Củ gừng được biết đến với hương vị cay nồng và mùi thơm ấm áp. Ngoài mang lại hương vị thơm ngon cho món ăn, củ gừng còn được sử dụng cho mục đích y học ở nhiều nền văn hóa trên thế giới.
Ngày nay, củ gừng vẫn là một phương thuốc gia truyền để chữa chứng đầy bụng, khó tiêu… thường được dùng dưới dạng trà gừng, cũng như chữa nhiều tình trạng sức khỏe khác. Một số nghiên cứu cho thấy loại thảo mộc này có thể giúp ổn định lượng đường trong máu.
Lợi ích tiềm năng của củ gừng với bệnh đái tháo đường type 2
Củ gừng giàu chất chống viêm và chống oxy hóa, có nhiều lợi ích sức khỏe tiềm tàng đối với một số tình trạng bệnh, bao gồm một số loại ung thư. Những lợi ích của loại thảo mộc này còn được sử dụng để giảm buồn nôn, nôn hoặc đau dạ dày. Một số bằng chứng cho thấy, gừng còn làm giảm các triệu chứng đau bụng kinh, ốm nghén ở phụ nữ mang thai, thậm chí làm giảm đau viêm khớp, theo chuyên gia dinh dưỡng Rahaf Al Bochi, người phát ngôn của Viện Dinh dưỡng và Chế độ ăn kiêng Baltimore (Hoa Kỳ) cho biết.
Một bài đáng giá có hệ thống và phân tích tổng hợp được công bố vào năm 2021 trên pmc.ncbi cho biết, tác dụng chống viêm của củ gừng được phát hiện có hiệu quả tương đương với thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen, aspirin, trong việc giảm mức độ nghiêm trọng của cơn đau bụng kinh.
Đối với bệnh đái tháo đường type 2, chuyên gia dinh dưỡng Rahaf Al Bochi cho biết, giá trị của gừng vẫn chưa rõ ràng do nghiên cứu còn hạn chế, nhưng kết quả thu được cho đến nay có thể cho thấy triển vọng để đưa loại thảo mộc này vào kế hoạch điều trị bệnh đái tháo đường.
Một bài đánh giá trên Sciencedirect cho biết, việc bổ sung gừng có thể giúp giảm mức A1C và mức glucose huyết thanh lúc đói, ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2. A1C là xét nghiệm phổ biến để đo mức đường huyết trung bình trong khoảng thời gian từ hai đến ba tháng.
Các nghiên cứu khác dường như ủng hộ lợi ích có thể có của gừng trong chế độ ăn kiêng tiểu đường. Ví dụ, một nghiên cứu đăng trên Degruyter.com cho thấy, bột gừng giúp cải thiện khả năng kiểm soát đường huyết ở người lớn Iran, mắc bệnh tiểu đường loại 2, không dùng insulin sau ba tháng bổ sung, so với nhóm dùng giả dược. Nghiên cứu này ngắn, chỉ kéo dài ba tháng, nhưng là nghiên cứu mù đôi, ngẫu nhiên và có đối chứng. Điều này cho thấy tác dụng nhân quả tiềm tàng giữa gừng và khả năng kiểm soát lượng đường trong máu.
Nghiên cứu đăng trên pmc.ncbi.nlm.nih.gov đã làm sáng tỏ cơ chế kiểm soát lượng đường trong máu tiềm năng của gừng. Sau khi phân tích các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và lâm sàng, các tác giả kết luận rằng, gừng ức chế các enzyme ảnh hưởng đến cách chuyển hóa carbohydrate và độ nhạy insulin nói chung, do đó dẫn đến sự hấp thụ glucose nhiều hơn ở cơ. Các nhà nghiên cứu đã bổ sung trong bài đánh giá của họ rằng, gừng cũng có khả năng giúp giảm nguy cơ biến chứng tiểu đường, do có tác dụng hạ lipid.
Một số nguy cơ của gừng có thể xảy ra với người tiểu đường
Trong khi gừng nguyên củ và bột gừng có vẻ an toàn cho người đái tháo đường, chuyên gia dinh dưỡng Bochi khuyến cáo, bất kỳ ai mắc bệnh này nên trao đổi với bác sĩ hoặc bác sĩ nội tiết trước khi bổ sung thêm gừng vào chế độ ăn uống của mình. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người đang dùng thuốc điều trị tiểu đường.
Chuyên gia dinh dưỡng này cho biết: "Chúng tôi biết rằng gừng có thể ảnh hưởng đến mức insulin, vì vậy nó có thể tương tác với một số loại thuốc điều trị tiểu đường mà người bệnh đang dùng. Đối với người đang dùng thuốc bổ sung gừng và/hoặc đang dùng thuốc điều trị tiểu đường, có thể gây ra tình trạng hạ đường huyết’’.
Nguy cơ tương tác thuốc tăng lên đối với những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 cũng đang dùng thuốc điều trị các bệnh khác. Gừng không chỉ có khả năng tương tác thuốc với thuốc điều trị tiểu đường mà còn có tương tác với thuốc chống đông máu, thuốc điều trị huyết áp...
Cách an toàn kết hợp gừng vào chế độ ăn uống cho người tiểu đường
Người đái tháo đường vẫn có thể kết hợp gừng trong chế độ ăn uống, để tăng thêm hương vị cho nhiều món ăn, đồ uống một cách an toàn và chắc chắn là lựa chọn tốt hơn so với các chất phụ gia như muối (có thể làm tăng nguy cơ huyết áp cao khi sử dụng quá mức). Những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ tử vong do bệnh tim gấp đôi so với những người không mắc bệnh này. Huyết áp cao, hay tăng huyết áp, là một yếu tố nguy cơ gây bệnh tim.
Cách thêm gừng vào chế độ ăn uống ở người đái tháo đường như: Thưởng thức gừng nguyên chất dưới dạng trà gừng, cũng như trong nước xốt ướp và món xào. Gừng nguyên chất và bột gừng an toàn rất nhiều so với các chất bổ sung gừng và chiết xuất gừng (loại cô đặc hơn).
Trong khi các nghiên cứu vẫn đang được tiếp tục để trong tương lai có thể đưa ra những phát hiện thuyết phục hơn, về mối quan hệ giữa bệnh tiểu đường loại 2 và gừng, chuyên gia dinh dưỡng Bochi khuyến cáo, tốt nhất những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 nên dùng gừng để chế biến thức ăn thay vì dùng thực phẩm bổ sung (hoặc chiết xuất gừng), sẽ an toàn hơn cho sức khỏe.
Nếu bạn đang cân nhắc sử dụng thực phẩm bổ sung gừng, hãy trao đổi với bác sĩ hoặc bác sĩ nội tiết trước, để tránh tình trạng hạ đường huyết do tương tác bất lợi giữa gừng và thuốc điều trị.