Người mắc Hội chứng Sheehan cần lưu ý gì trong tập luyện?

16-02-2025 09:00 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Hội chứng Sheehan không thể điều trị khỏi hoàn toàn, tuy nhiên điều trị đúng cách, kết hợp với tập luyện, lối sống lành mạnh sẽ giúp người bệnh duy trì sức khỏe tổng thể và cải thiện chất lượng sống. Vậy người mắc Hội chứng Sheehan cần lưu ý gì trong tập luyện để không gây hại sức khỏe?

1. Vai trò của tập luyện đối với người mắc Hội chứng Sheehan

Hội chứng Sheehan hay suy tuyến yên sau sinh là một rối loạn hiếm gặp, xảy ra do thiếu máu nuôi dưỡng cục bộ sau sinh dẫn đến hoại tử tuyến yên.

Khi tuyến yên bị suy giảm chức năng, một loạt các tuyến nội tiết khác trong cơ thể cũng bị rối loạn, vì vậy biểu hiện lâm sàng của Hội chứng Sheehan khá đa dạng. Các triệu chứng phổ biến mà người bệnh gặp phải bao gồm: Không đủ sữa cho con bú, không có kinh nguyệt trở lại sau sinh, vú giảm kích thước, cơ quan sinh dục ngoài teo nhỏ, lãnh cảm trong quan hệ vợ chồng...

Tập luyện đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tổng thể, cải thiện chất lượng sống và hỗ trợ kiểm soát các biến chứng liên quan đến Hội chứng Sheehan, cụ thể:

- Duy trì khối cơ và sức mạnh: Thiếu hormone tăng trưởng và estrogen có thể làm giảm khối cơ, tập luyện giúp hạn chế tình trạng này.

- Bảo vệ xương: Giảm nguy cơ loãng xương do thiếu estrogen và tác dụng phụ của glucocorticoid.

- Hỗ trợ kiểm soát cân nặng: Giúp điều chỉnh sự trao đổi chất, tránh béo phì, rối loạn mỡ máu.

- Cải thiện sức khỏe tim mạch: Giảm nguy cơ tăng huyết áp, đái tháo đường do rối loạn hormone.

- Cải thiện tinh thần và mức năng lượng: Giúp giảm stress, lo âu, trầm cảm thường gặp ở người mắc Hội chứng Sheehan.

Người mắc Hội chứng Sheehan cần lưu ý gì trong tập luyện?- Ảnh 1.

Tập luyện đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tổng thể ở người mắc Hội chứng Sheehan (ảnh minh họa).

2. Người mắc Hội chứng Sheehan nên tập luyện như thế nào?

Tập luyện đúng cách có thể mang lại nhiều lợi ích cho người mắc Hội chứng Sheehan. Cần lựa chọn bài tập phù hợp với tình trạng cơ thể, tránh quá sức và đảm bảo an toàn trong quá trình tập luyện.

2.1. Các bài tập nhẹ nhàng, ít tác động

Những bài tập này giúp tăng cường sức khỏe tim mạch, duy trì thể lực mà không gây căng thẳng quá mức cho cơ thể.

- Đi bộ nhanh: Đi bộ với tốc độ vừa phải 30 phút/ngày, ít nhất 5 ngày/tuần giúp cải thiện tuần hoàn máu, hỗ trợ kiểm soát cân nặng; có thể chia nhỏ thành 3 lần, mỗi lần 10 phút nếu khó duy trì liên tục.

- Đạp xe nhẹ nhàng hoặc bơi lội: Đây là hai hình thức tập luyện có tác động thấp, giúp tăng cường tim mạch mà không tạo áp lực lên khớp, đặc biệt phù hợp với người có nguy cơ loãng xương.

- Yoga, thái cực quyền: Những bài tập này giúp cơ thể dẻo dai, cải thiện thăng bằng, giảm căng thẳng và hỗ trợ giấc ngủ; nên tập 2-3 buổi/tuần để tăng hiệu quả thư giãn.

2.2. Bài tập tăng cường sức mạnh

Tập luyện tăng cường sức mạnh sẽ giúp bảo vệ khối cơ, ngăn ngừa teo cơ do thiếu hụt hormone tăng trưởng và estrogen, đồng thời duy trì sức khỏe xương khớp.

- Tập tạ nhẹ, kháng lực: Sử dụng tạ nhẹ (1-3kg) hoặc dây kháng lực để tập các bài nâng tạ, kéo dây, đẩy tạ, giúp duy trì sức mạnh cơ bắp; nên tập 2-3 buổi/tuần, mỗi bài từ 10-15 lần lặp lại.

- Bài tập trọng lượng cơ thể:

+ Squat: Tăng cường sức mạnh chân, mông, cải thiện khả năng giữ thăng bằng.

+ Chống đẩy hoặc chống đẩy tường: Giúp duy trì sức mạnh cơ vai và tay.

+ Plank: Tăng cường cơ bụng, giảm nguy cơ đau lưng dưới.

+ Lunges (chùng chân): Cải thiện sự linh hoạt và sức mạnh cơ chân.

Người mắc Hội chứng Sheehan cần lưu ý gì trong tập luyện?- Ảnh 3.

Squat có thể giúp tăng cường sức mạnh chân, mông và cải thiện khả năng giữ thăng bằng ở người mắc Hội chứng Sheehan.

2.3. Bài tập giúp xương chắc khỏe

Người mắc Hội chứng Sheehan có nguy cơ loãng xương cao do thiếu hụt estrogen và tác động của glucocorticoid. Những bài tập dưới đây giúp kích thích tái tạo xương, giảm nguy cơ loãng xương và gãy xương.

- Nhảy dây nhẹ nhàng: Nếu không có vấn đề về xương khớp, nhảy dây 2-3 phút mỗi ngày giúp kích thích mật độ xương, cải thiện sức bền cơ thể.

- Tập sức bền: Sử dụng tạ nhẹ, tập squat, lunges giúp duy trì độ chắc khỏe của xương.

- Yoga hỗ trợ xương khớp: Các tư thế như tư thế chiến binh, tư thế cái cây... giúp cải thiện tư thế và giảm nguy cơ té ngã.

3. Một lưu ý khi tập luyện đối với người mắc Hội chứng Sheehan

Để đảm bảo an toàn trong quá trình tập luyện, người mắc Hội chứng Sheehan nên:

- Tham khảo ý kiến bác sĩ về hình thức tập luyện phù hợp, cường độ tập trước khi bắt đầu tập để không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

- Không tập quá nặng hoặc kéo dài, tránh gây căng thẳng quá mức cho cơ thể.

- Không tập luyện cường độ cao đột ngột mà nên bắt đầu từ các bài tập cường độ nhẹ đến vừa phải, sau đó có thể tăng dần cường độ khi cơ thể đã thích nghi với nhịp tập luyện.

- Tránh các bài tập có nguy cơ chấn thương cao (nếu bị loãng xương, dễ gãy xương).

- Bổ sung nước đầy đủ và chú ý dấu hiệu hạ huyết áp (mệt mỏi, chóng mặt) khi tập.

Mời bạn đọc xem thêm:

Hội chứng Sheehan và nguy cơ thiếu máu sau sinhHội chứng Sheehan và nguy cơ thiếu máu sau sinh

Đối với người phụ nữ, những nguy cơ của quá trình thai sản có thể hiện hữu ngay trước mắt như các tai biến sản khoa, bệnh lý tim mạch, gan mật... nhưng cũng có những thương tổn âm thầm xuất hiện rất lâu sau cuộc sinh nở với hậu quả hết sức nặng nề. Đó là hội chứng Sheehan, còn được gọi là suy tuyến yên sau đẻ.


BS. Nguyễn Thị Bích Ngọc
Ý kiến của bạn