Đối với nhu cầu dinh dưỡng của người bệnh mắc COVID - 19, cần bổ sung protein (chất đạm) để tăng cường sức khỏe. Lượng protein phù hợp trong chế độ ăn uống có thể giúp người bệnh COVID-19 bổ sung các chất dinh dưỡng bị mất trong cơ thể.
1. Vai trò của chất đạm đối với cơ thể
1.1 Cung cấp năng lượng cho cơ thể
Protein cấu thành nên enzyme, những enzyme này hoạt động như một chất xúc tác sinh học với nhiệm vụ chuyển hóa thức ăn thành năng lượng cho cơ thể.
1.2 Tái tạo mô và tế bào
Protein là thành phần chính cấu tạo nên các tế bào và mô mới cho cơ thể như móng tay, da, tóc. Protein giúp sửa chữa và xây dựng các mô của cơ thể, cho phép các phản ứng trao đổi chất diễn ra và điều phối các chức năng của cơ thể.
Để duy trì một cơ thể khỏe mạnh, tái tạo và phục hồi các tế bào và mô là vô cùng quan trọng.
1.3 Cải thiện sức khỏe cơ bắp
Protein đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các khối cơ trong cơ thể, chúng có mặt trong các mô cơ dưới dạng nhiều vi chất. Sự phát triển của cơ phụ thuộc vào sự đầy đủ của protein trong cơ thể.
1.4 Tăng cường hệ miễn dịch
Protein cho phép cơ thể sản xuất các kháng thể mà nó cần để chống lại sự xâm nhập của virus và vi khuẩn. Để đảm bảo rằng chúng ta có đủ lượng protein trong chế độ ăn uống, chúng ta có thể ăn thực phẩm giàu protein lành mạnh hơn như cá, thịt gia cầm, thịt nạc, thực phẩm làm từ đậu nành và các sản phẩm từ sữa ít béo.
1.5 Cân bằng hormone
Enzyme là protein xúc tác có vai trò quan trọng trong tất cả các quá trình sinh hóa và phản ứng của cơ thể. Ngoài ra, có các hormone khác như insulin, hormone tăng trưởng và glucagon cũng là một dạng protein đóng vai trò quan trọng trong các chức năng hoạt động của cơ thể.
1.6 Vận chuyển và lưu trữ các chất trong cơ thể
Protein có chức năng vận chuyển và lưu trữ các chất khác nhau trên màng tế bào. Điều quan trọng mà protein mang lại chính là sự lưu thông trơn tru của máu và nuôi dưỡng các tế bào.
1.7 Giúp người cao tuổi luôn khỏe mạnh
Một trong những hậu quả của quá trình lão hóa là cơ bắp dần yếu đi. Các trường hợp nghiêm trọng nhất được gọi là chứng suy giảm vận động liên quan đến tuổi tác, là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng yếu, gãy xương và giảm chất lượng cuộc sống ở người cao tuổi.
Ăn nhiều protein hơn là một trong những cách tốt nhất để giảm suy thoái cơ liên quan đến tuổi tác và ngăn ngừa chứng suy nhược cơ.
2. Cơ thể cần bao nhiêu protein mỗi ngày?
Protein được tạo ra từ các axit amin có vai trò giúp xây dựng và phát triển các mô của cơ thể bao gồm cơ bắp, gân, mạch máu, da, tóc và móng. Chất này cũng giúp tổng hợp và duy trì các enzyme và hormone. Đặc biệt, trong một vài nghiên cứu gần đây cho biết, protein có tác dụng hỗ trợ người giảm cân vì chúng sẽ tạo ra cảm giác no lâu khi nạp vào cơ thể.
Nếu không nạp đủ lượng protein từ chế độ ăn uống mỗi ngày thì sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe, khiến cho cơ thể mệt mỏi, giảm miễn dịch, tâm trạng không tốt…
Một người khỏe mạnh bình thường, không tăng cân và không thường xuyên tập thể dục, lượng protein lý tưởng là 0,8 - 1,3g/kg trọng lượng cơ thể, tương đương 56 - 91g/ngày cho nam giới và 46 - 75g/ngày cho nữ giới.
Lượng protein cho bệnh nhân COVID-19 có thể cao hơn. Người trưởng thành nên bổ sung lượng protein theo tỷ lệ 1/3 đạm động vật và 2/3 đạm thực vật. Tuổi càng cao thì ăn lượng protein từ động vật vừa phải. Với trẻ nhỏ, đạm động vật cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển, vì vậy lượng protein nên theo tỷ lệ là 2/3 đạm động vật và 1/3 đạm thực vật trong mỗi bữa ăn hàng ngày.
3. Người mắc COVID nên ăn nhiều protein hơn để tăng cường miễn dịch
Các nghiên cứu đã xác nhận rằng sự thiếu hụt protein có liên quan đến suy giảm chức năng hệ thống miễn dịch, chủ yếu là do tác động tiêu cực của nó lên cả số lượng các globulin miễn dịch chức năng và mô bạch huyết liên quan đến ruột (GALT). Ăn ít protein sẽ khiến cơ thể dễ bị virus tấn công.
Bên cạnh đó, việc mắc các bệnh mạn tính khác, làm hạn chế việc tiêu thụ một lượng thức ăn nhất định cũng có thể khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng. Để tránh điều đó, cần cung cấp dinh dưỡng hợp lý cho cơ thể trong thời gian mắc COVID-19.
Vì nó có liên quan trực tiếp đến khả năng miễn dịch, thiếu protein không chỉ có thể khiến một người dễ bị COVID-19 mà còn dẫn đến một số bệnh nhiễm virus khác. Để giữ an toàn cho bản thân trước sự tấn công của virus, cần tăng cường khả năng miễn dịch bằng cách bổ sung các thực phẩm giàu protein.
4. Một số thực phẩm giàu đạm
4.1 Trứng
Trứng là một trong những thực phẩm lành mạnh và bổ dưỡng, là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cho cơ thể, đặc biệt là với người bệnh COVID-19. Trứng có nhiều vitamin, khoáng chất, chất béo lành mạnh, chất chống ôxy hóa... Trứng có nhiều protein, lòng trắng trứng gần như là protein nguyên chất. Hàm lượng protein 33% lượng calo trong một quả trứng. Một quả trứng lớn có 6g protein và 78 calo.
Chất đạm của lòng đỏ trứng chủ yếu thuộc loại đơn giản và nằm ở trạng thái hoà tan, chất đạm của lòng trắng chủ yếu là Albumin và cũng có thành phần các axit amin tương đối toàn diện. Chất đạm của trứng là nguồn rất tốt các acid amin cần thiết có nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể
4.2 Ức gà
Ức gà là loại thực phẩm giàu protein ít calo. Một ức gà nướng (khoảng 250g) không có da chứa 53g protein và chỉ có 284 calo. Ức gà có giá thành rẻ rất dễ nấu và dễ chế biến thành nhiều món ngon, dễ ăn như ức gà luộc, hấp, áp chảo... Tuy nhiên, cũng không nên ăn vượt quá nhu cầu chất đạm cần thiết mỗi ngày.
4.3 Thịt bò nạc
Trong 100g thịt bò nạc có khoảng 20 - 22g chất đạm. Thịt bò còn có chứa nhiều sắt, canxi, kẽm, kali, các vitamin A, C, vitamin nhóm B... cùng các chất dinh dưỡng khác giúp cải thiện sức khỏe hay tăng cường cơ bắp.
4.4 Tôm
Tôm là thực phẩm giàu chất đạm và giúp bổ sung canxi cho cơ thể. Trong 100g tôm chứa 17 - 20g protein, đồng thời trong tôm còn chứa các thành phần dinh dưỡng khác như selen, vitamin B12 và omega - 3 giúp tái tạo năng lượng, giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh.
4.5 Cá béo là thực phẩm giàu protein
Hàm lượng axit béo omega - 3 của cá béo là nguồn protein hữu ích. Protein giúp tăng cơ bắp và axit béo omega-3 có tác dụng kháng viêm cho cơ thể. Sự kết hợp này làm tăng tỷ lệ trao đổi chất của cơ thể.
Việc tiêu thụ các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ sẽ giúp cơ thể kiểm soát tình trạng viêm và tăng cân. Các axit omega-3 còn làm giảm nguy cơ đau tim và các bệnh tim mạch khác cũng như thúc đẩy chức năng của não.
4.6 Các loại hạt
Nhóm hạt và đậu giàu đạm như hạt bí đỏ, hạt hướng dương, hạt điều, hạt óc chó, đậu Hà Lan, đậu xanh, đậu lăng, đậu đen, hạnh nhân... Các loại hạt là nguồn chất đạm thực vật phong phú, dễ hấp thụ. Không những vậy, các loại hạt, đậu đỗ còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất cơ lợi cho sức khỏe. Giúp cải thiện làn da cũng như giúp sáng mắt, tăng cường sự minh mẫn của trí não.
4.7 Sữa
Sữa là một nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và cung cấp protein dồi dào. Thông thường, một ly sữa (200 ml) sẽ cung cấp 7-10g protein. Sữa còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất, như canxi, phốt pho và riboflavin (vitamin B2) giúp bổ sung năng lượng và phục hồi các mô cơ thể
Nhiều người không dung nạp lactose không thể dung nạp sữa và các sản phẩm từ sữa khác có thể lựa chọn các sản phẩm không chứa lactose, bao gồm sữa không chứa lactose, pho mát và sữa chua.
Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tùy theo từng lứa tuổi; ít nhất nên uống một cốc sữa mỗi ngày. Các lựa chọn thay thế sữa không có dầu, như sữa hạt điều và sữa dừa, có thể là một chất thay thế tốt cho sữa trong nhiều trường hợp, nhưng chúng thường có hàm lượng protein thấp hơn nhiều và không chứa các chất dinh dưỡng tương tự.
4.8 Sữa chua kiểu Hy Lạp
Sữa chua Hy Lạp là một thực phẩm rất đặc chứa nhiều protein. Nó có kết cấu dạng kem và là một nguồn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng như canxi, vitamin B12, vitamin A, selen và kẽm.
Hương vị hơi chua của sữa chua Hy Lạp kết hợp tốt với cả món ngọt và món mặn, khiến nó trở thành một nguyên liệu nhà bếp đa năng. Có thể thêm sữa chua Hy Lạp vào sinh tố, súp, nước xốt salad và bánh nướng, hoặc chỉ thưởng thức với một chút trái cây và rắc các loại hạt nghiềncũng sẽ tạo nên một món ăn nhẹ hấp dẫn nhiều dinh dưỡng.
4.9 Bông cải xanh
Bông cải xanh là một siêu thực phẩm cung cấp vitamin C, vitamin K, chất xơ và kali. Bông cải xanh nó có hàm lượng protein cao hơn so với hầu hết các loại rau. Nên chế biến bông cải xanh dưới dạng hấp để đảm bảo giữ được tối đa lượng vitamin, khoáng chất và chất đạm có trong thực phẩm này.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Khi tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19 cần lưu ý điều gì?