Người mắc hội chứng Goodpasture nên tập luyện thế nào?

06-04-2025 11:00 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Với người mắc hội chứng Goodpasture, bên cạnh các phương pháp điều trị y khoa thì việc thực hiện các bài tập vận động phù hợp cũng là một phương pháp hỗ trợ trong quá trình hồi phục của bệnh nhân.

1. Tác dụng của các bài tập vận động với người mắc hội chứng Goodpasture

Hội chứng Goodpasture hay còn gọi là bệnh kháng thể kháng màng đáy cầu thận. Bệnh lý xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể bị nhầm lẫn, sinh ra kháng thể chống lại collagen trong màng đáy của cầu thận và phế nang phổi, dẫn đến những tổn thương nghiêm trọng ở thận và phổi.

Ở phổi, hội chứng Goodpasture có thể gây ra ho ra máu, khó thở, đau ngực. Ở thận, hội chứng này có các triệu chứng như tiểu ra máu, phù, tăng huyết áp, suy thận cấp.

Hội chứng Goodpasture nếu không được điều trị kịp thời có thể gây suy thận vĩnh viễn và tổn thương phổi nghiêm trọng.

Khi thực hiện các bài tập luyện sẽ giúp tăng cường dung tích phổi, hỗ trợ trao đổi oxy tốt hơn, giảm nguy cơ ứ đọng dịch ở phế nang, hạn chế tình trạng khó thở, giúp người mắc hội chứng Goodpasture kiểm soát nhịp thở tốt hơn, cải thiện chức năng phổi.

Các bài tập vận động còn góp phần cải thiện quá trình lọc máu tự nhiên, hỗ trợ hoạt động của thận. Ngoài ra các bài tập là cách hữu hiệu giúp người bệnh kiểm soát cân nặng, từ đó giảm áp lực cho thận. Vận động thể chất cũng được chứng minh là có khả năng giúp giảm viêm trong cơ thể, giúp hạn chế tiến triển của tổn thương thận.

Người mắc hội chứng Goodpasture thường phải dùng corticosteroid lâu dài, có nguy cơ cao bị loãng xương và teo cơ, các bài tập vận động giúp duy trì sức mạnh cơ bắp và mật độ xương, ngăn ngừa loãng xương.

Người mắc hội chứng Goodpasture có thể xuất hiện tình trạng tăng huyết áp do suy thận, tập vận động cũng là phương pháp giúp hỗ trợ hệ tim mạch, giảm nguy cơ tăng huyết áp và cải thiện tuần hoàn máu. Thực hiện vận động cũng là cách giúp người mắc hội chứng Goodpasture giảm căng thẳng, lo âu, giảm mệt mỏi, cải thiện tâm trạng.

đau ngực

Người mắc hội chứng Goodpasture có thể xuất hiện triệu chứng khó thở, đau ngực.

2. Một số bài tập vận động tốt cho người mắc hội chứng Goodpasture

2.1 Bài tập hít thở sâu

Tác dụng: Bài tập này giúp người mắc hội chứng Goodpasture mở rộng phế nang, tăng cường chức năng phổi, đồng thời cũng rất hiệu quả trong việc giảm căng thẳng, cải thiện tâm trạng.

Cách thực hiện:

  • Người bệnh ngồi thẳng lưng, đặt một tay lên bụng và một tay lên ngực hoặc đặt hai tay trên đầu gối (nếu đã thực hiện nhiều lần).
  • Hít sâu bằng mũi để bụng phình lên và giữ hơi thở trong khoảng 5 giây.
  • Sau đó thở ra từ từ bằng miệng, hơi siết cơ bụng; lặp lại bài tập 5-10 lần.

Có thể thay thế bài tập hít thở sâu bằng động tác hít vào kết hợp nâng tay và thở ra kết hợp hạ tay để tăng cường tác dụng điều hòa khí huyết.

hít thở sâu

Thực hiện hít thở sâu tăng cường chức năng phổi cho người mắc hội chứng Goodpasture.

2.2 Đi bộ nhẹ nhàng tốt cho người mắc hội chứng Goodpasture

Tác dụng: Đi bộ nhẹ nhàng giúp tăng cường tuần hoàn máu, cải thiện sức bền và giúp cơ thể dẻo dai hơn, cải thiện chức năng hệ tim mạch mà không gây tăng áp lực cho tim và thận.

Cách thực hiện: Đi bộ chậm đồng thời hít thở đều, có thể tăng dần tốc độ nhưng không được để nhịp tim tăng quá nhanh.

2.3 Đi xe đạp chậm

Tác dụng: Đi xe đạp chậm giúp tăng cường tuần hoàn máu, tăng sức bền cho người mắc hội chứng Goodpasture.

Cách thực hiện: Đi xe đạp chậm trên địa hình bằng phẳng hoặc dùng xe đạp tập tại chỗ, giữ tốc độ vừa phải, không để nhịp tim tăng quá cao.

2.4 Yoga nhẹ nhàng - tư thế em bé

Tác dụng: Đây là bài tập sẽ giúp người bệnh mắc hội chứng Goodpasture thư giãn, cải thiện tâm trạng, duy trì sự linh hoạt và cải thiện hơi thở.

Cách thực hiện:

  • Người bệnh quỳ gối trên thảm, hai gối mở rộng bằng hông, hai ngón chân cái chạm vào nhau, mông ngồi trên gót chân (nếu có thể).
  • Từ từ gập người về phía trước, cố gắng để trán chạm sàn, có thể vươn hai tay về phía trước hoặc đặt xuôi theo thân.
Nhắm mắt, hít thở sâu và cảm nhận sự thư giãn, giữ nguyên tư thế trong 30 giây rồi nhẹ nhàng nâng thân người và quay về tư thế ban đầu.
Người mắc hội chứng Goodpasture nên tập luyện thế nào?- Ảnh 3.

Cách thực hiện tư thế em bé.

2.5 Bài tập giãn cơ nhẹ

Tác dụng: Bài tập giãn cơ nhẹ rất tốt cho những người bệnh teo cơ do dùng thuốc ức chế miễn dịch lâu dài, giúp duy trì sức mạnh và độ linh hoạt của cơ bắp.

Cách thực hiện:

- Kéo giãn cổ: Người bệnh ngồi thẳng, nghiêng đầu sang trái-phải, giữ mỗi bên 10 giây.

- Kéo giãn lưng: Người bệnh đứng thẳng, cúi người nhẹ về phía trước, giữ tư thế trong 10 giây.

- Bài tập xoay khớp vai: Xoay vai theo chiều kim đồng hồ, sau đó ngược lại mỗi chiều khoảng 10 lần.

- Bài tập gập gối nhẹ: Người bệnh đứng thẳng, nâng một chân lên, gập gối về phía sau, giữ 10 giây cho mỗi bên.

gập gối

Cách thực hiện bài tập gập gối nhẹ nhàng cho người mắc hội chứng Goodpasture.

3. Một số lưu ý khi tập vận động đối với người mắc hội chứng Goodpasture

- Người bệnh mắc hội chứng Goodpasture không nên thực hiện các bài tập vận động trong giai đoạn cấp tính hoặc nặng, có các triệu chứng ho ra máu, suy hô hấp, suy thận nặng.

- Không nên tập luyện khi đang điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch liều cao, khi cơ thể cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, phù nề nặng do suy thận. Trong những trường hợp này nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu các chương trình tập luyện.

- Không bơi trong nước lạnh vì có thể gây co thắt đường thở; tránh các bài tập có cường độ cao như chạy bộ nhanh, tập tạ nặng vì có thể gây áp lực lớn lên phổi và thận. Người mắc hội chứng Goodpasture cũng không nên tập trong môi trường quá khắc nghiệt, những nơi quá lạnh hoặc quá nóng vì có thể làm tăng áp lực lên hệ hô hấp.

- Khởi động nhẹ nhàng trước khi tập và nghỉ ngơi đầy đủ sau khi tập, người bệnh cần uống đủ nước nhưng không nên uống quá nhiều một lúc tránh gây thêm áp lực cho thận.

- Người mắc hội chứng Goodpasture tốt nhất nên tập các bài tập vào sáng sớm khi không khí trong lành, ít ô nhiễm, đồng thời ánh sáng mặt trời cũng giúp cải thiện tâm trạng tốt hơn.

- Không nên tập vào giữa trưa vì nhiệt độ cao có thể khiến cơ thể mất nước và gây căng thẳng cho tim mạch. Không nên tập quá sớm (trước 5 giờ sáng) hoặc quá muộn (sau 19 giờ tối) vì có thể gây những tác động không tốt cho phổi, dễ gây co thắt cơ hô hấp.

- Không nên tập quá sức, tùy vào tình trạng sức khỏe mà người bệnh có thể tập luyện nhẹ nhàng từ 10-30 phút/ngày, có thể chia thành các bài tập nhỏ và tập vào nhiều thời điểm khác nhau trong ngày để tránh tập quá sức.

- Luôn theo dõi nhịp tim, huyết áp và nhịp thở, dừng ngay bài tập và báo cho bác sĩ nếu xuất hiện các triệu chứng hoa mắt, khó thở, đau ngực, tiểu ít.

Mời bạn xem tiếp video:

Cơn đau thắt ngực cảnh báo căn bệnh nguy hiểm | SKĐS



BS. Nguyễn Huy Hoàng
Ý kiến của bạn