Người mắc Hội chứng Felty nên tập luyện như thế nào?

14-01-2025 15:00 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Hội chứng Felty là một biến chứng hiếm gặp của viêm khớp dạng thấp. Tập luyện thể dục đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người bệnh cải thiện sức khỏe toàn diện, giảm các triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống.

1. Vai trò của tập luyện đối với người mắc Hội chứng Felty

Hội chứng Felty là một biến chứng hiếm gặp của viêm khớp dạng thấp, thường xảy ra ở những người mắc bệnh lâu dài và không được điều trị hiệu quả. Hội chứng này đặc trưng bởi sự kết hợp của ba yếu tố chính: Viêm khớp dạng thấp, giảm bạch cầu trung tính và lách to.

Nguyên nhân chính xác của Hội chứng Felty chưa được xác định, nhưng được cho là liên quan đến cơ chế tự miễn dịch. Ở những người mắc Hội chứng này, hệ miễn dịch không chỉ tấn công các khớp mà còn phá hủy tế bào bạch cầu trung tính, dẫn đến giảm khả năng chống nhiễm trùng.

Triệu chứng phổ biến bao gồm đau và sưng khớp, mệt mỏi, dễ nhiễm trùng (như nhiễm trùng da và phổi), đôi khi xuất hiện các vết loét trên da. Một số người cũng có thể gặp tình trạng da nhợt nhạt hoặc xuất hiện đốm máu do giảm tiểu cầu.

Người mắc Hội chứng Felty nên tập luyện như thế nào?- Ảnh 1.

Đau và sưng khớp là triệu chứng thường gặp ở người mắc Hội chứng Felty.

Việc chẩn đoán dựa trên tiền sử bệnh lý, xét nghiệm máu (để phát hiện giảm bạch cầu và các dấu hiệu viêm), cùng hình ảnh học để kiểm tra kích thước của lách. Điều trị tập trung vào kiểm soát viêm khớp dạng thấp và tăng số lượng bạch cầu, thường bằng cách sử dụng thuốc ức chế miễn dịch hoặc điều chỉnh sinh học.

Tập luyện thể dục đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người mắc Hội chứng Felty cải thiện sức khỏe toàn diện, giảm các triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trước hết, tập thể dục nhẹ nhàng giúp tăng cường sự linh hoạt và sức mạnh của các khớp, giảm nguy cơ cứng khớp và teo cơ do ít vận động. Bên cạnh đó, hoạt động thể chất thường xuyên cũng hỗ trợ cải thiện tuần hoàn máu, từ đó có thể giúp giảm tình trạng lách to và cải thiện khả năng miễn dịch tổng thể.

Đối với những người mắc Hội chứng Felty, nguy cơ nhiễm trùng tăng cao do giảm bạch cầu trung tính. Tuy nhiên, tập thể dục ở mức độ vừa phải có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên, hỗ trợ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh tốt hơn.

Ngoài ra, tập luyện còn có tác dụng cải thiện tâm trạng, giảm căng thẳng và mệt mỏi. Một kế hoạch tập luyện cân đối, an toàn sẽ giúp người bệnh mắc Hội chứng Felty duy trì sức khỏe và nâng cao khả năng kiểm soát bệnh.

2. Các bài tập tốt cho người mắc Hội chứng Felty

Người mắc Hội chứng Felty nên tập luyện như thế nào?- Ảnh 2.

Bài tập đá chân trước sau duy trì sự linh hoạt của khớp ở người mắc Hội chứng Felty (ảnh minh họa).

2.1. Bài tập đá chân trước - sau

- Cách thực hiện:

+ Đứng thẳng, tay bám vào tường, ghế hoặc một điểm tựa để giữ thăng bằng.

+ Hai chân thẳng, cơ thể thả lỏng.

+ Đưa một chân về phía trước trong phạm vi thoải mái, sau đó đá nhẹ nhàng ra phía sau.

+ Chuyển động phải chậm rãi và có kiểm soát, không dùng lực để đá quá mạnh.

+ Lặp lại động tác từ 10-15 lần rồi đổi bên và lặp lại tương tự.

+ Trong suốt quá trình, giữ nhịp thở đều và cố gắng duy trì tư thế thẳng.

- Tác dụng: Bài tập đá chân trước sau giúp duy trì sự linh hoạt của khớp là yếu tố quan trọng để giảm cảm giác cứng khớp, thường gặp ở người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Chuyển động của chân ra trước và sau giúp tăng biên độ vận động ở khớp hông, đầu gối và mắt cá. Đồng thời động tác đá chân giúp kích hoạt các nhóm cơ chính như cơ đùi, cơ mông và cơ hông. Điều này hỗ trợ duy trì hoặc cải thiện sức mạnh cơ bắp ở những người ít vận động do bệnh lý.

Người mắc Hội chứng Felty nên tập luyện như thế nào?- Ảnh 3.

Bài tập xoay cổ tay ngăn ngừa tình trạng co rút khớp.

2.2. Bài tập xoay cổ tay

- Cách thực hiện:

+ Ngồi thoải mái trên ghế hoặc đứng thẳng, giữ lưng thẳng.

+ Hai tay thả lỏng hoặc đưa ra trước mặt sao cho khuỷu tay hơi cong tự nhiên.

+ Đưa hai tay ra trước, giữ lòng bàn tay hơi khum nhẹ.

+ Xoay cổ tay theo chiều kim đồng hồ, thực hiện từ từ và cảm nhận chuyển động ở khớp cổ tay.

+ Lặp lại động tác xoay 10-15 lần.

+ Đổi hướng, xoay cổ tay ngược chiều kim đồng hồ 10-15 lần.

- Tác dụng: Hội chứng Felty thường gây viêm và cứng khớp, đặc biệt ở các khớp nhỏ như cổ tay và cổ chân. Việc xoay khớp nhẹ nhàng giúp tăng biên độ vận động, ngăn ngừa tình trạng co rút khớp và giữ cho các khớp luôn linh hoạt.

Người mắc Hội chứng Felty nên tập luyện như thế nào?- Ảnh 4.

Bài tập xoay cổ chân kích thích lưu thông máu đến vùng chi dưới.

2.3. Bài tập xoay cổ chân

- Cách thực hiện:

+ Ngồi trên ghế hoặc nằm thoải mái, giữ lưng thẳng.

+ Một chân đặt thẳng trên sàn, chân còn lại nhấc lên cách mặt sàn khoảng 5-10 cm.

+ Duỗi thẳng chân nâng lên, giữ cổ chân thư giãn.

+ Xoay cổ chân theo chiều kim đồng hồ từ từ, cảm nhận chuyển động ở khớp cổ chân.

+ Lặp lại động tác xoay 10-15 lần.

+ Đổi hướng, xoay cổ chân ngược chiều kim đồng hồ 10-15 lần.

+ Chuyển sang chân còn lại và lặp lại tương tự.

- Tác dụng: Chuyển động xoay của cổ chân giúp kích thích lưu thông máu đến các vùng chi dưới. Điều này hỗ trợ cải thiện sức khỏe khớp, giảm nguy cơ phù nề và tăng cường trao đổi chất trong mô. Đồng thời, bài tập xoay khớp có thể làm giảm tình trạng đau nhức thường gặp do viêm khớp. Chuyển động nhẹ nhàng giúp giảm căng thẳng và giảm viêm ở các khớp nhỏ, mang lại cảm giác dễ chịu hơn cho người bệnh.

Người mắc Hội chứng Felty nên tập luyện như thế nào?- Ảnh 5.

Bài tập nâng chân bên hông kích hoạt các nhóm cơ quan trọng (ảnh minh họa).

2.4. Bài tập nâng chân bên hông

- Cách thực hiện:

+ Nằm nghiêng bên phải trên thảm tập, đặt một chiếc khăn nhỏ hoặc tay phải của bạn dưới đầu để hỗ trợ đầu và cổ.

+ Đặt tay trái ở phía bên hông trái hoặc trước thắt lưng để ổn định phần trên cơ thể. Hai chân mở rộng hoàn toàn và xếp chồng lên nhau mà không khóa đầu gối, cơ thể tạo thành một đường thẳng.

+ Bắt đầu chuyển động lên bằng cách nâng chân trái lên cách chân phải 20-30 cm, giữ tư thế 3-5 giây.

+ Từ từ hạ chân trở lại vị trí ban đầu và đổi chân

- Tác dụng: Bài tập kích hoạt các nhóm cơ quan trọng ở hông và đùi như cơ mông lớn, cơ đùi ngoài. Khi các cơ này khỏe hơn, chúng sẽ đóng vai trò hỗ trợ, phân tán lực tác động lên các khớp như khớp hông, khớp gối, mắt cá chân. Điều này giúp giảm tải trực tiếp lên các khớp vốn đã bị viêm hoặc tổn thương.

3. Những lưu ý khi tập luyện

- Đối với người bệnh mắc Hội chứng Felty, cần bắt đầu với các bài tập nhẹ nhàng và tăng dần cường độ khi cơ thể quen dần với các chuyển động. Tránh bắt đầu với những bài tập mạnh ngay lập tức.

- Không thực hiện các động tác gây áp lực mạnh quá mức lên các khớp.

- Tập luyện đúng kỹ thuật và kiểm soát động tác giúp giảm thiểu rủi ro chấn thương và nâng cao hiệu quả. Hãy luôn nhớ thở sâu và đều trong suốt buổi tập.

- Các bài tập thể dục tốt nhất nên thực hiện vào buổi sáng sau khi thức dậy hoặc buổi chiều. Đây là thời gian cơ thể đã sẵn sàng và linh hoạt hơn, giúp giảm nguy cơ chấn thương và tăng hiệu quả tập luyện.

- Khi cơ thể đang bị bệnh, đặc biệt là khi có các triệu chứng như sốt, cảm cúm, mệt mỏi, hoặc bất kỳ tình trạng nhiễm trùng nào thì không nên tập luyện. Tập luyện trong thời gian này có thể làm cơ thể bị suy yếu, làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh.

- Lựa chọn sàn tập không trơn trượt, không gian rộng rãi để tránh té ngã.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Người bệnh viêm khớp dạng thấp nên tránh ăn gì? | SKĐS


BSNT. Phan Bích Hằng
Trường Đại học Y Hà Nội
Ý kiến của bạn