắt gặp làn sóng xúc động của hồi cố dâng trào. Có lẽ lúc đó tâm hồn ông rung chuyển bởi cảm giác phục sinh bất ngờ ập đến. Nghe nói thời gian đó ông vẫn khao khát tìm được người tri âm bởi tâm hồn thi sĩ vốn mong manh và uỷ mị. Nhưng cuộc đời con người thì hữu hạn, dù cho có phương thuốc thần kỳ nào để tăng cường sinh lực thì đến một lúc vẫn phải qui hàng trước qui luật tự nhiên. Khi những bạn cố tri khăn áo về với tổ tiên, ông không khỏi chạnh lòng nghĩ đến mình. Nhưng cuộc đời vẫn mỉm cười với ông, vẫn muốn níu giữ người đàn ông đào hoa và tài hoa nức tiếng một thời. Chỉ tiếc rằng, lúc này đây ông chẳng còn đủ sinh lực để hào hứng dự những cuộc vui bất tận với bạn bè, để làm những điều ông chưa thoả mãn, để hoàn thành vở kịch về Nguyễn Trãi như ông hằng ấp ủ. Đã có lúc ông từng bảo: Về thiên chức của một người được trời phú cho làm thi sĩ thì tôi đã làm đúng. Còn với hoài bão của mình thì tôi chưa thỏa mãn. Lúc sung sức thì bị hoàn cảnh hạn chế nhiều thứ. Khi đất nước đổi mới, bao nhiêu vấn đề đặt ra cho người làm thơ, tôi cảm thấy mình có rung động mãnh liệt hơn ngày trước thì tôi lại già mất rồi, sức lực không cho phép nữa. Tôi tiếc lắm. Rất may, vài năm trước, khi mà chân tay yếu nhưng đầu óc còn minh mẫn mà bạn bè vẫn đùa ông là "trên bảo dưới cứ bướng", những điều muốn viết mà chưa kịp viết, ông đã nói vào trong hàng chục cuốn băng, nó như một cuốn nhật ký về cuộc đời ông, trải dài từ những năm đầu tham gia kháng chiến, cái đận vướng vào nhân văn giai phẩm và cả suy tư trăn trở những năm sau này. Hãng phim Phương Nam đã làm "bà đỡ" cho cái kho tư liệu quí này, hợp đồng bản quyền đã được ký trong 20 năm.

Tôi gặp ông khi Hà Nội đang là giữa đông, những đám mây xám xịt trải rộng mênh mông khiến bầu trời như thấp hơn. Thỉnh thoảng những cơn gió bấc lại lồng lên khiến trời lạnh thấu da. Bữa rồi, trong cuộc ngồi nghe quan họ tại Hà Nội, bỗng ai đó nhắc mấy câu thơ của Hoàng Cầm khiến tôi chợt nhớ tới ông -  người đàn ông tài hoa mà đa đoan. Có lẽ cái tạng của ông là vậy, tình tứ, lãng mạn, tha thiết nhưng thiếu quyết liệt. Người ta bảo: người như thế là khổ và dường như điều ấy cũng vận vào cuộc đời ông..

Không biết ai đọc Về Kinh Bắc, Bên kia sông Đuống, ngay cả Lá diêu bông cảm nhận về tính trữ tình sâu lắng trong thơ Hoàng Cầm thế nào, nhưng ở tập lục bát Gọi đôi thì sao mà buồn và tha thiết đến vậy. Đó là những giọt tình đa cảm của chàng thi sĩ thuở đào hoa, yêu vô cùng mà rồi cũng chẳng đến được tận cùng. Chị đây có phải em chăng/Em đâu có thật em rằng chị không/Xiết tay kết một vô cùng/Lơi tay lại vẫn đôi dòng lửng lơ... Những năm sau này, dằng dặc trong cảnh đơn thân, ông luôn có cảm giác nuối tiếc thời trai trẻ. Cũng phải thôi, tài năng là thế, đào hoa là thế mà hành trình cuộc đời ông chẳng mấy gặp may, cả sự  nghiệp lẫn tình riêng. Kiều Loan ông viết lúc mới tuổi 20 mà phải 65 năm sau vở kịch mới chính thức được lên sàn diễn. Ngày công diễn vở, ông vui lắm, bàn tay gầy guộc nắm chặt tay tôi, ông bảo: Vở kịch thơ Kiều Loan cũng có số phận long đong như chính cuộc đời tôi.

Kiều Loan là một kỷ niệm buồn trong cuộc đời sáng tác của ông. Ngày ấy, Kiều Loan là hoa khôi xứ Bắc Giang đầy sức quyến rũ làm say đắm trái tim bao chàng trai, kể cả chàng thanh niên Hoàng Cầm. Nhưng nhan sắc ấy cũng lại là nguyên cớ khiến nàng đoản mệnh. Viên chỉ huy quân đội Nhật vì muốn giữ sự đoàn kết nội bộ đã sai người tiêm thuốc ngủ cho Kiều Loan khi cô bị ốm để dẹp yên sự thù hằn trong binh lính. Đau đớn, sững sờ, ông đã lấy tên cô để đặt tên cho tác phẩm đầu tiên của mình. Cô con gái của ông - kết quả của mối tình đẹp thời loạn lạc, ông cũng đặt tên Kiều Loan. Nhưng rồi mải theo kháng chiến, lãng tình riêng, người vợ ra đi đã mang theo cô con gái bé bỏng khiến ông trở thành người cô đơn.

Cách đây mấy ngày tôi gọi điện tới nhà định ghé thăm ông, nhưng người nhà bảo ông yếu lắm, chẳng còn tiếp chuyện được ai. Giờ đây, trong ngôi nhà 43 phố Lý Quốc Sư, ông sống cùng vợ chồng anh con trai. Ngôi nhà đó, ông đã sống bao nhiêu năm nay, đã để lại biết bao kỷ niệm chan chứa với bạn bè văn nghệ sĩ. Người này xưa ham mê bạn bè, mê hút thuốc và nổi tiếng đa tình. Có lúc tôi nghe ông bảo ông thèm khát sự yên tĩnh một mình trong căn nhà thân thuộc để hồi tưởng lại một thời quá khứ oanh liệt của mình. Bây giờ thì tất cả những cái "dung nhan" ấy đã theo thời gian lùi dần vào quá khứ. Thật buồn. Nghe nói ông chẳng mang bệnh trọng gì, chỉ là qui luật cuộc đời đang làm cạn kiệt dần tinh lực trong cơ thể con người. Vốn người cả nghĩ, đã có lúc ông muốn được sớm "về với Kiều Loan" để chấm dứt cuộc sống vô vị này.

Những ngày đầu năm Canh Dần này, thi sĩ Hoàng Cầm chẳng còn đủ sức hưng phấn cho những vần thơ mà vào những dịp này ông thường  mang ra "đãi" bạn bè. Nhưng đông đảo người yêu thơ Hoàng Cầm, đông đảo bạn bè vẫn nhớ và nhắc ông mỗi dịp tết đến xuân về thì đấy là niềm hạnh phúc tuyệt vời nhất mà một đời thơ như ông mấy ai được đón nhận.

Lê Công Bình


Ý kiến của bạn