Hồi còn nhỏ, ông Nguyễn Đức Thuận, thôn 2 Thái Bình, xã Thái Sơn (Hàm Yên- Tuyên Quang) đã quen thuộc với rừng. Ông từng vào rừng kiếm dược liệu mang về bán cho các ông lang bà mế trong vùng. Không chỉ bán quanh bản, quanh làng, ông Thuận dần dần còn mối với các thương lái để gom dược liệu. Dần dần, việc khai thác đã khiến dược liệu quanh vùng trở nên khan hiếm hơn. Các loại dược liệu phổ biến như: máu chó, gắm, cát sâm.. trước đây nhiều vô kể cũng dần trở nên khan hiếm. Hơn nữa giá cả tăng liên tục có khi lên tới cả vài triệu đồng/kg nhưng vẫn không có để bán nên việc tìm dược liệu trở nên khó nhọc thậm chí cả khi lên những vùng núi lớn, trong rừng sâu cũng đã cạn kiệt.
Ông Thuận ấp ủ ý định nuôi dưỡng và thuần hóa các cây dược liệu. Sau một thời gian tham quan, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, năm 2019 ông Thuận đã quyết định thành lập hợp tác xã chuyên trồng, sản xuất, chế biến một số loại cây dược liệu quen thuộc trong vùng.
Sau hơn 4 năm, đến năm 2023, riêng gia đình ông đã trồng được trên 8.000 cây với diện tích hơn 1ha. Đây là loại cây dược liệu dễ trồng, dễ chăm sóc có giá trị kinh tế cao, phù hợp trồng dưới tán rừng sản xuất và rừng tự nhiên có địa hình như ở Hàm Yên – Tuyên Quang. Hơn nữa thời gian cho thu hoạch nhanh, bảo vệ được môi trường và cây khôi nhung đang được các công ty dược liệu trong và ngoài nước thu mua với số lượng lớn.
Bên cạnh việc nuôi trồng khôi nhung, ông Thuần còn cung cấp cho các thành viên trong hợp tác xã và bà con nông dân trên địa bàn huyện gieo ươm gần 10 vạn cây dược liệu cát sâm và sâm bố chính. Theo dự tính, hai loại dược liệu này trồng đúng quy trình kỹ thuật từ 2 - 3 năm sẽ đạt năng suất bình quân từ 200 - 500 kg/sào trở lên. Hai loại sâm này đạt khoảng gần 100 triệu đồng/sào và toàn bộ sản phẩm sẽ được hợp tác xã của ông Thuần thu mua với giá ổn định nhằm phát triển vùng dược liệu bền vững.
Để đạt thành quả như ngày hôm nay, ông Thuần đã phải mất rất nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc. Chẳng hạn như trong quá trình trồng cây sâm bố chính, khi ươm mầm, nhân giống đều thành công nhưng khi được đưa ra trồng thì cây nhiễm nấm và chết. Hay như cây máu chó, gắm cũng vậy, lần lượt chết khi đem ra trồng thử nghiệm ở vườn đồi. Và đến cây cát sâm – một trong những dược liệu quý hiếm, ông Thuận rút kinh nghiệm từ những thất bại trước, ông Thuận di chuyển cây lên vùng núi cao, ráo nước, mát mẻ để trồng. kết quả thật bất ngờ cây phát triển tốt, ít sâu bệnh. Tuy nhiên, cây vẫn phải chăm sóc rất tỉ mỉ, công phu.
Đặc tính của cây dược liệu là không được bón phân hóa học hay phun bất kỳ loại thuốc gì, hoàn toàn thuận theo tự nhiên. Dù mỗi loại cây sinh sống ở môi trường khác nhau dưới tán rừng, bìa rừng nhưng đều cần môi trường không khí mát mẻ và ráo nước. Tùy vào từng loại cây mà có chế độ chăm sóc khác nhau. Điển hình như cây cát sâm khi thu hoạch lấy củ là chủ yếu thì cần phải thường xuyên ngắt ngọn, lá để cho cây không nuôi lá, nuôi thân mà tập trung xuống củ. Và riêng với loài sâm, cây sâm càng nhiều tuổi, củ càng lớn thì giá càng cao.
Nhờ việc thuần dưỡng và phát triển mô hình ươm trồng dược liệu của ông Thuần, giờ đây bà con không phải lên rừng tìm kiếm cây thuốc quý mà hoàn toàn có thể tự trồng được.
Hợp tác xã Thuận Hằng của ông Thuần sẵn sàng cung ứng giống cho bà con trong vùng. Bên cạnh đó còn hợp tác với các tổ chức, cá nhân trồng các loại dược liệu quý. Tính đến nay HTX Thuận Hằng đang kết nối với 30 hộ ở khắp các xã, thị trấn trên địa bàn Hàm Yên trồng khôi nhung, cát sâm, sa nhân, đu đủ đực... với diện tích 48,6 ha, trong đó, nhiều rừng cây khôi nhung, sa nhân đã cho thu hoạch với giá 300-500 nghìn đồng/kg. Trong đó, riêng cát sâm, nhiều rừng cây có tuổi 3-4, 5 năm, dự tính năm 2024 sẽ cho thu hoạch.
Việc trồng, phát triển cây dược liệu là một hướng đi mới trong sản xuất lâm nông nghiệp. Việc này không chỉ giúp cho người nông dân tận dụng được các loại quỹ đất, mà còn có thu nhập dựa vào rừng, thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng một cách bền vững. Bên cạnh đó còn hình thành chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa giữa người dân với doanh nghiệp.