Người mắc bệnh gan do virus có dễ bị ung thư gan?

12-07-2017 07:00 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Gan được gọi là một nhà máy kỳ diệu của con người. Bởi vì, gan tham gia hầu hết các quá trình tổng hợp, lọc và thải loại chất độc để cho cơ thể ngày một khỏe mạnh. Thế nhưng, với nhịp sống hiện đại, thói quen ăn uống, môi trường ô nhiễm, thực phẩm độc hại ... khiến gan phải làm việc quá sức và dẫn đến nhiều bệnh.

Theo thống kê của Bộ Y tế, bệnh nhân mắc viêm gan siêu vi B chiếm 8-25% dân số, ước tính đến năm 2020 sẽ có 8 triệu người Việt nhiễm virus viêm gan B mạn tính. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh viêm gan do virus là nhân tố thứ 7 gây tử vong trên toàn cầu. Hiện nay có từ 6 đến 10 triệu người mắc bệnh này, 1,4 triệu ca tử vong mỗi năm, trong đó nhiều nhất là viêm gan virus C (48%), B (47%), còn lại là viêm gan A và E. Nhóm người tiêm chích ma túy có nguy cơ lây nhiễm cao nhất vì hiện trạng dùng chung bơm kim tiêm, ước tính trong số 16 triệu người tiêm chích ma túy có khoảng gần 10 triệu trường hợp nhiễm virus viêm gan C.

Báo động hơn 300 triệu người mang virut viêm gan

Gần 325 triệu người trên thế giới đang mang trong mình virus viêm gan B hoặc virus viêm gan C. Tuy nhiên rất nhiều người trong số đó không hề biết mình có mầm bệnh trong người. Đây là báo động mới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa đưa ra. Theo đó, đa số những người nhiễm virut viêm gan không có điều kiện xét nghiệm hay chẩn đoán sớm, dễ dẫn đến xơ gan, ung thư gan. WHO khuyến cáo, thế giới phải có giải pháp cấp bách do đây là thách thức lớn đe dọa sức khỏe cộng đồng. Thống kê chỉ riêng năm 2015, thế giới ghi nhận hơn 1,3 triệu người tử vong do virut viêm gan, tương đương số người chết do bệnh lao và HIV/AIDS. Tính trung bình từ năm 2000 đến nay, tỷ lệ này tăng khoảng 22%.

Diễn biến âm thầm

Theo các bác sĩ truyền nhiễm, hiện nay có 5 loại vi rút viêm gan được ghi nhận, đó là A,B,C,D và E, trong đó vi rút viêm gan B, C và D thường gây viêm gan mạn tính, tiến triển tới xơ gan, ung thư gan và tử vong.

Trong 5 loại viêm gan nói trên, lây qua đường tiêu hoá là viêm gan A và E. Số còn lại thường lây qua đường máu, từ mẹ sang con và đường quan hệ tình dục.

Những người có nguy cơ cao nhiễm viêm gan vi rút là người trong gia đình hoặc sống cùng người nhiễm; người có tiền sử tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục không an toàn, người chạy thận nhân tạo chu kỳ; nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc người bệnh… Theo các chuyên gia y tế, nếu bị viêm gan virus B và C cấp, bệnh nhân sẽ thấy mệt mỏi, chán ăn và vàng mắt, đôi khi có thể sốt nhẹ. Đối với các trường hợp mạn tính, hầu như bệnh nhân không có triệu chứng gì. Bệnh nhân có thể đau tức hạ sườn phải, nước tiểu có màu vàng sẫm. Tuy nhiên, nhiều trường hợp viêm gan mạn tính không có biểu hiện lâm sàng rõ rệt, thường khi bệnh được phát hiện thì đã muộn. Chính vì bệnh viêm gan diễn biến âm thầm, nhưng nguy hiểm và điều trị tốn kém, dễ dẫn đến xơ gan, ung thư gan - gây tử vong sớm… nên nó còn được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”.

Dẫn đến xơ gan và ung thư gan

Các chuyên gia y tế nhận định: bệnh viêm gan B diễn biến âm thầm, không có triệu chứng rõ rệt. 90% trường hợp mắc viêm gan B không có triệu chứng lâm sàng cho đến khi tiến triển thành xơ gan, ung thư gan. Tương tự, có đến 90% tỉ lệ người mắc viêm gan C cũng không có biểu hiện lâm sàng, chỉ có tế bào gan bị tổn thương âm thầm, trong đó có hơn 50% trường hợp sẽ chuyển thành xơ gan và ung thư.

Khoảng 10-20% bệnh nhân xơ gan có thể biến thành ung thư gan. Bệnh nhân bị nhiễm virut viêm gan B có xác suất ung thư gan cao gấp 200 lần người bình thường. Xơ gan là giai đoạn cuối của bệnh lý viêm gan mạn tính được đặc trưng bởi sự thay thế mô gan bằng mô xơ, sẹo và sự thành lập các nốt tân sinh dẫn đến mất chức năng gan.

Bệnh cảnh viêm gan vi rút rất đa dạng, không tương xứng với độ nặng của bệnh, gây khó khăn cho công tác khám và điều trị. Bệnh nhân thường chỉ phát hiện bệnh khi đã muộn, bị xơ gan, ung thư gan; khi đó chi phí điều trị đắt đỏ, tiên lượng xấu. Ngược lại có trường hợp phát hiện thì cũng chủ quan, không thường xuyên khám, theo dõi, hậu quả bệnh tiến triển nặng nề” – các bác sĩ cảnh báo.

Cách phòng bệnh và giảm nguy cơ

Để phòng tránh bệnh lý viêm gan, xơ gan hoặc ung thư gan, PGS.TS. Trịnh Thị Ngọc khuyến cáo: Người bị bệnh gan thường có biểu hiện không rõ ràng, khiến người bệnh dễ bỏ qua, nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm bệnh dễ tiến triển thành xơ gan, thậm chí là ung thư gan. Vì vậy, người bệnh viêm gan cần có chế độ ăn phù hợp. Cụ thể, giai đoạn viêm gan cấp tính bệnh nhân nên ăn nhẹ, uống nhẹ, nên ăn làm nhiều bữa và sử dụng các loại thức ăn dễ tiêu. Cần lưu ý, các biểu hiện khó chịu, mệt mỏi thường dễ chịu hơn vào buổi sáng, vì vậy bệnh nhân nên ăn nhiều hơn. Tránh ăn các thức ăn nhiều gia vị, dầu, mỡ. Cần ăn nhiều các loại protein được nấu nhừ, bên cạnh đó cũng cần ăn các chất có xơ như cam, cà rốt, chuối, gạo lứt, đậu đỏ, các loại rau xanh...

Trong giai đoạn này bệnh nhân cũng nên uống nhiều nước, đặc biệt nước cam, nước chanh vừa tăng lượng sinh tố, vừa tăng lượng nước của cơ thể. Tuyệt đối không được sử dụng rượu bia trong giai đoạn này dưới mọi hình thức vì chúng là các chất rất có hại cho tế bào gan. Trong trường hợp viêm gan cấp tính mức độ nặng, bệnh nhân cần được điều trị tại bệnh viện để có được chế độ điều trị và chăm sóc hợp lý.

Đối với người viêm gan mạn tính cần hết sức đa dạng trong các nhóm như rau, củ, quả, ngũ cốc, sữa và chế phẩm từ sữa, thịt cá hay trứng. Thức ăn cần cung cấp đủ năng lượng, cho bệnh nhân, phù hợp với trọng lượng chiều cao và hoạt động của cơ thể. Cần cung cấp đủ lượng protein cần thiết để tấn công bệnh tật, tái tạo gan và không thất thoát các chất cơ. Các thức ăn cần có nhiều vitamin A (như gan gà, gan lợn...) và vitamin C (cam, quýt, rau sống...). Tuyệt đối bỏ rượu để bảo vệ tế bào gan và giúp gan chóng bình phục, giảm thiếu tối đa các chất quá béo, quá ngọt.

Tiêm phòng vắc xin là biện pháp tốt nhất đề phòng lây nhiễm viêm gan B.

Để chẩn đoán và điều trị sớm bệnh người dân nên kiểm tra định kỳ 3-6 tháng/ lần. Những người có yếu tố nguy cơ cao nên đi kiểm tra như người sống trong gia đình có người bị viêm gan virus B, C hay ung thư gan cần chú ý phòng lây nhiễm. Nếu xét nghiệm HBsAg âm tính cần xét nghiệm anti HBs, nếu kết quả âm tính cần tiêm phòng vắc-xin viêm gan B. Hiện nay chưa có vắc-xin cho viêm gan C nên người có anti HCV dương tính cần xét nghiệm xem virut có phát triển không để có hướng điều trị kịp thời. Bệnh nhân mệt mỏi, đau tức hạ sườn phải, tiểu vàng,… thì nên kiểm tra chức năng gan gồm HBsAg, Anti HCV, để có hướng xử lý kịp thời. Người mang virut viêm gan B, C không nên uống rượu, bia vì rượu, bia ở người bị viêm gan B, C sẽ làm cho bệnh nặng thêm.

Đức Hoàng



Ý kiến của bạn