Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (còn được gọi tắt là COPD – bệnh COPD) gây tắc nghẽn đường thở kéo dài nhưng không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Khi có biểu hiện khó thở, người bệnh phải dùng đến máy thở để hỗ trợ việc cung cấp oxy và thải khí cacbonic. Khi triệu chứng này xuất hiện thường xuyên, bệnh tiến triển nặng dần theo thời gian thì việc dùng máy thở tại nhà là điều cần thiết để cải thiện đường thở.
Bệnh COPD gây tổn thương phổi thế nào?
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh rất thường gặp ở Việt Nam và trên thế giới. Tỷ lệ mắc bệnh trung bình hiện nay ở Việt Nam là 4,2% cho những người có tuổi từ 40 trở lên. Điều này có nghĩa cứ 100 người có tuổi từ 40 trở lên sẽ có 4 người có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Tổn thương phổi trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ban đầu chủ yếu tập trung ở các nhánh phế quản nhỏ có đường kính nhỏ hơn 2mm và nhu mô phổi. Đặc trưng thấy rõ nhất trong tổn thương tiểu phế quản và nhu mô phổi của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là tình trạng đứt gãy các sợi liên kết xung quanh các nhánh tiểu phế quản, đứt gãy các vách phế nang, dày niêm mạc đường thở, xơ hóa các cấu trúc dưới niêm mạc, phì đại và co thắt cơ trơn phế quản. Tất cả các tổn thương này gây tình trạng thắt hẹp đường thở không hồi phục. Bên cạnh những tổn thương trên phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính còn gây tổn thương trên tất cả các cơ quan, bộ phận của cơ thể như ở tim, cơ, xương, tâm thần…. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tín. Tuy nhiên, gặp nhiều nhất là khói thuốc lá, thuốc lào. Đây là nguyên nhân gây ra khoảng hơn 90% các trường hợp có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Những bệnh nhân COPD nặng, cần thở máy tại nhà.
Khó thở là dấu hiệu muộn của bệnh
Những dấu hiệu gợi ý xuất hiện bệnh ở những đối tượng này bao gồm: Ho húng hắng hoặc thành cơn, khạc đờm kéo dài về buổi sáng, hoặc những người có tiếp xúc thường xuyên yếu tố nguy cơ có biểu hiện mệt nhanh khi đi bộ, hoặc làm việc cùng người khác. Dấu hiệu khó thở thường chỉ xuất hiện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Cần lưu ý, không nên xem nhẹ những biểu hiện ho, khạc đờm vào buổi sáng ở những người đang hút thuốc. Không nên nghĩ rằng ho là biểu hiện thông thường ở người hút thuốc, vì như vậy sẽ bỏ sót chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đến khi xuất hiện khó thở gắng sức, khó thở thường xuyên hoặc khi thay đổi thời tiết mới đi khám bệnh thì bệnh thường đã ở giai đoạn muộn, chức năng phổi đã suy giảm nhiều, do vậy việc điều trị thường ít mang lại hiệu quả.
Bệnh nhân có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường có lồng ngực căng tròn. Nếu đo kích thước lồng ngực ở chỗ rộng nhất theo chiều trước sau sẽ thấy bằng hoặc lớn hơn kích thước theo chiều ngang (trong khi ở người bình thường có kích thước lồng ngực theo chiều ngang lớn hơn chiều trước sau) và được gọi là lồng ngực hình thùng. Có tình trạng này là do lòng các nhánh phế quản nhỏ ở người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bị tắc hẹp thường xuyên, không khí vào phổi được, nhưng đến khi thở ra, đường thở bị tắc, gây nên ứ khí trong phổi. Bệnh càng nhiều triệu chứng, mức độ tắc nghẽn đường thở càng nhiều, số đợt cấp càng xuất hiện thường xuyên thì càng có liên quan nhiều hơn tới mức độ nặng của bệnh.
Trường hợp nào cần được thở oxy tại nhà?
Những bệnh nhân có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính mức độ nặng luôn có tình trạng cản trở dòng khí ra khỏi phổi, không khí không được đổi mới thường xuyên. Bên cạnh đó, do vách các phế nang (túi chứa khí của phổi) cũng bị phá hủy, lại càng làm cản trở sự trao đổi khí, do vậy làm nồng độ khí oxy trong máu bệnh nhân bị giảm, tích đọng nhiều khí cacbonic. Tình trạng thiếu oxy thường xuyên sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của nhiều cơ quan đặc biệt là tim.
Việc sử dụng thuốc giãn phế quản thường chỉ mang lại hiệu quả cho những phần phế quản, tiểu phế quản có co thắt cơ trơn, tăng trương lực cơ trơn phế quản. Tuy nhiên, với những phần đường thở nhỏ đã bị xẹp do đứt gãy các sợi liên kết quanh tiểu phế quản, đứt gãy các vách phế nang, hoặc do phì đại cơ trơn đường thở thì thuốc giãn phế quản hầu như không có tác dụng.
Những nghiên cứu khoa học đã chứng minh: Trong những trường hợp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính mức độ nặng, có giảm oxy và tăng khí cacbonic kéo dài cần được cho thở máy. Những trường hợp chỉ có oxy giảm kéo dài mà chưa kèm tăng khí cacbonic thường chỉ cần thở oxy dài hạn là đủ. Cụ thể là các trường hợp áp lực riêng phần của oxy trong máu động mạch < 50mmHg, hoặc áp lực riêng phần oxy trong máu động mạch từ 51-55mmHg nhưng kèm theo một trong các dấu hiệu của tâm phế mạn hoặc suy hô hấp mạn tính
Vai trò máy thở cho người mắc COPD
Ở những bệnh nhân có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính mức độ nặng, tình trạng tắc nghẽn đường thở nặng thường xuyên tồn tại, do vậy, bệnh nhân luôn thiếu oxy và tăng khí cacbonic trong máu. Nếu không cải thiện được tình trạng này người bệnh luôn có cảm giác khó thở, mệt mỏi. Tuy nhiên, do đường thở luôn bị xẹp, thuốc giãn phế quản chỉ có tác dụng ở mức độ hạn chế, nên việc sử dụng máy thở, với việc hỗ trợ bởi luồng khí đẩy vào tạo áp lực dương để đỡ không cho đường thở xẹp hoàn toàn có vai trò rất quan trọng. Khi đường thở không bị xẹp sẽ giúp cải thiện tình trạng không khí đi ra và vào phổi, cải thiện tình trạng khí cạm, giúp cung cấp thêm oxy cho bệnh nhân và giúp thải thêm khí cacbonic ra ngoài.
Các loại máy thở dùng tại nhà
Có nhiều máy thở do nhiều hãng sản xuất bán ra, tuy nhiên, đều được xếp vào hai nhóm chính là CPAP và BiPAP, trong đó:
Máy thở CPAP: Bao gồm các máy thở luôn tạo ra dòng áp lực ổn định trong cả thì hít vào và thở ra của người bệnh. Những máy thở loại này thường có giá thành hạ, giúp cải thiện oxy máu, giảm khí cacbonic máu, nhưng thường gây mệt cho bệnh nhân.
Máy thở BiPAP: Máy này tạo áp lực dương ở thì hít vào và thở ra ở hai mức áp lực khác nhau, trong thì hít vào: Áp lực đẩy mạnh hơn (thường từ 9 – 20cmH2O), trong khi ở thì thở ra: Áp lực đẩy của máy giảm đi nhiều (5-9cmH2). Do vậy vừa đảm bảo cải thiện oxy, và giảm khí cacbonic máu, mà lại giúp trợ thở cho người bệnh, và do vậy bệnh nhân đỡ mệt.
Các thông tin cần biết khi thở máy
Khi chỉ định thở máy cho bệnh nhân, các bác sĩ chuyên khoa hô hấp sẽ đưa ra thông số cụ thể cho máy thở, sau đó bác sĩ hoặc kỹ thuật viên chuyên về thở máy sẽ thực hiện việc cài đặt thông số. Máy thở sau đó được nối với một ống dẫn không khí, và nối tới mặt nạ thở máy. Sau đó bật cho máy thở chạy. Kiểm tra chắc chắn đã có dòng khí thì tiến hành chụp mặt nạ này lên mũi, hoặc mũi – miệng (như hình) để thở máy cho các bệnh nhân. Trường hợp cần thở oxy thì nối thêm dây oxy vào mặt nạ cho người bệnh. Người bệnh thường được yêu cầu thở oxy từ 15-18 tiếng một ngày, buổi tối khi đi ngủ cần phải thở hơn cả ban ngày.
Chế độ máy thở chỉ được xem là phù hợp cho người bệnh khi giúp cải thiện được oxy, giảm được cacbonic máu, và đồng thời làm bệnh nhân bớt khó thở, cảm thấy dễ chịu hơn, khỏe hơn. Ngay cả khi có chế độ thở máy phù hợp, bệnh nhân luôn cảm thấy dễ chịu với chế độ thở máy và các thuốc điều trị, người bệnh cũng nên gọi điện thoại tư vấn bác sĩ hoặc thực hiện khám lại và làm xét nghiệm nhằm đánh giá lại liều lượng thở oxy ít nhất 1 tháng một lần.
Các loại oxy có thể dùng để thở tại nhà
Bình oxy nén: Đây là loại được dùng rất phổ biến ở Việt Nam hiện nay. Có rất nhiều loại bình khác nhau (từ 12kg oxy nén cho đến 100kg oxy nén), các bình 12kg có thể dùng được 1-2 ngày, trong khi đó những bình 100kg có thể dùng được trong 1 tuần.
Máy làm giàu oxy: Máy làm giàu oxy dựa trên phương pháp sử dụng các hạt làm xúc tác xử lý khí, hấp thụ và trao đổi ion, từ đó tách không khí thành oxy và nitơ theo nguyên tắc hấp thụ động, khả năng tách oxy có thể đạt 90% đến 98%. Tuy nhiên, nhược điểm của máy là khả năng làm giàu oxy bị giảm đi theo thời gian.
Bình oxy lỏng, sách tay: Bình có trọng lượng 1-2kg, được mang theo bên mình những khi đi ra khỏi nhà.