Hà Nội

Người mắc đái tháo đường biến chứng thận, dùng thuốc như thế nào?

24-08-2021 14:06 | An toàn dùng thuốc

SKĐS- Biến chứng thận được coi là nguy hiểm nhất trong bệnh lý đái tháo đường (ĐTĐ). Trước đây, việc dùng thuốc điều trị ĐTĐ ảnh hưởng đến thận và thuốc điều trị suy thận cũng tác động xấu đến bệnh ĐTĐ... tạo ra một vòng luẩn quẩn trong điều trị.

PGS.TS.BS.Tạ Văn Bình
Hạn chế biến chứng đái tháo đường, cần làm gì?Hạn chế biến chứng đái tháo đường, cần làm gì?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cứ 30 giây trên thế giới lại có một người phải cắt cụt do biến chứng bàn chân trong bệnh lý đái tháo đường (ĐTĐ). Đây chỉ là một trong những biến chứng do bệnh ĐTĐ gây nên.

PGS.TS.Tạ Văn Bình - nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, hiện nay với sự ra đời của các thuốc và liệu pháp điều trị mới có thể khắc phục được các bất cập trên.

Đái tháo đường - nguyên nhân gây ra bệnh thận

PGS.TS.Tạ Văn Bình cho biết: Theo thời gian, lượng đường cao trong máu đã làm hỏng hàng triệu đơn vị lọc nhỏ trong mỗi quả thận - điều này cuối cùng dẫn đến suy thận. Khoảng 20 đến 30% những người mắc bệnh ĐTĐ được phát hiện có bệnh thận do ĐTĐ, mặc dù không phải tất cả những người bệnh này đều sẽ tiến triển thành suy thận

Bệnh đái tháo đường suy thận, điều trị đúng để tránh tai hại - Ảnh 2.

Người bệnh đái tháo đường cần theo dõi đường huyết mỗi ngày.

Nhiệm vụ chính của thận là loại bỏ chất độc ra khỏi máu và đưa lượng máu đã được làm sạch trở lại cơ thể. Suy thận có nghĩa là thận không còn khả năng loại bỏ chất thải và duy trì mức chất lỏng và muối mà cơ thể cần.

Đối với những người mắc bệnh ĐTĐ, các vấn đề về thận thường được bác sĩ phát hiện khi họ đi khám bệnh. Đôi khi, một người mắc bệnh ĐTĐ type 2 đã có tổn thương thận mà không biết.

PGS.TS.Tạ Văn Bình cho biết, thực tế khi lượng đường trong máu cao không được kiểm soát sẽ từ từ làm hỏng hai quả thận của họ. Quá trình này diễn ra một cách âm thầm, nhưng tịnh tiến, không ngừng nghỉ một giây, một phút nào.

Lúc đầu, dấu hiệu duy nhất là xuất hiện microalbumin trong nước tiểu, rồi dần dần là có protein cao trong nước tiểu, nhưng cả quá trình kéo dài nhiều năm, thậm chí hàng chục năm này không có triệu chứng lâm sàng. Khi tổn thương đủ nghiêm trọng để gây ra các triệu chứng thì đã quá muộn.

PGS.TS.Tạ Văn Bình cũng cho biết: Trong thực tế, nhiều bệnh nhân khi lần đầu đến phòng khám, đã có tăng huyết áp; xét nghiệm không chỉ có protein niệu (giai đoạn nặng) mà đã có ure máu, creatinin máu cao - thậm chí đã có suy thận giai đoạn nặng.

Nhiều tiến bộ trong điều trị đái tháo đường

PGS. Tạ văn Bình chia sẻ: Trong vòng 20 năm đầu thế kỷ 21, nhất là 10 năm trở lại đây, chúng ta đã có những tiến bộ vượt bậc trong cuộc chiến chống lại bệnh ĐTĐ; đó là tìm ra những nhóm thuốc mới. Có những nhóm thuốc đã và đang được chứng minh có thể sử dụng rộng rãi cho cả người mắc bệnh suy tim ứ huyết - dù không bị ĐTĐ hoặc được chỉ định ngay cả khi đã bị suy thận do ĐTĐ (khi mức lọc cầu thận đến 30mL/phút/1,73m2) - điều mà trước đây có mơ cũng không dám nghĩ đến.

Ngoài ra, có thể dự phòng suy thận bằng những việc đơn giản như thực hiện chế độ ăn, uống đúng, không hút thuốc; giữ ổn định lượng đường máu; ổn định số đo huyết áp... Thậm chí dùng nhóm thuốc ức chế men chuyển - đã được chứng minh có khả năng dự phòng suy thận…

Bệnh đái tháo đường suy thận, điều trị đúng để tránh tai hại - Ảnh 3.

Hình ảnh tổn thương thận do biến chứng của bệnh đái tháo đường.

Khi mức độ suy thận đã đến mức cuối người ta chỉ điều trị thuốc hạ đường máu bằng insulin và chế độ ăn uống đặc biệt. Các biện pháp điều trị suy thận phải tùy thuộc vào mức độ suy thận, từ điều trị nội khoa, đến lọc máu chu kỳ với nhiều mức độ khác nhau và cuối cùng là thay thận. Đây là giai đoạn cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa nội tiết - chuyển hóa - với chuyên khoa thận - chuyên khoa dinh dưỡng và ghép thận.

Muốn điều trị bệnh ổn định, không dùng thuốc bừa bãi

Điều trị ĐTĐ là điều trị cả đời và đôi khi là rất mệt mỏi. Bởi việc uống/tiêm thuốc cần tuân thủ chặt chẽ về liều lượng và thời gian. Đôi khi dù tuân thủ đúng nhưng bệnh vẫn có xu hướng tiến triển. Khá nhiều bệnh nhân bối rối trong việc sử dụng thuốc uống hay thuốc tiêm thì tốt.

PGS.Tạ Văn Bình cho biết, để điều trị có hiệu quả, ngoài việc phải tìm bác sĩ điều trị đúng, người bệnh còn phải biết tự học hỏi để hiểu về căn bệnh của mình. Học hỏi để biết mình cần phải ăn, uống, luyện tập thế nào. Khi đã có hiểu biết sẽ không là theo những lời khuyên không có căn cứ tràn ngập trên mạng và những "cam kết chữa khỏi bệnh đái tháo đường" nữa.

PGS.Bình chia sẻ thêm: Ngay trong giới y học hiện đại, đôi khi cũng có sự nhầm lẫn của bác sĩ, khuyên bệnh nhân "nên tiêm insulin sớm để tránh bị suy gan, thận". Vấn đề này nghe qua có vẻ hợp lý, song thực ra không phải như vậy.

Việc tìm ra insulin để điều trị bệnh ĐTĐ có thể coi là cột mốc quan trọng, có tính quyết định - là thành tựu vĩ đại của con người trong cuộc chiến với bệnh tật. Song đã là thuốc thì luôn có mặt lợi và mặt bất lợi, mà ta hay gọi là tác dụng không mong muốn.

Theo Hiệp hội ĐTĐ thế giới (IDF), để hạn chế tác dụng không mong muốn của thuốc viên - việc nên làm là phối hợp thuốc, chứ không phải là dùng insulin sẽ hạn chế được suy thận.

Một nghiên cứu của Hội thận học Hoa Kỳ tiến hành vào năm 2016 trên những người sử dụng insulin và những người sử dụng thuốc uống. Kết quả là nhóm có sử dụng insulin - có tỷ lệ suy thận cao hơn nhóm không sử dụng insulin từ 2-3 lần. Từ những nghiên cứu này người ta đưa ra khuyến cáo không nên lạm dụng insulin, mà chỉ nên dùng khi cần thiết.

Vì thế việc kết hợp nhiều nhóm thuốc điều trị ĐTĐ là phương pháp phổ biến trên thế giới hiện nay. Một nghiên cứu ở châu Âu cho thấy trung bình họ dùng tới hơn 10 loại thuốc viên cho người bệnh ĐTĐ nhưng vẫn không thấy thuốc gây ảnh hưởng có hại lên chức năng gan, thận.

PGS.Bình cũng nhấn mạnh: Không chỉ insulin mà không nên lạm dụng bất kỳ loại thuốc nào. Đối với bác sĩ lâm sàng, phải dựa vào giai đoạn bệnh, vào tình trạng người bệnh mà kê đơn thuốc.

Và, việc mong mỏi chữa khỏi bệnh ĐTĐ và biến chứng là điều mong ước của cả nhân loại. Nhưng với bệnh ĐTĐ lâm sàng cho tới nay chưa có thuốc nào chữa khỏi. Cũng như vậy với các biến chứng của ĐTĐ, người ta chỉ có thể làm chậm và làm giảm nhẹ mức độ của các biến chứng nếu được điều trị đúng và có kết quả tốt.

Bệnh ĐTĐ type 2 nếu được phát hiện sớm, ở giai đoạn mới chỉ có tăng insulin máu và tiền ĐTĐ thì có hy vọng tiên lượng bệnh sẽ được cải thiện. Đây cũng là lý do Hiệp hội đái tháo đường thế giới (IDF) khuyến cáo nhóm người có yếu tố nguy cơ cao nên tích cực sàng lọc và điều trị.

Để điều trị đúng, bệnh nhân cần đến đúng chuyên khoa nội tiết để được khám và tư vấn dùng thuốc. Tuyệt đối không nghe, thậm chí là bác sĩ không đúng chuyên khoa tư vấn điều trị mà khiến bệnh tình nặng hơn.

Mời độc giả xem thêm video đang được quan tâm:

Những lá thư thời COVID-19 - Số 4: Nghĩa đồng bào trong lá thư của Tổng giám đốc gửi Bố


Thu Hà
Ý kiến của bạn