Người mắc bệnh tâm thần có phải chịu trách nhiệm hình sự không?

03-04-2025 13:23 | Pháp luật
google news

SKĐS - Thời gian qua, trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ án thương tâm khi thủ phạm là những người mắc bệnh tâm thần. Vậy, pháp luật quy định thế nào về việc xử lý người tâm thần gây án?

Mới đây, Công an tỉnh Hoà Bình đã bắt giữ Bùi Văn Chin (SN 1968, trú tại Lạc Sơn, Hoà Bình) để điều tra về hành vi "Giết người". Trước đó, đối tượng Bùi Văn Chin (sinh năm 1968, trú tại xóm Cốc, Quý Hòa, Lạc Sơn) đến nhà mẹ đẻ dùng gậy sắt (dạng xà cầy uốn sắt) gây thương tích cho bà B.T.B (sinh năm 1944, mẹ đẻ của Chin), anh B.V.M (sinh năm 1988, là em trai ruột của Chin), chị B.T.M (sinh năm 1989, là vợ anh M).

Hậu quả làm chị B.T.M tử vong, anh B.V.M và bà B.T.B bị thương tích nặng và phải đi cấp cứu tại TTYT huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Nguyên nhân ban đầu của sự việc được xác định, do nghi ngờ em dâu của mình là chị B.T.M bỏ côn trùng vào tai dẫn đến bị ù tai và đau đầu, không ngủ được nên Chin đã nảy sinh ý định sát hại chị M để trả thù.

Quá trình xác minh, gia đình đối tượng cung cấp thông tin: Vào năm 2023, gia đình đã đưa Bùi Văn Chin đi khám tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và được chẩn đoán có biểu hiện bị rối loạn tâm thần.

Nhưng do gia đình hoàn cảnh éo le, bà B.T.B. bị tai biến phải ngồi xe lăn, anh B.V.M. bị tai nạn lao động nằm liệt một chỗ nên gia đình không để ý và không cho Chin đi điều trị. Đối tượng này chưa có bệnh án tâm thần và chưa thuộc diện đối tượng tâm thần được quản lý.

Đối với với người mắc bệnh tâm thần khi gây án, theo Luật sư Nguyễn Thị Phương Loan - Công ty luật TNHH Noah, pháp luật có những quy định rất cụ thể, tuỳ vào từng trường hợp. Cụ thể:

Theo Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015, nếu một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong lúc mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi, thì họ không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, để xác định chính xác một người có mắc bệnh tâm thần hay không, cơ quan tố tụng sẽ yêu cầu giám định pháp y tâm thần (theo Điều 206 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015). Nếu kết quả giám định xác nhận người đó bị bệnh tâm thần trong lúc gây án, Viện kiểm sát hoặc Tòa án có thể quyết định đưa họ vào cơ sở điều trị bắt buộc thay vì truy cứu trách nhiệm hình sự (theo Khoản 1 Điều 49 Bộ luật Hình sự 2015).

Người mắc bệnh tâm thần có phải chịu trách nhiệm hình sự không?- Ảnh 1.

Đối tượng Chin bị bắt giữ (ảnh trái) và chiếc gậy sắt do đối tượng sử dụng để sát hại người thân. Ảnh: Công an Hoà Bình

Khi nào người mắc bệnh tâm thần vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự?

Không phải ai mắc bệnh tâm thần cũng được miễn trách nhiệm hình sự. Chỉ những người bị bệnh trong lúc gây án và bệnh đó làm mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi thì mới không bị truy cứu.

Trường hợp một người có đầy đủ năng lực hành vi khi phạm tội, nhưng sau đó mới mắc bệnh tâm thần thì họ vẫn có thể bị xử lý hình sự. Trong trường hợp này, Tòa án có thể ra quyết định bắt buộc chữa bệnh trước, và sau khi khỏi bệnh, họ sẽ tiếp tục bị xét xử (theo Khoản 2 Điều 49 Bộ luật Hình sự 2015).

Các trường hợp bắt buộc chữa bệnh:

Theo Điều 91 Nghị định 96/2023/NĐ-CP, những người bị bắt buộc chữa bệnh gồm:

1.Người mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A theo quy định của pháp luật.

2.Người mắc bệnh tâm thần có biểu hiện nguy hiểm, bao gồm:

•Trầm cảm có ý định hoặc hành vi tự sát.

•Bệnh tâm thần gây kích động, có thể làm hại bản thân, người khác hoặc phá hoại tài sản.

Nếu người mắc bệnh tâm thần thuộc diện nghi ngờ vi phạm pháp luật, họ sẽ bị bắt buộc chữa bệnh theo quy định của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự. Bộ Y tế có thể đề xuất Chính phủ bổ sung thêm các trường hợp bắt buộc chữa bệnh khi cần thiết.

Quy trình áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh:

Theo Điều 93 Nghị định 96/2023/NĐ-CP, nếu phát hiện một người có dấu hiệu bệnh tâm thần kèm hành vi nguy hiểm:

•Chính quyền địa phương (UBND cấp xã) có trách nhiệm đưa người đó đến cơ sở y tế để kiểm tra.

•Nếu xác định cần điều trị bắt buộc, cơ sở y tế sẽ tổ chức chữa trị và thông báo cho gia đình.

•Nếu không xác định được thân nhân hoặc gia đình từ chối tiếp nhận, hồ sơ sẽ được chuyển sang cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội để quản lý và hỗ trợ theo chính sách bảo trợ xã hội.

Quá trình chữa bệnh có thể diễn ra tại cơ sở y tế thông thường hoặc bệnh viện tâm thần, tùy mức độ bệnh lý và mức độ nguy hiểm của bệnh nhân.

Giám định tâm thần đối tượng dùng xăng đốt mẹ ruộtGiám định tâm thần đối tượng dùng xăng đốt mẹ ruột

SKĐS - Công an tỉnh Trà Vinh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đưa Dương Quốc Trung là đối tượng tưới xăng đốt mẹ đi giám định tâm thần.


T.Sơn
Ý kiến của bạn