1. Vai trò của tập luyện đúng cách đối với Hội chứng Eisenmenger
Hội chứng Eisenmenger là biến chứng của một hoặc nhiều khuyết tật tim bẩm sinh không được điều trị. Các triệu chứng của Hội chứng Eisenmenger thường xuất hiện ở tuổi dậy thì hoặc đầu độ tuổi trưởng thành, sau đó trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian.
Những triệu chứng này có thể bao gồm đau thắt ngực, tim đập nhanh, móng tay và móng chân phát triển to cong bất thường, do thiếu oxy trong máu kéo dài; ho ra máu, khó thở, mệt mỏi, chóng mặt, ngất xỉu... Do đó, người mắc Hội chứng Eisenmenger cần lựa chọn các bài tập phù hợp và tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.
Việc tập luyện đúng cách có thể mang lại nhiều lợi ích như:
- Cải thiện tuần hoàn máu: Các bài tập nhẹ giúp tăng cường lưu thông máu, giảm nguy cơ ứ trệ tuần hoàn.
- Duy trì thể lực: Vận động hợp lý giúp người bệnh duy trì sức bền, giảm mệt mỏi và cải thiện chất lượng cuộc sống.
- Hỗ trợ chức năng hô hấp: Một số bài tập có thể giúp cải thiện khả năng hô hấp, tăng hiệu suất sử dụng oxy.
- Giảm căng thẳng, lo âu: Tập luyện giúp cơ thể tiết ra endorphin, giúp cải thiện tâm trạng và giảm stress.

Các triệu chứng của hội chứng Eisenmenger thường xuất hiện ở tuổi dậy thì hoặc đầu độ tuổi trưởng thành.
2. Một số bài tập phù hợp với người mắc hội chứng Eisenmenger
Người mắc hội chứng Eisenmenger nên chọn các bài tập nhẹ nhàng, có cường độ thấp và không gây áp lực quá lớn lên tim.
Một số gợi ý bao gồm:
- Đi bộ nhẹ nhàng: Đây là bài tập đơn giản nhưng hiệu quả trong việc duy trì thể lực mà không gây quá tải lên tim.
- Yoga và các bài tập hít thở: Giúp cải thiện khả năng hô hấp, tăng độ linh hoạt của cơ thể và giảm căng thẳng.
- Đạp xe nhẹ: Nếu được thực hiện ở mức độ vừa phải, bài tập này có thể giúp tăng cường sức khỏe tim mạch mà không làm tăng áp lực lên hệ tuần hoàn.
- Bơi lội nhẹ nhàng: Nước giúp giảm áp lực lên cơ thể và hỗ trợ tuần hoàn máu tốt hơn.
Người bệnh cần tránh các bài tập đòi hỏi sức bền cao hoặc gắng sức như chạy bộ nhanh, nâng tạ nặng hoặc các môn thể thao đối kháng.

Đạp xe với mức độ vừa phải có thể giúp tăng cường sức khỏe tim mạch mà không làm tăng áp lực lên hệ tuần hoàn.
3. Lưu ý khi tập đảm bảo tập đúng cách và không gây hại sức khỏe
Để đảm bảo an toàn khi tập luyện, người mắc hội chứng Eisenmenger cần lưu ý:
- Tham khảo ý kiến bác sĩ: Trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập luyện nào, người bệnh nên được bác sĩ đánh giá và tư vấn.
- Tập luyện vừa sức: Chỉ nên thực hiện các bài tập nhẹ nhàng, tránh tập quá mức dẫn đến khó thở, chóng mặt hoặc mệt mỏi quá độ.
- Theo dõi triệu chứng trong quá trình tập: Nếu xuất hiện các dấu hiệu như đau ngực, khó thở dữ dội, chóng mặt hoặc tím tái nhiều hơn, cần ngừng tập ngay lập tức và tìm kiếm sự hỗ trợ y tế.
- Không tập ở môi trường quá nóng hoặc quá lạnh: Nhiệt độ môi trường có thể ảnh hưởng đến tuần hoàn máu và tăng gánh nặng cho tim.
- Uống đủ nước: Đảm bảo cơ thể không bị mất nước để duy trì tuần hoàn ổn định.