Hội chứng Fanconi là tình trạng bệnh lý bao gồm nhiều khiếm khuyết về tái hấp thu ở ống lượn gần của thận, gây ra các tình trạng glucose niệu, protein niệu, tiểu phosphat, hạ phosphat máu, hạ acid uric máu…
Trên lâm sàng, Hội chứng Fanconi thường xuất hiện các triệu chứng như chậm lớn, chậm phát triển ở trẻ em, hay mệt mỏi, đau xương ở người lớn...
1. Vai trò của các bài tập vận động với người mắc Hội chứng Fanconi
Người mắc Hội chứng Fanconi thường có tình trạng tiểu phosphat và hạ phosphat máu từ đó dẫn đến loãng xương, thậm chí là biến dạng xương. Các bài tập vận động đặc biệt là các bài tập chịu trọng lượng như đi bộ, một số động tác yoga giúp tái tạo mô xương, làm tăng mật độ xương, giảm nguy cơ gãy xương cho người bệnh.
Tình trạng mất kali, natri và các chất điện giải qua nước tiểu ở Hội chứng Fanconi có thể dẫn đến các rối loạn ở cơ bắp và hệ thống tuần hoàn. Các bài tập nhẹ nhàng là phương pháp rất hiệu quả để kích thích tuần hoàn máu, giúp giảm tình trạng chuột rút hoặc mệt mỏi do mất điện giải.
Các bài tập giúp cải thiện lưu lượng máu đến thận, hỗ trợ hoạt động lọc máu, tăng cường miễn dịch, cải thiện lưu thông hệ bạch huyết, từ đó giúp nâng cao sức khỏe của người bệnh mắc Hội chứng Fanconi.
Ngoài ra, các bài tập như bài tập thở sâu, yoga, thái cực quyền cũng là cách giúp thư giãn tinh thần, giảm căng thẳng, cải thiện tâm trạng hỗ trợ người bệnh có chất lượng cuộc sống tốt hơn và thích nghi tốt hơn với quá trình điều trị.
2. Một số bài tập cho người mắc Hội chứng Fanconi
2.1 Bài tập đi bộ chậm
Người bệnh có thể đi bộ chậm và đều trên địa hình bằng phẳng, trong 15-20 phút mỗi ngày. Bài tập đi bộ chậm này sẽ giúp người mắc Hội chứng Fanconi cải thiện tuần hoàn máu, tăng cường sức khỏe tim mạch mà lại không gây mệt mỏi hay mất quá nhiều năng lượng.
2.2 Các bài tập yoga và thái cực quyền
Yoga và thái cực quyền là các phương pháp lâu đời được nhiều nghiên cứu chứng minh là có tác dụng cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần, hỗ trợ điều trị nhiều tình trạng bệnh, trong đó có Hội chứng Fanconi.
Người bệnh có thể tập các động tác thái cực quyền nhẹ nhàng, hoặc thực hiện một số tư thế yoga như tư thế trái núi, tư thế em bé… Trong khi tập luyện có thể kết hợp thả lỏng tâm trí, tập trung vào hơi thở và sự cân bằng.
Đối với Hội chứng Fanconi, các động tác yoga và thái cực quyền một mặt giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp, một mặt giúp giảm căng thẳng, hỗ trợ điều hòa cơ thể.
Tư thế trái núi trong các bài tập yoga giúp người mắc Hội chứng Fanconi tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần (ảnh minh họa).
2.3 Bài tập hít thở sâu
Người bệnh nằm hoặc ngồi thoải mái, hít vào từ từ và sâu, sao cho có cảm giác bụng dưới căng phồng, giữ hơi thở trong một vài giây rồi thở ra từ từ, cảm nhận cơ thể thả lỏng và ấm lên. Có thể thực hiện bài tập thở sâu trong 5-10 phút.
Bài tập này sẽ giúp cơ thể thư giãn, có lợi cho cả thể chất và tinh thần của người bệnh, hỗ trợ rất tốt trong quá trình điều trị và hồi phục của bệnh nhân.
2.4 Các bài tập kéo giãn cơ
Các bài tập này có tác dụng cải thiện lưu thông máu, tăng cường sự linh hoạt cho cơ bắp, đồng thời cũng là phương pháp hiệu quả để giảm căng thẳng.
Thực hiện các động tác kéo giãn nhẹ nhàng cho từng nhóm cơ trên toàn bộ cơ thể như vai, tay, chân, lưng, cổ… Khi kéo giãn mỗi động tác nên giữ tư thế trong khoảng 10-15 giây, rồi từ từ trở về tư thế ban đầu.
3. Một số lưu ý khi tập vận động đối với người mắc Hội chứng Fanconi
Người mắc Hội chứng Fanconi nên tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị trước khi quyết định tham gia các bài tập. Chỉ nên tham gia khi tình trạng sức khỏe đã đủ đảm bảo cho quá trình luyện tập.
- Các bài tập cũng cần điều chỉnh để phù hợp với tình trạng sức khỏe của người bệnh ở mỗi giai đoạn.
- Không nên tập quá sức, chỉ nên duy trì các bài tập ở mức độ nhẹ đến trung bình. Các bài tập quá sức có thể gây mệt mỏi, mất sức, từ đó làm tình trạng bệnh trở nên nặng hơn.
- Kết hợp việc luyện tập với chế độ dinh dưỡng hợp lý theo lời khuyên của các chuyên gia y tế, cần bổ sung các chất bị mất qua đường tiểu như kali, phosphat… Đồng thời cũng cần duy trì uống đủ nước, bù lại lượng chất lỏng và điện giải đã mất qua mồ hôi trong quá trình luyện tập.
- Nếu có các triệu chứng bất thường như mệt mỏi, chóng mặt, đau nhức cơ nên dừng tập và nghỉ ngơi ngay. Tình trạng nặng hơn người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được chăm sóc kịp thời.
Mời bạn xem tiếp video:
Suy thận cấp do uống thuốc kháng sinh không theo liều lượng được khuyến cáo | SKĐS