Người mắc COVID-19 nên ăn hay nên kiêng tôm?

08-03-2022 13:09 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Nhiều người có quan niệm khi bị ốm, bị ho tuyệt đối không nên ăn tôm vì sẽ làm bệnh lâu khỏi, ho kéo dài hơn. Với người mắc COVID-19 thì sao? Việc ăn tôm liệu có khiến F0 ho nhiều và bệnh nặng hơn như đồn đoán?

Chị N.T.T.M (ở Đông Hải, Hải Phòng) chia sẻ: Mẹ chị bị mắc COVID-19 nên chị rất chú ý lựa chọn các loại thực phẩm giàu protein để tăng cường dinh dưỡng cho bà. Chị cẩn thận chọn những con tôm biển tươi ngon, bóc vỏ rồi chế biến để mẹ ăn nhưng bà khăng khăng không ăn vì sợ ăn tôm, ăn chất tanh sẽ gây ho.

Thực tế, rất nhiều người có quan niệm khi bị ốm, bị ho cần kiêng chất tanh như tôm, cá. Vậy, với triệu chứng ho khá phổ biến, các F0 có ăn được tôm không, ăn tôm có làm ho nặng thêm?

1. Giá trị dinh dưỡng của tôm

Trong 100g tôm biển (tính phần ăn được) có giá trị dinh dưỡng như sau: 82 calori, 17,9g đạm, 0,9g béo, 79mg canxi, 0,9g đường chung, 184mg phospho, 1,6mg sắt, 0,04mg vitamin B1, 20mg vitamin A, 0,08mg vitamin B2, 2,3mg vitamin PP. Cùng với đó là nhiều loại vitamin và khoáng chất như: Vitamin B12, đồng, kẽm, magie, kali, mangan, iod, selen và omega - 3 giúp tái tạo năng lượng, giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh…

Theo các chuyên gia dinh dưỡng thì trong 100g tôm tươi chứa khoảng 24g protein, đáp ứng 41% nhu cầu protein mỗi ngày của cơ thể. Còn 100g tôm khô chứa 75,6g protein, đáp ứng 66% nhu cầu protein mỗi ngày của cơ thể. Có thể thấy hàm lượng protein có trong tôm là khá cao.

Người mắc COVID19 nên ăn hay nên kiêng tôm? - Ảnh 1.

Người mắc COVID-19 nên ăn tôm nếu không bị dị ứng.

2. Người mắc COVID-19 nên ăn tôm nếu không bị dị ứng

Theo ThS.BS Lê Thị Hải, chuyên gia dinh dưỡng thì ho là do bệnh lý chứ không phải do ăn uống. Nếu nói ăn tôm gây ho là do phần vỏ và càng của tôm có thể gây ho do kích ứng niêm mạc đường hô hấp và khả năng dễ bị mắc, dính ở cổ họng, gây ngứa, ho. Thịt tôm không phải là nguyên nhân gây các cơn ho hoặc khiến cơn ho nặng thêm.

Lượng protein cho bệnh nhân COVID-19 với người trưởng thành nên bổ sung lượng protein theo tỷ lệ 1/3 đạm động vật và 2/3 đạm thực vật. Lưu ý, độ tuổi càng cao thì ăn lượng protein từ động vật vừa phải. Với trẻ nhỏ, thanh thiếu niên thì đạm động vật cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển, vì vậy lượng protein nên theo tỷ lệ là 2/3 đạm động vật và 1/3 đạm thực vật trong mỗi bữa ăn hàng ngày.

Tôm là thực phẩm giàu chất đạm và giúp bổ sung canxi cho cơ thể. Với hàm lượng protein khá cao trong tôm cho thấy đây là nguồn cung cấp protein giá trị cho sức khỏe con người, nhất là với những người mắc COVID-19 cần một chế độ dinh dưỡng đặc biệt.

Người bệnh nhiễm COVID-19 đều tăng nhu cầu dinh dưỡng do tăng tiêu hao năng lượng, nếu không bổ sung dinh dưỡng đầy đủ đúng cách người bệnh sẽ suy dinh dưỡng nặng. Suy dinh dưỡng làm tăng nguy cơ bội nhiễm, bệnh trở nặng…

Tôm rất giàu chất đạm và dễ tiêu hóa, có thể chế biến đa dạng thành nhiều món. Vì vậy, kiêng các loại chất tanh trong đó có tôm khi bị ho là quan niệm không đúng.

Tuy nhiên, đối với những người bệnh có cơ địa dị ứng thì cần tránh ăn tôm và các thực phẩm dễ gây dị ứng vì sẽ gây ra tình trạng dị ứng tái phát, làm ho nặng hơn.

Người mắc COVID19 nên ăn hay nên kiêng tôm? - Ảnh 2.

Nên bóc sạch vỏ tôm khi chế biến cho người mắc COVID-19.

3. Nên bóc sạch vỏ tôm khi chế biến cho người mắc COVID-19

Cần lưu ý về cách chế biến tôm cho người bệnh COVID-19, nên bóc sạch vỏ tôm do vỏ tôm, càng tôm, râu tôm còn sót lại không tốt đối với người mắc COVID có triệu chứng ho vì có thể bị dính, vướng ở miệng hay họng trong khi ăn.

Chú ý chế biến các món ăn ở dạng mềm, lỏng, dễ nuốt, dễ tiêu hóa như cháo tôm, súp tôm, bún hay bánh đa nấu tôm…

BS. Phó Thuần Hương
https://suckhoedoisong.vn/giu-suc-xua...
Người mắc COVID19 nên ăn hay nên kiêng tôm? - Ảnh 3.

Chú ý chế biến các món ăn ở dạng mềm, lỏng.

4. Nguyên tắc cơ bản về chế độ dinh dưỡng cho người nhiễm COVID-19 điều trị tại nhà

- Người bệnh ăn như bình thường với đầy đủ và cân đối các nhóm chất dinh dưỡng bằng đa dạng loại thực phẩm để duy trì thể trạng, thể chất bình thường.

- Bổ sung thêm 1 đến 2 bữa phụ như sữa và các chế phẩm từ sữa, nhất là khi ăn giảm sút do sốt, ho, mệt mỏi...

- Tăng cường nhóm thực phẩm giàu protein để ngừa teo cơ và giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể.

- Chú ý bổ sung trái cây tươi hoặc nước ép trái cây, rau xanh các loại, gia vị (như củ sả, nghệ, tỏi, gừng) để tăng cường sức đề kháng.

- Luôn uống đủ nước, uống rải rác trong ngày (trung bình 2 lít/ ngày) hoặc nhiều hơn nếu người mắc COVID -19 bị sốt hoặc tiêu chảy.

Chế độ dinh dưỡng cho F0 điều trị tại nhà theo hướng dẫn chuẩn của Bộ Y tếChế độ dinh dưỡng cho F0 điều trị tại nhà theo hướng dẫn chuẩn của Bộ Y tế

SKĐS - Bộ Y tế đã ban hành Tài liệu hướng dẫn chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà. Trong tình hình hiện nay có nhiều F0 không triệu chứng hoặc thể nhẹ điều trị tại nhà, Báo Sức khỏe & Đời sống xin giới thiệu nội dung hướng dẫn chế độ dinh dưỡng cho người nhiễm COVID-19 tự chăm sóc tại nhà để bạn đọc tham khảo.

Xem thêm video đang được quan tâm:

F0 lâu khỏi do uống nước dừa, nước cam, quả có múi?? | SKĐS



Hoàng Nam
Tổng hợp
Ý kiến của bạn