1. Dinh dưỡng không hợp lý làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày
Viêm loét dạ dày - tá tràng là tình trạng niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng bị tổn thương, những vết loét sâu xuống lớp cơ niêm mạc, gây ra những cơn đau bụng âm ỉ, ợ hơi, ợ chua rất khó chịu...
Trong cơn đau do viêm dạ dày cấp, người bệnh có dấu hiệu đau vùng thượng vị dữ dội, cồn cào, nóng rát; có khi âm ỉ, ậm ạch khó tiêu, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, hoặc nôn nhiều, miệng hôi, sốt, thường kèm theo viêm ruột, tiêu chảy…
Các dấu hiệu trên có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ nặng dần lên. Các triệu chứng có thể tăng lên sau khi ăn, nhất là ăn các loại thức ăn, đồ uống gây kích thích niêm mạc dạ dày như: tỏi, ớt, rượu bia; những món ăn gây khó tiêu như chất béo, thức ăn chiên xào; những thực phẩm gây đầy hơi như nước giải khát có gas...
Theo ThS. BS. Nguyễn Ngọc Đan, chuyên khoa tiêu hoá, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, nguyên nhân gây viêm loét dạ dày - tá tràng rất đa dạng, thường gặp nhất là các yếu tố như: Chế độ ăn uống, sinh hoạt không hợp lý, nhiễm vi khuẩn HP, lạm dụng quá nhiều thuốc…
Trong chế độ ăn uống, bệnh nhân lạm dụng quá nhiều chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê; Ăn đồ quá cay nóng, chiên xào; Ăn không đúng bữa, ăn vội vàng, nhai không kỹ… là những nguyên nhân phổ biến gây viêm loét dạ dày - tá tràng và làm trầm trọng thêm triệu chứng của bệnh.
2. Người bệnh viêm loét dạ dày nên tránh thực phẩm nào?
Theo ThS. BS. Nguyễn Ngọc Đan, bệnh nhân bị viêm loét dạ dày tá - tràng nếu không được điều trị tốt có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như; hẹp môn vị, chảy máu ổ loét dạ dày, tá tràng, thủng ổ loét, đặc biệt là ung thư dạ dày.
Do đó, người bệnh không nên chủ quan, khi có các triệu chứng nghi ngờ mắc viêm loét dạ dày - tá tràng cần đi khám để được chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả.
Phương pháp điều trị viêm loét dạ dày - tá tràng bao gồm điều trị bằng thuốc kết hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý.
Bệnh nhân cần điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp như: tránh lo âu, căng thẳng, đi ngủ sớm, tập thể dục đều đặn; Ăn thức ăn mềm, chia thành nhiều bữa, ăn chậm, nhai kỹ, không nên ăn quá no, tránh các chất kích thích, gia vị mạnh, đồ ăn nhiều dầu mỡ…
2.1. Thực phẩm giàu chất béo
Thực phẩm giàu chất béo có thể làm tăng tình trạng viêm niêm mạc dạ dày, làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh viêm loét dạ dày.
Người bệnh nên tránh thực phẩm giàu chất béo như: đồ ăn chiên rán, thịt xông khói, bánh pizza, bánh mì kẹp thịt, bơ, sô cô la, pho mát, xúc xích…
2.2. Thực phẩm có hại cho vết loét
Thực phẩm có tính cay nóng như ớt có thể làm trầm trọng thêm tình trạng loét hệ tiêu hóa do chúng gây ra chứng ợ nóng. Chứng ợ nóng có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày và làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm loét.
Ăn sô cô la có thể làm trầm trọng thêm các vết loét do góp phần gây ra chứng ợ nóng, vì vậy người bệnh nên cắt giảm sô cô la khỏi chế độ ăn uống .
2.3. Thực phẩm có hàm lượng axit cao
Mặc dù bất kỳ thực phẩm hoặc đồ uống nào bạn tiêu thụ đều khiến dạ dày tiết ra axit để hỗ trợ tiêu hóa. Axit trong dạ dày giúp tiêu hóa thức ăn nhưng cũng có thể gây kích ứng hoặc làm hỏng niêm mạc dạ dày.
Thực phẩm có tính axit cao làm tăng sản xuất axit dạ dày, gây kích ứng niêm mạc dạ dày. Thực phẩm có hàm lượng axit cao như cà chua có thể gây ra chứng ợ nóng ở một số người và kích thích vết loét. Vì vậy, tránh cà chua có thể có lợi cho những người bị loét dạ dày.
Người bệnh cũng nên tránh ăn các loại thực phẩm như dưa chua vì nó có thể gây kích ứng dạ dày, khiến cơn đau trầm trọng hơn. Dưa muối cũng có hàm lượng muối cao có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày.
2.4. Đồ uống có tính kích thích
Hạn chế tối đa uống rượu bia, tốt nhất là không nên uống, vì tất cả rượu bia, đặc biệt là rượu mạnh đều gây kích thích dạ dày và làm chậm quá trình chữa lành bệnh. Đồ uống có chứa caffeine như cà phê, trà đặc… cũng không tốt cho người bệnh.
Để cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa tái phát cơn đau dạ dày, người bệnh nên tránh thức ăn gây kích kích. Việc tiết ra ít axit giúp giảm đau và giúp niêm mạc dạ dày của bạn có thời gian để chữa lành.
Nên ăn nhiều bữa nhỏ thường xuyên trong ngày, thay vì ăn một vài bữa với số lượng thức ăn lớn. Dạ dày của bạn có thể dung nạp các bữa ăn nhỏ tốt hơn, do đó sẽ giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Ngừng ăn ít nhất hai giờ trước khi đi ngủ. Điều này sẽ giúp cơ thể bạn có thời gian để tiêu hóa bữa ăn trước khi bạn nghỉ ngơi.
Xem thêm video đang được quan tâm
Uống Nước Ép Trái Cây Có Thực Sự Tốt Như Nhiều Người Nghĩ- I SKĐS