Người mắc hội chứng Crouzon có thể tập luyện không?

27-04-2025 11:00 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Hội chứng Crouzon là một rối loạn di truyền hiếm gặp ảnh hưởng đến sự phát triển của xương sọ và mặt. Tập luyện đúng cách có thể mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần cho người mắc hội chứng này.

1. Tập luyện đúng cách mang lại lợi ích gì cho người mắc hội chứng Crouzon?

Hội chứng Crouzon còn được gọi là chứng loạn dưỡng xương sọ, là một bệnh lý di truyền hiếm gặp trong đó một số xương trong hộp sọ hợp lại quá sớm, cản trở sự phát triển bình thường của hộp sọ, ảnh hưởng đến hình dạng của đầu mặt, cùng với nguy cơ ảnh hưởng đến thị lực, thính lực, hô hấp và thần kinh trung ương.

Vận động phù hợp giúp người mắc hội chứng Crouzon cải thiện cả thể chất lẫn tinh thần:

- Cải thiện sức khỏe tim mạch và hô hấp: Những người mắc Crouzon có thể gặp vấn đề về đường thở do dị dạng cấu trúc sọ mặt. Tập luyện nhẹ nhàng và đều đặn, đặc biệt là các bài tập tăng cường chức năng hô hấp như đi bộ, yoga hô hấp, có thể giúp tăng dung tích phổi, cải thiện tuần hoàn máu và nâng cao chất lượng giấc ngủ.

- Tăng cường sức mạnh cơ bắp và sự linh hoạt: Do bất thường cấu trúc xương, một số người mắc hội chứng Crouzon có thể bị hạn chế về vận động hoặc yếu cơ. Các bài tập phục hồi chức năng, tăng sức mạnh cơ bản giúp duy trì khả năng vận động, giảm nguy cơ teo cơ và hỗ trợ sinh hoạt hàng ngày tốt hơn.

- Hỗ trợ phát triển cảm xúc và tâm lý: Tập luyện không chỉ là hoạt động thể chất mà còn là cơ hội để người bệnh giao tiếp, hòa nhập và nâng cao sự tự tin.

- Giúp kiểm soát cân nặng: Một số trường hợp do hạn chế vận động hoặc tác động từ thuốc điều trị có thể dẫn đến tăng cân. Vận động thường xuyên hỗ trợ duy trì cân nặng hợp lý, góp phần cải thiện sức khỏe tổng thể, giảm gánh nặng cho hệ xương khớp.

Người mắc hội chứng Crouzon có thể tập luyện không?- Ảnh 1.

Vận động phù hợp giúp người mắc hội chứng Crouzon cải thiện cả thể chất lẫn tinh thần.

2. Người mắc hội chứng Crouzon nên tập luyện những hình thức nào?

Không có một bài tập nào phù hợp với tất cả mọi người, một số hình thức vận động sau đây an toàn và hiệu quả với người mắc hội chứng Crouzon:

- Đi bộ nhẹ nhàng và bơi lội: Đây là những bài tập aerobic có cường độ thấp, ít gây áp lực lên các khớp và xương. Bơi lội đặc biệt hữu ích vì môi trường nước hỗ trợ giảm trọng lượng cơ thể, giúp vận động nhẹ nhàng và thoải mái hơn.

- Yoga và các bài tập thở: Những bài tập này giúp cải thiện chức năng hô hấp, thư giãn tinh thần, hỗ trợ điều chỉnh tư thế và tăng độ linh hoạt của cơ thể. Yoga cũng có thể được điều chỉnh để phù hợp với khả năng vận động hạn chế của từng người.

- Vật lý trị liệu hoặc các bài tập phục hồi chức năng: Dưới sự hướng dẫn của chuyên gia vật lý trị liệu, người mắc hội chứng Crouzon có thể thực hiện các bài tập đặc thù nhằm hỗ trợ cải thiện khả năng vận động, cân bằng và giảm nguy cơ chấn thương.

- Các hoạt động nhẹ nhàng trong sinh hoạt hàng ngày: Làm vườn, đạp xe chậm, chơi cùng thú cưng... cũng là cách khuyến khích vận động tự nhiên, phù hợp với những người không thể tập luyện chính quy.

Quan trọng nhất là các hình thức vận động phải được điều chỉnh cá nhân hóa. Tham khảo ý kiến từ bác sĩ và chuyên gia phục hồi chức năng trước khi bắt đầu đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Người mắc hội chứng Crouzon có thể tập luyện không?- Ảnh 3.

Đi bộ là bài tập aerobic có cường độ thấp, ít gây áp lực lên các khớp và xương.

3. Lưu ý khi tập đối với người mắc hội chứng Crouzon

Khi hướng dẫn tập luyện hoặc phục hồi chức năng cho nhóm bệnh nhân này, cần có những lưu ý đặc biệt để đảm bảo an toàn và hiệu quả:

- Tập ở nơi có môi trường an toàn, thoáng mát, tránh chấn thương đầu-mặt. Không tập luyện trong môi trường quá nóng, ẩm hoặc thiếu không khí.

- Không có một chương trình tập cố định cho tất cả mọi người, cần cá thể hóa theo từng trường hợp, điều chỉnh cường độ, thời lượng tập luyện theo chỉ định của bác sĩ.

- Tránh các hoạt động làm tăng áp lực nội sọ đột ngột như gập đầu sâu, nín thở, nâng tạ nặng hoặc các vận động gắng sức quá mức. Nên ưu tiên các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, yoga phục hồi, vận động trong nước; các bài tập thăng bằng, phối hợp vận động, các bài tập có thể hỗ trợ cải thiện hô hấp như giãn cơ ngực, luyện thở bụng.

- Ngưng tập ngay khi có biểu hiện đau đầu, đau cổ gáy, chóng mặt, khó thở, thay đổi thị lực, mệt mỏi bất thường, thay đổi hành vi ở trẻ…

- Những bệnh nhân có thiếu hụt thị giác hoặc thính lực, cần điều chỉnh bài tập để đảm bảo an toàn.

- Biến dạng sọ mặt có thể ảnh hưởng tư thế đầu cổ, nên cần hướng dẫn điều chỉnh tư thế đúng. Tránh các động tác xoay, ngửa cổ quá mức. Hỗ trợ bằng gối cổ hoặc dụng cụ tập phù hợp khi cần thiết.

Mời bạn đọc xem thêm:

Hội chứng Crouzon: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnhHội chứng Crouzon: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Hội chứng Crouzon là một tình trạng bệnh lý di truyền, trong đó có sự hợp nhất sớm một số xương của hộp sọ. Hội chứng Crouzon xảy ra ở 1 trên 61.000 trẻ sơ sinh. Đây là một trong những nguyên nhân liền khớp sọ sớm thường gặp nhất.

Chế độ ăn tham khảo cho người mắc hội chứng CrouzonChế độ ăn tham khảo cho người mắc hội chứng Crouzon

SKĐS - Không có chế độ ăn đặc biệt nào được khuyến nghị cụ thể cho người mắc hội chứng Crouzon. Chế độ ăn uống cân bằng, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa, được điều chỉnh phù hợp với khả năng ăn uống và nhu cầu mỗi người là rất quan trọng đối với người mắc hội chứng Crouzon.


TS. BS. Phạm Quang Thuận
Ý kiến của bạn