Nguyên nhân gây đái dầm ở người lớn rất đa dạng, có thể là do sức chứa của bàng quang ít hơn bình thường, khi lượng nước tiểu chứa trong bàng quang dù chưa đủ lớn nhưng đã có kích thích co bóp gây đi tiểu (bàng quang người bình thường chứa khoảng 250 - 300ml sẽ kích thích bàng quang co bóp để tống nước tiểu ra ngoài theo đường niệu đạo, qua lỗ đái) hoặc do bàng quang hoạt động quá mức bởi sự gia tăng hoạt động của loại cơ trơn nằm dọc theo thành bàng quang, mặc dù bàng quang chưa đầy nước tiểu nhưng đã gây phản xạ đi tiểu. Nguyên nhân gây căng thẳng thần kinh (áp lực công việc), bị stress liên tục ở một số người có thể gây đái dầm (ngay cả trẻ em đang độ tuổi đến trường). Một số trường hợp do cấu tạo của bàng quang bé hơn người bình thường cho nên sức chứa của bàng quang kém hơn. Vì vậy, nếu thể tích bàng quang nhỏ thì lượng nước tiểu sẽ dễ bị đầy, vượt quá sức chứa làm cơ bàng quang căng lên và kích thích hệ thần kinh gây phản xạ đi tiểu gây đái dầm.
Có thể là do sức chứa của bàng quang ít hơn bình thường
Đái dầm ở người lớn có liên quan đến một số bệnh lý như: bệnh đái tháo đường týp 2, bệnh lý bàng quang (viêm bàng quang, bệnh dị dạng bàng quang, bàng quang nhỏ, u bàng quang...), bệnh của tiền liệt tuyến ở nam giới (phì đại lành tính, viêm, u tiền liệt tuyến…). Hoặc bị táo bón kéo dài được cho là một trong các nguyên nhân gây ra bệnh đái dầm đêm thứ cấp ở người lớn. Bởi vì, táo bón làm cho bàng quang chịu nhiều áp lực hơn của ổ bụng và gây ra căn bệnh này. Một số người nghiện rượu có thể gặp phải chứng đái dầm do rượu gây ức chế việc sản xuất một loại hoóc-môn (ADH) có tác dụng kiểm soát bài tiết nước tiểu (làm hạn chế sản xuất hoóc-môn này). Đây là loại hoóc-môn lợi tiểu. Hoóc-môn này có nhiệm vụ thông báo cho thận biết thời điểm cần sản xuất nước tiểu, quyết định việc bài xuất nước tiểu. Nếu lượng hoóc-môn ADH trong cơ thể bị suy giảm, cơ thể sẽ sản xuất nước tiểu nhiều hơn, mất kiểm soát, nhất là vào ban đêm. Một số trường hợp, đặc biệt là người bị đái tháo đường týp 2, do sự bài tiết ADH không thỏa đáng vào ban đêm, vì vậy việc sản xuất nước tiểu vẫn ở mức cao. Ngoài ra, một số trường hợp mặc dù ADH được tiết đầy đủ nhưng thận không phản ứng kịp cũng có thể gây đái dầm về đêm, do đó việc bài tiết nước tiểu sẽ không được kiểm soát gây đái dầm.
Đái dầm còn có thể gặp ở một số người do tác dụng phụ của thuốc. Theo Hiệp hội Kiểm soát tiểu tiện (Mỹ), một số thuốc điều trị bệnh tâm thần có thể gây tác dụng phụ đái dầm (thioridazine, clozapine và risperidone). Ngoài ra, một số tác giả cho rằng đái dầm còn có thể do nguyên nhân di truyền, họ tổng kết cho thấy trong số người bị đái dầm có trên 75% do cả bố, mẹ lúc nhỏ bị đái dầm và nếu chỉ một trong hai người bị đái dầm lúc nhỏ, tỉ lệ đó khoảng 40%. Và đái dầm có thể không rõ nguyên nhân.
Bệnh đái tháo đường týp 2 cũng là một nguyên nhân
Khắc phục chứng đái dầm như thế nào?
Đái dầm khi đã trưởng thành khiến cho nhiều người rơi vào trạng thái tâm lý tự ti, xấu hổ, ngại tiếp xúc, ngại cho người khác biết, vì vậy không muốn đi khám bệnh. Đó là một sai lầm. Đái dầm ở người lớn cần phải đi khám bệnh để tìm nguyên nhân, trên cơ sở đó bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị mới có kết quả, bởi vì, đái dầm có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu biết rõ nguyên nhân.
Để hạn chế đái dầm ở người trưởng thành, trước khi đi ngủ buổi tối cần hạn chế uống nước, nhất là nước lạnh, nước đá và không uống bia (đặc biệt là bia lạnh), rượu. Trước khi đi ngủ cần đi tiểu.
Cần tập thói quen đi tiểu lúc giữa đêm (đặt chuông báo). Mặc dù, nếu làm việc này sẽ mất giấc ngủ, thậm chí ảnh hưởng đến giấc ngủ của người khác nhưng sẽ quen dần, cứ đến khoảng thời điểm đó sẽ thức giấc để đi tiểu.
Hàng ngày cần tập thể dục đều đặn nhất là tập các khớp xương chậu (đi bộ, ngửng đầu lên, gập người lại, co duỗi đùi…) nhằm tăng cường hoạt động của cơ xương chậu giúp khả năng kiểm soát tiểu tiện.
Nếu mắc các bệnh về đường tiết niệu (viêm bàng quang, u bàng quang…), bệnh đái tháo đường týp 2, bệnh của tiền liệt tuyến (nam giới), bệnh táo bón mạn tính, cần tích cực điều trị. Những bệnh nhân tâm thần dùng các thuốc điều trị gây đái dầm, người nhà bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ điều trị biết để có hướng khắc phục (thay thuốc…).
Những thành viên trong gia đình nên có sự thông cảm và động viên không nên để người bệnh mặc cảm, xấu hổ, xa lánh, bệnh sẽ tăng lên.
TS.BS. BÙI MAI HƯƠNG