Vì sao thời tiết chuyển mùa, người bệnh khớp thấy khó chịu?
Bệnh khớp thường là thoái hóa khớp gối, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa cột sống, lún xẹp đốt sống lưng ở nữ giới hoặc bệnh gout (thống phong), viêm cột sống dính khớp, thoát vị đĩa đệm cột sống.
Thời tiết thay đổi do áp suất khí quyển thấp là điều kiện thuận lợi để các yếu tố gây bệnh xâm nhập vào cơ thể, lưu đọng lại ở các khớp xương.
Trong điều kiện bình thường, các thành phần của xương khớp luôn duy trì trạng thái cân bằng với môi trường xung quanh. Khi thời tiết thay đổi, áp suất khí quyển giảm xuống, các mô nở ra tạo áp lực lên các khớp.
Khi áp suất khí quyển hoặc nhiệt độ tăng hoặc giảm, chất lượng dịch khớp cũng thay đổi, phản ứng của các mô xung quanh khớp với nhiều quá trình lý hóa phức tạp, làm gia tăng tình trạng viêm, biểu hiện bởi hiện tượng sưng, đau tại khớp.
Không những thế, tiết trời thay đổi còn làm sức đề kháng của cơ thể giảm, khiến bệnh nhân càng khó chịu đựng tình trạng đau khớp.
Biểu hiện đau khớp khi thời tiết thất thường
Chuyển mùa khiến các cơn đau khớp xuất hiện thường xuyên và dữ dội hơn. Triệu chứng đau khớp có biểu hiện rất đa dạng.
- Khớp đầu gối, cổ tay và ngón tay bị sưng vù, đỏ ửng, tê cứng và đau buốt.
- Đầu gối nhức nhối, có cảm giác như kiến bò và phát ra tiếng "lục cục" mỗi khi trở trời.
- Ngủ dậy, có cảm giác như chân của mình bị cứng lại, co duỗi rất khó khăn.
- Đặc biệt đối với những bệnh nhân khớp mạn tính, lớp sụn khớp bị bào mòn trơ ra đầu xương lồi lõm, các dây thần kinh cũng nhạy cảm hơn nên sẽ cảm nhận các cơn đau nhức, cứng khớp rõ hơn.
- Với những người bị thoái hóa khớp, các cơn đau khớp khi thời tiết thay đổi thường biểu hiện rõ rệt ở hông, đầu gối, khuỷu tay, vai, cổ…
Đối phó với cơn đau khớp khi thời tiết thất thường
Để kiểm soát các cơn đau khớp khi thời tiết thay đổi, người bệnh khớp nên thực hiện các biện pháp sau:
- Giảm đau do thoái hóa khớp cũng là một vấn đề được nhiều bệnh nhân lưu ý. Việc tập luyện khớp mỗi ngày là rất cần thiết, tuy nhiên, phải tránh các môn thể thao đối kháng. Nếu làm việc văn phòng, nên thường xuyên thay đổi tư thế ngồi, đứng lên khoảng 5 - 10 phút để tránh mỏi khớp.
- Người bệnh nên giữ ấm các khớp ngay khi thời tiết sắp sửa thay đổi. Khi bị đau, có thể áp dụng các biện pháp như xoa bóp khớp, co duỗi nhẹ nhàng, chườm nóng…
- Chườm nóng bằng paraffin, túi chườm nhiệt, khay nhiệt điện có tác dụng giảm đau, nhưng không nên áp dụng với ổ viêm có mủ, chấn thương đang sung huyết.
- Tránh bê vác nặng làm khớp thêm tổn thương.
- Nếu béo phì nên giảm cân để hạn chế áp lực lên khớp.
- Không nên lạm dụng, tự ý dùng thuốc giảm đau chứa corticoid vì có thể gây ra tác dụng phụ lên dạ dày, tim mạch, thận…, đặc biệt là với người già.
- Có chế độ dinh dưỡng đặc biệt để có thể cung cấp các dưỡng chất phù hợp để nuôi dưỡng và giúp tái tạo mô sụn tại các khớp. Theo đó, người bệnh nên ăn các thực phẩm chứa nhiều acid béo omega-3 như cá hồi, cá ngừ, các vitamin A, E, C có trong đậu nành, rau xanh, hạt mầm, cà rốt, cà chua, ớt, bơ...
- Khi xuất hiện tình trạng đau, sưng tại khớp, bệnh nhân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế chuyên khoa.
Xem thêm video được quan tâm
Ăn cá hay thịt tốt hơn | SKĐS