Cà chua là loại quả có lượng calo thấp và giàu chất dinh dưỡng bao gồm: chất đạm, chất xơ và nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là lycopene. Những lợi ích sức khỏe đặc biệt của cà chua được nghiên cứu bao gồm các đặc tính chống ung thư của lycopene, các thành phần khác của cà chua như chất xơ, vitamin C và acid ferulic cấu thành phenolic.
Mặc dù chưa có nghiên cứu toàn diện trên người nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng lycopene và beta-carotene trong cà chua giúp làm giảm nguy cơ ung thư. Cà chua cũng có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch do có mối liên hệ giữa việc tiêu thụ cà chua và giảm huyết áp cũng như nguy cơ xơ vữa động mạch.
1. Cà chua có tốt cho người bệnh về dạ dày?
Không chỉ giàu dinh dưỡng, cà chua còn có màu sắc hấp dẫn và ngon miệng, là thực phẩm có mặt trong nhiều món ăn và phù hợp với khẩu vị của nhiều người. Tuy nhiên, đối với người có bệnh lý dạ dày, đặc biệt là trào ngược dạ dày thực quản, ăn nhiều cà chua lại không tốt. Vậy nguyên nhân là gì?
Theo ThS.BS. Trần Thị Minh Nguyệt, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cà chua giàu dinh dưỡng và hỗ trợ giảm cân, tuy nhiên việc tiêu thụ quá nhiều cà chua có thể dẫn đến các vấn đề về đường tiêu hóa và trào ngược acid. Nguyên nhân do trong cà chua chứa một lượng lớn acid malic và acid xitric sẽ gây kích hoạt bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Ngoài ra, ăn quá nhiều cà chua cũng có thể gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa khác như hội chứng ruột kích thích. Một số triệu chứng mà bệnh nhân hội chứng ruột kích thích thường gặp như đầy hơi, tiêu chảy…
2. Cà chua gây trào ngược acid như thế nào?
Trào ngược acid là một trong những vấn đề về đường tiêu hóa phổ biến nhất gây ra nhiều khó chịu cho người bệnh. Đây là tình trạng acid dạ dày liên tục chảy ngược lên thực quản, gây ra cảm giác nóng rát ở ngực, ợ nóng, ợ chua, buồn nôn, viêm họng...
Việc phòng ngừa và điều trị tình trạng này thường liên quan đến biện pháp điều chỉnh chế độ ăn uống, bao gồm tránh hoặc hạn chế một số loại thực phẩm nhất định, trong đó có cà chua.
Thực phẩm có tính acid như trái cây họ cam quýt và cà chua có thể làm tăng trào ngược acid. Cà chua và các sản phẩm được chế biến từ cà chua như sốt cà chua, tương cà có tính acid cao. Cà chua có chứa hai loại acid gây ợ nóng là acid citric và acid malic.
Tính acid trong các loại thực phẩm này có thể làm giãn cơ thắt thực quản dưới (LES), cơ ngăn cách dạ dày với thực quản, cho phép acid dạ dày chảy ngược vào thực quản. Acid đó có thể làm chứng ợ nóng và trào ngược trở nên trầm trọng hơn đối với người bị trào ngược dạ dày - thực quản.
Do đó, người bệnh nên hạn chế ăn cà chua. Nếu ăn một bữa ăn có cà chua hoặc sốt cà chua hãy chú ý đến khẩu phần ăn. Ngoài ra, chia nhỏ các bữa ăn sẽ ít gây áp lực lên dạ dày, giúp giảm nguy cơ cơ thắt thực quản dưới bị giãn mở ra và gây trào ngược.
3. Những thực phẩm người bệnh trào ngược dạ dày - thực quản nên tránh
Khi bị trào ngược dạ dày thực quản, người bệnh nên ăn các loại thức ăn giàu chất xơ, đạm dễ hấp thụ như: rau xanh, trái cây, cá, trứng, thịt gia cầm bỏ da, hải sản…
Cần hạn chế ăn một số thực phẩm có tính acid như cam, chanh, bưởi, cà chua…; Nên tránh các loại đồ ăn có thể gây kích ứng dạ dày, thực quản như thức ăn cay, gia vị mạnh, thực phẩm chế biến sẵn và các loại đồ ăn nhiều chất béo như mỡ động vật, đồ ăn chiên, xào, rán, nướng…
Không uống nước ngọt có gas, hạn chế đồ uống chứa caffeine. Không nên uống rượu vì rượu làm tăng sản xuất acid dạ dày và giãn cơ thắt thực quản dưới.
Cần tránh các đồ uống có cồn khác và các loại cocktail có pha trộn chất có tính acid như nước cam, chanh. Nên chuyển sang uống trà thảo mộc hoặc nước lọc có thể giúp giảm thiểu nguy cơ trào ngược acid.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Một số trường hợp cần chú ý khi ăn cà chua.